Bối cảnh quốc tế

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 133 - 135)

8. Kết cấu nội dung luận án

3.1. Bối cảnh và những vấn đề đặt ra đối với phát huy lợi thế cạnh tranh trong xuất

3.1.1.1. Bối cảnh quốc tế

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 được đề ra tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nhấn mạnh:

Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện với những tác động tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức đan xen rất phức tạp. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Quá trình quốc tế hoá sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu rộng. Việc tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu đã trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Sự tùy thuộc lẫn nhau, hội nhập, cạnh tranh và hợp tác giữa các nước ngày càng trở thành phổ biến. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, do đó con người và tri thức càng trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Có thể thấy, tình hình quốc tế trong những năm tới sẽ có những thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Tuy nhiên, hòa bình, hợp tác và phát triển sẽ tiếp tục là xu thế lớn. Bối cảnh quốc tế tác động đến phát huy lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung trong những năm tới như sau:

Thứ nhất, toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, tiếp tục phát triển về quy mô, mức độ và hình thức biểu hiện, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, vừa có mặt tích cực vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác vừa có đấu tranh, vừa có cơ hội và vừa có thách thức. Phát triển hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu

biên giới Việt – Trung là một đòi hỏi không thể né tránh đối với cả Việt Nam và Trung Quốc cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế.

Thứ hai, việc tham gia vào mạng lưới sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu trở thành yêu cầu đối với các nền kinh tế. Các công ty xuyên quốc gia có vai trò ngày càng lớn. Sự tăng cường liên kết thông qua các công ty xuyên quốc gia như là một bộ phận của mạng lưới sản xuất, cung ứng và phân phối toàn cầu. Các cửa khẩu biên giới Việt – Trung sẽ không chỉ còn phục vụ cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc mà còn phục vụ cho các doanh nghiệp xuyên quốc gia trong quá trình liên kết thị trường Việt Nam và thị trường Trung Quốc với thị trường thế giới.

Thứ ba, các nước ASEAN bước vào thời kỳ hợp tác mới theo Hiến chương ASEAN và xây dựng Cộng đồng dựa trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, đặc biệt đang nỗ lực thúc đẩy liên kết nội khối để xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Việc thiết lập các khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như ASEAN với các như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và Niu Di Lân sẽ xác định vai trò của ASEAN và mang lại cơ hội và thách thức cho các nước thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các cửa khẩu biên giới Việt – Trung sẽ ngày càng khẳng định vai trò cầu nối trung chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa Trung Quốc với Việt Nam nói riêng và giữa Trung Quốc với ASEAN và các nước trong khu vực.

Thứ tư, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới đã tác động đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, làm một trong những yếu tố làm thay đổi về kinh tế và quan hệ quốc tế. Công nghệ thông tin đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới, miền núi, vùng sâu vùng xa Việt – Trung ra khỏi phạm vi vùng biên giới, trở thành hoạt động thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc cũng như hoạt động thương mại quốc tế.

Thứ năm, các tổ chức ngân hàng, tài chính quốc tế, các nhà tài trợ quốc tế song phương và đa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển hạ tầng cho các nước đang phát triển và chậm phát triển. Từ đó, tạo cơ hội phát triển hạ tầng vùng biên giới Việt – Trung hiện vẫn còn đang ở trong tình trạng yếu kém, không theo kịp tốc độ phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung trong thời gian vừa qua.

Một phần của tài liệu Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung (Trang 133 - 135)