Cửa ngõ trực tiếp vào thị trường Trung Quốc rộng lớn

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 96 - 97)

8. Kết cấu nội dung luận án

2.2. Thực trạng các nhân tố ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng

2.2.1.3. Cửa ngõ trực tiếp vào thị trường Trung Quốc rộng lớn

Các cửa khẩu biên giới Việt – Trung là những cửa ngõ kết nối trực tiếp vào thị trường Trung Quốc rộng lớn và nhiều tiềm năng. Trung Quốc có diện tích khoảng 9,6 triệu km2, dân số đông nhất trên thế giới với hơn 1,3 tỷ người, chiếm gần 1/5 dân số toàn thế giới. Năm 2013, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc là khoảng 9.300 tỷ USD, tăng trưởng 7,7%. Theo thống kê của Ban Thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Trung Quốc đã trở thành nước lớn nhất thế giới về thương mại hàng hóa năm 2013. Trung Quốc là đối tác mậu dịch lớn nhất của hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Trong đó, riêng thị trường 2 tỉnh/khu (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam) tiếp giáp trực tiếp với Việt Nam cũng rất rộng lớn và nhiều tiềm năng. Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc có diện tích 236.700 km2, dân số năm 2013 là trên 46 triệu người. Quảng Tây bao gồm 14 thành phố thuộc tỉnh, 56 huyện, 34 quận, 12 huyện tự trị và 7 thị xã. Quảng Tây luôn là một trong những tỉnh/khu có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm (2009 – 2013) là 18% / năm. Năm 2013, GDP của Quảng Tây đạt trên 1.200 tỷ NDT (tương đương khoảng 200 tỷ USD) [15]. Trong hơn 1 thập kỷ (từ 2003 đến 2013), Việt Nam luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Quảng Tây.

Bên cạnh đó, tỉnh Vân Nam có diện tích 394.100 km2, dân số năm 2013 là tương đương với Quảng Tây, khoảng trên 46 triệu người. Vân Nam bao gồm 16 châu hoặc thành phố, 129 huyện và tương đương. Tốc độ tăng trưởng GDP của Vân Nam đều duy trì ở mức trung bình trong 5 năm (2009 – 2013) trên 10%. Năm 2013, GDP của Vân Nam đạt 950 tỷ NDT (tương đương khoảng 150 tỷ USD) [16]. Các cửa khẩu của các tỉnh Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu là cửa ngõ trực tiếp vào thị trường Vân Nam.

Ngoài ra, các cửa khẩu biên giới Việt – Trung còn là những cửa ngõ thông thương của một số tỉnh Trung Quốc với khu vực và thế giới. Trước hết, phải kểđến các tỉnh Tây Nam của Trung Quốc như Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, Hồ Nam, thành phố Trùng Khánh và một phần của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tiếp đến kể cả các tỉnh Tây Bắc của Trung Quốc như Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Khu tự trị Tây Tạng, Cam Túc, Thanh Hải và Thiểm Tây. Hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung sang Trung Quốc không chỉ có hàng hóa của Việt Nam mà còn hàng hóa từ các nước và vùng lãnh thổ khác.

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 96 - 97)