Các đặc trưng của thiết chế xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 85 - 86)

Để thực hiện vai trò trung tâm của sự điều tiết xã hội, thiết chế xã hội phải có những đặc trưng cơ bản sau:

- Các thiết chế xã hội, đều không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của từng cá nhân, mà ngược lại đều được áp đặt lên cá nhân qua quá trình xã hội hóa cá nhân.

- Mỗi vai trò, khi đã được thiết chế hóa, đều bao gồm một loạt chuẩn mực mà xã hội đã đề ra và cá nhân phải tuân theo, dù muốn hay không. Mục tiêu của thiết chế xã hội được đại đa số các thành viên của xã hội thừa nhận, cho dù thành viên đó có tham gia trực tiếp hay không vào trong thiết chế.

- Trong các thiết chế, ứng xử của mỗi vai trò đều được lèo lái và quy định bởi những kỳ vọng xã hội đối với vai trò đó. Các thiết chế xã hội phải thể hiện được các giá trị xã hội cơ bản được các thành viên xã hội thừa nhận. 21 Nguyễn Đình Tấn (2005), Sđd, tr.67 22 Nguyễn Đình Tấn (2005), Sđd, tr.68 23 Trần Hữu Quang (1998), Sđd, tr.58

- Các quan hệ được thiết lập trong thiết chế phải tương đối bền vững để các khuôn mẫu hành vi được hình thành trong thiết chế trở thành một phần truyền thống văn hóa của một cộng đồng xã hội.

- Khác với các tổ chức xã hội cụ thể thường sử dụng văn bản nội quy hay điều lệ để điều phối hoạt động của mình, thì thiết chế xã hội thường chỉ dựa trên những quy định và luật lệ bất thành văn, những cái mà chúng ta thường gọi là phong tục, là truyền thống, là nề nếp,… Phát triển ở mức độ cao các thiết chế được luật hóa thành văn bản pháp luật để kiểm soát hoạt động của xã hội.

- Mỗi một thiết chế xã hội có tính độc lập tương đối, có tầm bao quát trong phạm vi hoạt động nhất định và trở thành vị trí trung tâm trong phạm vi đó.

Mặc dù các thiết chế xã hội có tính độc lập tương đối, nhưng giữa chúng có mối quan hệ tương tác với nhau rất chặt chẽ. Khi có một sự thay đổi về cơ cấu tổ chức hay khuôn mẫu hành vi của một thiết chế nào đó, có thể kéo theo sự thay đổi của các thiết chế ở lĩnh vực khác.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 85 - 86)