Với mục tiêu nghiên cứu chung của luận án là làm rõ và bổ sung cơ sở khoa học về lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung, trên cơ sở đó đề xuất định hướng, chính sách và giải pháp của Nhà nước và hoạt động của thương nhân xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt - Trung sang thị trường Trung Quốc trong giai đoạn tới, luận án đã tập trung giải quyết những vấn đề sau:
Lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền bao gồm lợi thế cạnh tranh chi phí thấp và lợi thế cạnh tranh sự khác biệt. So với xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung có lợi thế cạnh tranh chi phí thấp do là cửa ngõ trực tiếp vào thị trường Trung Quốc, là cầu nối tuyến đường ngắn nhất của các vùng phía Tây và Tây Nam của Trung Quốc đến cảng biển và chi phí thấp hơn về thuế, phí, lệ phí; đồng thời có lợi thế cạnh tranh sự khác biệt về thương nhân tham gia xuất khẩu, về hàng hóa, về thanh toán và về cửa khẩu.
Dựa trên mô hình “hình thoi” của M. Porter, một phương pháp mới để hiểu vị trí cạnh tranh của một quốc gia (hay một đơn vị địa lý khác) trong cạnh tranh toàn cầu, luận án đề xuất khung lý thuyết phân tích lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền. Theo đó, những nhân tố ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung bao gồm điều kiện về cửa khẩu, điều kiện về cầu của thị trường Trung Quốc, dịch vụ hỗ trợ thương mại tại cửa khẩu, môi trường cạnh tranh của thương nhân, quản lý của Chính phủ và chính sách của Trung Quốc.