Những kết luận rút ra từ kết quả nghiên cứu

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 170 - 172)

a) So với xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung có sự khác biệt về cửa khẩu, đó

là ngoài đi qua cửa khẩu quốc tế, hàng hóa xuất khẩu còn đi qua cửa khẩu song phương và cửa khẩu địa phương (cửa khẩu phụ, lối mở biên giới).

b) Điều kiện về cửa khẩu, bao gồm công tác quản lý, kết nối hạ tầng giao thông thuận lợi, cửa ngõ, kết nối Việt Nam và các nước trên thế giới với thị trường Trung Quốc đã ảnh hưởng tích cực đến lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.

c) So với xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Trung Quốc, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung có lợi thế cạnh tranh về sự khác biệt, đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng nhiều mức độ từ thấp đến cao, quy cách, bao bì, nhãn mác linh hoạt; bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung không chỉ có xuất xứ từ Việt Nam mà còn xuất xứ từ nước (hoặc vùng lãnh thổ) thứ ba.

d) So với xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung có lợi thế cạnh tranh về sự khác biệt thương nhân – bên cạnh các tập đoàn, tổng công ty, công ty lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ – doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh biên giới hoạt động hiệu quả; đồng thời là mối quan hệ đặc thù giữa thương nhân xuất khẩu với bạn hàng nhập khẩu bên phía Trung Quốc.

e) So với xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung có lợi thế cạnh tranh về dịch vụ thanh toán, ngoài thanh toán theo thông lệ quốc tế còn thanh toán biên mậu, bao gồm sự khác biệt về phương thức thanh toán và đồng tiền thanh toán.

f) Dịch vụ kho, bãi, gia công, đóng gói, giao nhận, vận chuyển đang trong quá trình phát triển nên không có nhiều ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. So với bên phía Trung Quốc, dịch vụ thủ tục hành chính bên phía Việt Nam phức tạp hơn, thời gian thông quan chậm hơn và thường phải có chi phí bên ngoài.

g) Chính phủ có vai trò quan trọng trong tạo lập và nâng cao lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Chính phủ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc, ban hành chính sách quản lý và điều hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật cửa khẩu biên giới, hỗ trợ nâng cao năng lực cho thương nhân và tiếp cận thị trường Trung Quốc.

h) Cơ chế, chính sách biên mậu của Trung Quốc là tương đối ổn định, quá trình điều chỉnh theo hướng ngày càng tự do hóa và thuận lợi hóa trên nhiều khía cạnh, bao gồm thuế, phí, lệ phí, kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm, kiểm dịch đã nâng cao lợi thế cạnh tranh cả chi phí thấp và sự khác biệt cho hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.

i) Việc Trung Quốc đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông cao tốc kết nối cửa khẩu cũng như hạ tầng kỹ thuật tại cửa khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 170 - 172)