8. Kết cấu nội dung luận án
3.1. Bối cảnh và những vấn đề đặt ra đối với phát huy lợi thế cạnh tranh trong xuất
3.1.1.2. Quan hệ Việt – Trung
Trong bối cảnh Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, độc chiếm Biển Đông sẽ có những tác động mạnh mẽđến quan hệ kinh tế - thương mại Việt – Trung. Trong 4 thập kỷ vừa qua, Trung Quốc đã triển khai các hành động chiếm Biển Đông như: chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988, cấm ngư trường Hoàng Sa, gọi đấu thầu các lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, húc chìm tàu cá ngư dân trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, công bố bản đồ ngang thành bản đồ dọc, in hình “lưỡi bò” lên hộ chiếu, xây dựng các căn cứ quân sự và công trình trên các đảo cưỡng chiếm của Việt Nam, xây dựng và phát triển bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, đặc biệt là sự kiện đưa giàn khoan Hải Dương – 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Từ khi bình thường hóa (1991) đến nay, những sự kiện trên Biển Đông đã ảnh hưởng nhất định đến quan hệ kinh tế - thương mại Việt – Trung, tuy nhiên chưa tới mức có những “trả đũa” hoặc “cắt đứt” hoặc “cấm vận” hoặc “trừng phạt” về kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Với chiến lược nước lớn và tham vọng của mình, Trung Quốc sẽ tiếp tục có những hành động lấn chiếm Biển Đông, vì vậy quan hệ kinh tế - thương mại Việt – Trung sẽ phải phát triển trong môi trường không hoàn toàn thuận lợi. Việt Nam sẽ vừa đấu tranh với Trung Quốc về những vấn đề trên Biển Đông, vừa hợp tác với Trung Quốc về phát triển kinh tế - thương mại. Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại qua đường biển sẽ có những hạn chế, ngược lại qua biên giới trên bộ sẽ được đẩy mạnh.
Việt Nam và Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện 3 văn kiện biên giới đất liền đã được ký kết năm 2009, bao gồm Nghị định thư về phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt – Trung; Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới đất liền Việt – Trung; và Hiệp định về Cửa khẩu và Quy chế quản lý cửa khẩu biên giới đất liền Việt – Trung. Trên cơ sở 3 văn kiện này, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương của hai nước sẽ ký kết các điều ước và thỏa thuận song phương nhằm tiếp tục phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế - thương mại qua biên giới. Các cơ chế hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc sẽ ngày càng được tăng cường. Ủy ban Hợp tác Kinh tế - Thương mại Việt – Trung sẽ tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo và giải quyết các vấn đề nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhóm Công tác Thương mại Việt – Trung và Nhóm Công tác Thương mại biên giới Việt – Trung sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thuận lợi hóa hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, xử lý những vấn đề cụ thể, đặc biệt là những vấn đề nảy sinh trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.
Bên cạnh các cơ chế song phương, quan hệ giữa các tỉnh, địa phương hai bên biên giới Việt – Trung đã, đang và sẽ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các cơ chế hợp tác giữa 4 tỉnh Quảng Ninh + Lạng Sơn + Cao Bằng + Hà Giang của Việt Nam với Khu Tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc và giữa 4 tỉnh Điện Biên + Lai Châu + Lào Cai + Hà Giang của Việt Nam với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc ngày càng phát huy hiệu quả. Trong khuôn khổ điều ước, thỏa thuận quốc tế và chính sách pháp luật của mỗi nước hiện hành, chính quyền địa phương các cấp hai bên biên giới Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên có những phối hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt – Trung.