8. Kết cấu nội dung luận án
3.1. Bối cảnh và những vấn đề đặt ra đối với phát huy lợi thế cạnh tranh trong xuất
3.1.1.3. Tình hình Việt Nam
Với chủ trương độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu cao nhất, hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương. Việc gia nhập ASEAN và tham gia AFTA, trở thành thành viên của APEC, gia nhập WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương…, hiện đang đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thể hiện vai trò và vị trí ngày càng được nâng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Những điều kiện đó đã tạo cho Việt Nam lợi thế trong việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổđược giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”.
Việt Nam đã đẩy nhanh tốc độ hội nhập khu vực, tạo ra môi trường thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển khu vực tư nhân, huy động được các nguồn lực, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và phát triển công bằng. Trong lĩnh vực kinh tế, với hàng loạt chính sách đổi mới thể chế kinh tế như hình thành nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế có bước phát triển mới về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập kinh tế quốc tế. Kinh tế Việt Nam đã từng bước phát triển, nền kinh tế thị trường được xây dựng, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm được nâng cao; nông nghiệp, nông thôn, lao động việc làm, tiền lương và thu nhập được cải thiện. Những cơ sở này đã tạo tiền đề cho đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.