Kinh nghiệm phát huy lợi thế cạnh tranh của Phần Lan trong xuất khẩu

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 67 - 69)

8. Kết cấu nội dung luận án

1.3. Kinh nghiệm phát huy lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa

1.3.1.3. Kinh nghiệm phát huy lợi thế cạnh tranh của Phần Lan trong xuất khẩu

Phần Lan và Nga có chung đường biên giới đất liền dài khoảng 1.340 km (tương đương khoảng 833 dặm). Tính đến năm 2012, trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước Phần Lan và Nga có 11 cặp cửa khẩu được mở cho hoạt động lưu chuyển của người, phương tiện giao thông vận tải, hàng hóa và vật phẩm. Năm 2012, có 12 triệu lượt người qua lại các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga, tăng trên 42% so với năm 2011 (8,4 triệu lượt người); Phần Lan đã cấp visa cho hơn 1,3 triệu công dân Nga, chiếm đến 95% tổng số visa Phần Lan đã cấp trên toàn cầu. Từ năm 2012, Phần Lan và Nga đã phải thành lập Nhóm Công tác Thủ tục hành chính qua lại biên giới để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và lưu chuyển của người qua các cửa khẩu biên giới.

Biên giới giữa Phần Lan và Nga còn mang ý nghĩa là biên giới giữa Liên minh Châu Âu và Nga. Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga bao hàm cả tính chất hoạt động xuất nhập khẩu giữa các nước trong khối Liên minh Châu Âu và Nga. Phần Lan đã khai thác ưu thế này của tuyến biên giới đất liền để tạo lập và nâng cao lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền vào Nga. Năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan sang Nga qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga đạt khoảng 17 tỷ Euro, tăng 19% so với năm 2009.

Hàng hóa xuất khẩu của Phần Lan sang Nga qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga không những chỉ được sản xuất tại Phần Lan mà còn hàng hóa từ các nước khác, đặt biệt là các nước trong Liên minh Châu Âu. Năm 2011, tổng kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan đi toàn cầu đạt 56.6 tỷ Euro, trong khi đó tổng kim ngạch xuất khẩu từ Phần Lan sang Nga qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga đạt 20,7 tỷ Euro, tức là bằng trên 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Phần Lan. Trong giai đoạn 2012 – 2015, để đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga, Chính phủ hai nước thống nhất một gói chương trình đầu tư phát triển khu vực cửa khẩu, theo đó mỗi năm đầu tư 40 triệu Euro cho phát triển hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông kết nối, bến bãi trung chuyển, công nghệ thông tin, thiết bị hiện đại và kỹ thuật khác.

Phần Lan đã hợp tác với Nga nâng cấp và mở rộng một loạt các đường cao tốc đường bộđi qua các cửa khẩu biên giới hai nước, bao gồm tuyến đường 91/P11 đi qua cửa khẩu Raja-Jooseppi, tuyến đường 82 đi qua cửa khẩu Salla, tuyến đường 866/A136 đi qua cửa khẩu Lamsankyla, tuyến đường 89 đi qua cửa khẩu Vartius, tuyến đường 9/A130 đi qua cửa khẩu Niirala-Vyartsilya, tuyến đường 62/A124 đi qua cửa khẩu Imatra, tuyến đường 13/A127 đi qua cửa khẩu Nuijamaa và tuyến đường E18/7/M10 đi qua cửa khẩu Vaalimaa. Bên cạnh đó, còn có 3 tuyến đường sắt cao tốc: Kontiomaki – Kostomuksha đi qua cửa khẩu Vartius, Imatra – Kamennogorsk đi qua cửa khẩu Imatra và Riihimaki – Saint Petersburg đi qua cửa khẩu Vainikkala.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nói chung và xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga, Phần Lan đã hợp tác với Nga thiết lập các khu thương mại biên giới tự do tại các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga. Theo đó, hoạt động kiểm tra, giám sát của các lực lượng chức năng chuyên ngành phía Phần Lan được lùi vào từ 1 đến 3 km, còn phía Nga từ 1 đến 7,5 km. Khu vực thương mại biên giới này được quản lý theo pháp luật của mỗi nước đối với phần lãnh thổ của nước đó, nhưng được hưởng những cơ chế, chính sách hoàn toàn tự do về thương mại, đầu tư, và các hoạt động có liên quan.

Phần Lan còn khuyến khích phát triển hiệp hội các doanh nghiệp kinh doanh thương mại biên giới Phần Lan – Nga, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp chuyên về vận tải, logistics tại các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga. Phần Lan đã phát huy rất tốt lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga đểđẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nga, một thị trường láng giềng và vô cùng rộng lớn. Hàng hóa được xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Phần Lan – Nga bao gồm cả hàng hóa của Phần Lan và các nước khác trên thế giới.

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 67 - 69)