Nghĩa của việc nghiên cứu dư luận xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 129 - 137)

Sinh viên có thể đặt ra câu hỏi: Vậy những nghiên cứu xã hội học về DLXH có ý nghĩa gì trong đời sống xã hội? Nói một cách ngắn gọn nhất, các nghiên cứu xã hội học về DLXH giúp chúng ta nhận rõ hơn về các quy luật phát sinh, tồn tại, phát triển và tiêu vong của DLXH, nó giúp chúng ta vận dụng những kết quả nghiên cứu về DLXH giải quyết những vấn đề trong hoạt động tuyên truyền, công tác tư tưởng v.v.

Ý nghĩa về nhận thức

Cũng có nhiều cách tiếp về ý nghĩa nhận thức mà các nghiên cứu, điều tra DLXH mang lại, có thể chia các ý kiến này thành ba nhóm quan điểm (i) Thực chứng chủ nghĩa; (ii) Thấu hiểu; (iii) Giai cấp.

Quan điểm thực chứng chủ nghĩa

Quan điểm thực chứng chủ nghĩa chịu ảnh hưởng của A. Comte và Emile Durkheim. Quan điểm này xem xét quá trình hiện tượng xã hội giống như các sự vật khách quan. Theo quan điểm này, DLXH từ góc độ của xã hội học được nghiên cứu như những sự kiện xã hội, do đó nhà nghiên cứu cần phải khách quan. Đối với họ, không có dư luận tốt hay dư luận xấu trước khi nghiên cứu mà chỉ có đối tượng họ đang cần phải làm rõ. Nói rõ hơn là, nếu trước khi tìm hiểu vấn đề mà nhà nghiên cứu đã có ý nghĩ rằng vấn đề mà họ nghiên cứu là tốt hoặc xấu thì khó có thể khách quan được. Thí dụ, trước khi nghiên cứu về “dư luận xã hội đối với hiện tượng mại dâm”, nếu nhà nghiên cứu đã có sẵn ý nghĩ như: “đây là một tệ nạn xã hội xấu xa”, “đây là một vết nhơ của xã hội”, hay ngược lại “đây là một trào lưu tất yếu”, v.v thì những suy nghĩ như vậy rất dễ ảnh hưởng đến quá trình đặt vấn đề nghiên cứu, soạn thảo công cụ nghiên cứu, phân tích dữ liệu và đề xuất về mặt chính sách. Công bằng mà nói đây là nhược điểm của khá nhiều nghiên cứu về DLXH bởi vì nhà nghiên cứu cũng là thành viên của một xã hội và chịu ảnh hưởng của hệ giá trị văn hóa trong xã hội đó. Quan điểm thực chứng chủ nghĩa cũng đòi hỏi phải áp dụng những phương pháp của khoa học tự nhiên như thí nghiệm, thống kê, lập mô hình toán học.

Tuy vậy cách tiếp cận thực chứng cũng có nhược điểm là nó khiến cho các nhà nghiên cứu bị lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện. Tức là nhiều khi họ quá chú trọng đến những yếu tố kỹ thuật, về phương pháp nghiên cứu, về các mô hình thống kê toán học mà quên đi mất mục đích là những nghiên cứu, điều tra dư luận xã hội được thực hiện để làm gì.

Quan điểm thấu hiểu (verstehen)

Quan điểm thứ hai này của nhà xã hội học người Đức Max Weber, theo đó chúng ta cần phải thấu hiểu (verstehen) bản chất bên trong, ý nghĩa của những biểu hiện bên ngoài. Những gì ẩn chứa đằng sau những kết quả điều tra, những gì ẩn chứa trong đầu những người đưa ra ý kiến cũng quan trọng không kém những biểu hiện khách quan về hành vi mà quan điểm thực chứng yêu cầu phải có. Như vậy theo Weber nhà nghiên cứu cần có một mô hình lý thuyết trong tư duy để lý giải về hành vi chứ không chỉ mô tả một cách máy móc thuần túy từ những gì chúng ta quan sát được. Tuy nhiên nếu như một nhà nghiên cứu DLXH mà bắt đầu công việc này với một quan điểm, một thái độ thiên lệch có sẵn trong đầu thì rất dễ có sự sai lệch trong kết quả nghiên cứu. Chính vì vậy cách tiếp cận hợp lý nhất ở đây là hãy bắt đầu nghiên cứu bằng cái đầu lạnh, nhưng

hãy kết thúc nghiên cứu bằng trái tim nóng.

Xét từ phía những người sử dụng kết quả nghiên cứu, điều tra DLXH, thì quan điểm thấu hiểu được áp dụng để thấy rằng vấn đề không phải chỉ là có bao nhiêu phần trăm người phản đối hay bao nhiêu phần trăm người ủng hộ mà họ cần phải xem xét những kết quả này trong bối cảnh xã hội rộng hơn mà có thể ảnh hưởng đến những suy nghĩ của công chúng. Qua đó chúng ta sẽ hiểu rõ hơn những sự ủng hộ đích thực hay chỉ là sự ủng hộ theo phong trào, hay là họ bị ép buộc phải làm như vậy.

Quan điểm thứ ba quan điểm giai cấp

Một điều hiển nhiên nếu là lợi ích nhóm bị tác động tích cực, nhóm sẽ ủng hộ, nhưng nếu lợi ích nhóm bị tác động tiêu cực thì nhóm sẽ phản đối tác động này, tùy theo mức độ ảnh hưởng và mức độ “mạnh” của nhóm. Nói cách khác các nhóm và nói rộng hơn các giai cấp luôn có xu hướng bảo vệ lợi ích của nhóm mình, giai cấp mình. Thí dụ, một quyết định áp đặt thuế chống phá giá của Liên hiệp châu Âu với giày da Việt Nam thì ngay trong lòng châu Âu cũng có hai luồng ý kiến. Những nhà nhập khẩu hàng giày da Việt Nam và nhiều người tiêu dùng sẽ không hài lòng và phản đối mạnh mẽ quyết định này. Trong khi những hãng giày da châu Âu lại ủng hộ tuyệt đối và đương nhiên họ sẽ vận động, ủng hộ cho quyết định đó. Tình hình cũng tương tự khi Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá đối với cá basa và tôm tại thị trường Mỹ. Như vậy, nếu

không xem xét hiện tượng này từ góc độ lợi ích của các nhóm và lợi ích của giai cấp thì chúng ta khó có thể hiểu chính xác được phản ứng của họ.

Ý nghĩa trong công tác quản lý và dự báo

Kết quả nghiên cứu về DLXH là một trong những cơ sở để ra quyết định quản lý. Ở nước ta nhiều người phàn nàn về tình trạng có nhiều quyết định, văn bản pháp lý được ban hành nhưng tính khả thi không cao. Bởi vì người dân nhiều khi không biết đến những văn bản này, còn nhiều cơ quan chức năng cũng không muốn thực hiện. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là từ trước cho đến nay, nhiều quyết định quản lý, văn bản pháp lý được soạn thảo mà không có những nghiên cứu cơ bản hay điều tra dư luận liên quan để làm cơ sở. Để có được quyết định quản lý đúng đắn ta phải đánh giá được hiện trạng và dự báo xu thế phát triển của xã hội. Thông qua đánh giá, người ta sẽ soạn thảo nội dung của quyết định quản lý và tham khảo giải pháp thực hiện.

Nghiên cứu về DLXH có thể được sử dụng để hỗ trợ quá trình lập pháp của quốc hội hay quá trình ban hành các chính sách của Đảng và Chính phủ. Thí dụ đối với Quốc hội Việt Nam, những chức năng và hoạt động của Chính phủ bao gồm (i) lập pháp, (ii) giám sát, (iii) quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để thực hiện ba chức năng và hoạt động này thông tin thu được từ các cuộc điều tra dư luận xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giúp Quốc hội nói chung, các đại biểu quốc hội cũng như các cơ quan chuyên trách của Quốc hội nói riêng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động. Những kết quả từ cuộc điều tra DLXH có ý nghĩa chính trong đời sống chính trị xã hội như sau.

Ý nghĩa của các cuộc điều tra dư luận xã hội trong đời sống chính trị xã hội

- Điều tra và sử dụng kết quả nghiên cứu DLXH sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ trong xã hội.

- Kết quả điều tra dư luận xã hội giúp ích cho hoạt động của Đảng, Chính phủ, Quốc hội trong việc đưa ra những quyết định sáng suốt hợp lòng dân. Kết quả điều tra DLXH giúp ích cho các nhà lãnh đạo đánh giá được DLXH một cách chính xác hơn, do vậy, tránh được nhận định và suy nghĩ chủ quan, duy ý chí. - Điều tra DLXH tạo điều kiện cho mọi tầng lớp dân cư tham gia

vào việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước như tham gia vào việc hoạch định chính sách hay ban hành các văn bản luật,

dưới luật. Điều tra DLXH cho thấy những người dân bình thường cũng có thể đề xuất những giải pháp đúng đắn, hiệu quả cho những vấn đề chung của đất nước.

- Điều tra DLXH giúp xác định sự tín nhiệm của người dân với cơ quan công quyền các giai cấp và với đại biểu Quốc hội.

Kết quả điều tra DLXH giúp xã hội phát hiện và tập trung sự chú ý vào những vấn đề cấp bách đang xảy ra và đòi hỏi các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết.

Một ứng dụng quan trọng của kết quả nghiên cứu DLXH đó là trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Như trên đã nêu đây là một trong những hoạt động chính của Quốc hội Việt Nam, rõ ràng là tính khả thi, hay nói cách khác là khả năng áp dụng một chính sách hay điều khoản pháp luật cuộc sống luôn được các đại biểu quốc hội quan tâm. Để một chính sách hay một văn bản pháp luật có tính khả thi cần có nhiều yếu tố. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến mức độ sẵn sàng của người dân để thực hiện hay chấp hành các chính sách hay những điều khoản pháp luật. Một chính sách hay một văn bản pháp luật dù rất hay nhưng nếu không tính toán đủ về khả năng chấp hành của người dân thì cũng không thể coi đó là những văn bản thành công. Việc ban hành nhiều văn bản như vậy sẽ làm giảm uy tín của cơ quan ban hành. Do vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng để một chính sách hay văn bản pháp luật có khả năng áp dụng trong đời sống thì từ khi soạn thảo các cơ quan chức năng cần tiến hành điều tra DLXH. Cuộc điều tra dư luận xã hội này sẽ giúp nhà hoạch định chính sách hay các đại biểu quốc hội nắm bắt được những mối quan tâm chủ yếu của người dân là gì, thứ bậc ưu tiên ra sao. Nhà nước Việt Nam là nhà nước “Của dân, do dân, vì dân” vì vậy, các chính sách hay văn bản pháp luật lại càng cần xuất phát từ chính nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Sau khi các chính sách và các văn bản pháp luật ban hành cần có những cuộc điều tra tiếp theo để đánh giá về tác động của những văn bản này. Nếu kết quả điều tra phát hiện những tác động tiêu cực của chính sách hay văn bản pháp luật thì nó cần được chỉnh sửa hay thậm chí hủy bỏ. Sơ đồ quá trình này được trình bày như sau:

Như vậy, khi chuẩn bị soạn thảo chính sách hoặc văn bản pháp luật quan trọng, các cơ quan soạn thảo chính sách nên thực hiện ít nhất hai đợt điều tra DLXH. Mỗi cuộc điều tra DLXH lại phải tuân thủ những bước tiến hành chặt chẽ và cụ thể.

Tuy nhiên trên thực tế hiệu quả của những chính sách được soạn thảo cho đến nay chưa cao. Trong thực tế, nhiều khi việc tổ chức khảo sát thực tiễn, lấy số liệu cụ thể và trưng cầu DLXH bị xem nhẹ. Nhiều cơ quan soạn thảo chỉ tổ chức hội nghị lấy ý kiến của một bộ phận nhỏ các bên liên quan, hoặc họ đơn giản chỉ gửi công văn yêu cầu các cơ quan hữu quan hoặc các địa phương báo cáo tình hình, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn đóng góp vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Nếu như ở cấp trung ương, việc điều tra DLXH đã được chú ý đến cho dù chưa đầy đủ, thì ở địa phương, đặc biệt cấp huyện, các công tác thăm dò DLXH mang tính khoa học phục vụ cho hoạch định chính sách các cấp cơ sở hầu như bị bỏ qua. Chính vì vậy, nhiều báo cáo về DLXH chỉ mang tính hành chính về hình thức. Hiệu quả của những chính sách ban hành dựa trên đó cũng không đi vào được cuộc sống. Theo các nhà

Điều tra cơ bản bao gồm điều tra DLXH để xác định các nguyện vọng và khả năng chấp nhận của người dân

Soạn thảo và ban hành chính sách hay văn bản pháp luật

Điều tra đánh giá về thái độ và mức độ chấp hành trên thực tế của người đối với chính sách hay văn bản pháp luật Hiệu chỉnh chính sách hay văn bản luật

nghiên cứu về lập pháp, ngay cả khi có những báo cáo tốt, nhưng nếu báo cáo không được xây dựng một cách khách quan mà do các cơ quan quản lý thực hiện thì cũng khó tránh khỏi tình trạng VBQPPL được ban hành chỉ đưa ra những quy tắc có lợi cho cơ quan đó, nói cách khác đó chỉ mới là quan điểm của bộ, ngành với tư cách là cơ quan quản lý. Vì vậy việc điều tra DLXH cần được làm một cách khoa học, các kết quả là thực chất, thông tin đa chiều của tất cả các bên liên quan. VBQPPL được ban hành phải được kết hợp hài hòa giữa các quan điểm, lợi ích của tất cả các nhóm đối tượng bị quản lý trong xã hội và thuận lợi cho việc quản lý. Những giải pháp “thấu tình đạt lý” này sẽ giúp thỏa mãn các yêu cầu thực thi pháp luật.

Tuy nhiên do khả năng nhận thức cũng như sự tác động của từng loại chính sách đối với các nhóm đích khác nhau, cho nên theo Mai Quỳnh Nam “Trong nghiên cứu dư luận xã hội, về xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cần đặc biệt chú ý đến vấn đề tính thẩm quyền của người được hỏi về nội dung điều chỉnh của pháp luật được đưa ra làm đối tượng quan sát. Vì mỗi văn bản pháp luật điều hướng đến một, hoặc một số đối tượng và gắn với một hoặc một số chế tài nhất định nên việc chọn mẫu (chọn đối tượng quan sát) được các chương trình dư luận xã hội hướng tới, cần chú ý đầy đủ đến yếu tố có tính chuyên biệt này. Trong thực tế các nghiên cứu xã hội học về DLXH nếu chỉ căn cứ chọn mẫu theo yếu tố khu vực, lãnh thổ cư trú trong cơ cấu xã hội tổng thể thì chưa đủ, vì cách chọn này thường không phản ảnh đầy đủ “tính thẩm quyền” của đối tượng nghiên cứu”.

Việt Nam đang xây dựng nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, của dân, do dân, vì dân. Tiếng nói của người dân ngày càng được chú trọng hơn khi các cơ quan quyền lực ban hành một chính sách nào đó. Việc thực hiện thường xuyên các cuộc điều tra DLXH của Đảng, Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường dân chủ và trong việc tạo điều kiện người dân tham gia ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước. Chính những chính sách và văn bản pháp luật được hình thành từ chính ý nguyện của người dân sẽ có khả năng áp dụng vào thực tiễn cao nhất. Điều đó cũng góp phần năng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền ở Việt Nam.

Một trong những ứng dụng khác nữa của nghiên cứu DLXH đó là những điều tra để đánh giá sự điều hành đất nước của các cơ quan lập pháp, hành pháp tư pháp cũng như về hoạt động của các cơ quan công quyền địa phương. Thí dụ ở Mỹ và châu Âu thường xuyên có những cuộc thăm dò dư luận về uy tín của Tổng thống, về hoạt động của Thượng viện, Hạ viện, về bầu cử,… Những dịp bầu cử ở Mỹ là dịp mà các hãng

điều tra DLXH hoạt động mạnh. Các hãng này đua nhau tham gia vào thị trường điều tra dư luận để đưa ra những dự đoán về kết quả bầu cử và họ thường đưa ra những dự đoán có độ chính xác cao.

Những nhà điều tra DLXH ở Mỹ cho rằng những hoạt động của họ cung cấp cho xã hội một dịch vụ to lớn. George Gallup đã chỉ ra rằng thái độ công chúng trong những vấn đề đang gây tranh luận là điều mà người lãnh đạo quan tâm hàng đầu. Cả Gallup và Roper đều nhất trí rằng thông tin mà họ cung cấp về thái độ công chúng trong những vấn đề khác nhau quan trọng hơn sự cố gắng quảng cáo của việc dự đoán kết quả bầu cử.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 129 - 137)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)