Khái niệm thiết chế xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 84 - 85)

Thiết chế, theo nghĩa đen, là cái gì đã được thiết lập, đã được đặt định sẵn. Hiểu trong khuôn khổ xã hội học, thì thiết chế không phải là một nhóm người, cũng không phải là một tổ chức hay một hiệp hội, như người ta thường dùng trong một số lĩnh vực khác. Ở đây, chúng ta hiểu thiết chế là một hệ thống bao gồm những vai trò đã được thiết lập theo những chuẩn mực nhất định mà xã hội thừa nhận.17

Theo I. Robersons, thiết chế là một tập hợp bền vững các giá trị, chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm vận động xung quanh một nhu cầu cơ bản của xã hội. Ông cho rằng, một xã hội muốn tồn tại và phát triển bình thường, phải tổ chức một cách có trật tự và hệ thống. Có nghĩa là, nó phải được hình thành nên những mô hình hành vi, những khuôn mẫu, khuôn phép chung để từ đó hành động cho phù hợp. Không thể nói đến sự tồn tại và phát triển của xã hội mà lại không có thiết chế, tức là một xã hội không có kỷ cương, quy tắc đó. I.Robersons còn cho rằng, thiết chế xã hội hay những mô hình hành vi của con người được thiết chế hóa do những nhu cầu khách quan của các lĩnh vực hoạt động xã hội khác nhau quy định.18

Theo J.H. Fichter (1971), thiết chế xã hội chính là một đoạn của văn hóa đã được khuôn mẫu hóa. Những khuôn mẫu tác phong của nền văn hóa đó được xã hội đồng tình, khuyến khích sẽ có xu hướng trở thành các mô hình hành vi được mong đợi, tức là các vai trò. Do vậy, thiết chế xã hội là một tập hợp các khuôn mẫu tác phong được đa số chấp nhận nhằm thỏa mãn một nhu cầu cơ bản của nhóm xã hội.19

Theo N. Smelser, thiết chế là một tập hợp các vị thế và vai trò có chủ định nhằm thỏa mãn những nhu cầu xã hội quan trọng.20

Theo G.V. Oxipov, thiết chế xã hội là tổ chức nhất định của hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội, được thực thi bằng hệ thống phối hợp 17 Trần Hữu Quang (1998), Sđd, tr.58. 18 Nguyễn Đình Tấn (2005), Sđd, tr.67 19 Lương Văn Úc (2009), Sđd, tr.105-106 20 Lương Văn Úc (2009), Sđd, tr.106

của những quy chuẩn về hành vi, chuẩn mực và giá trị, được định hướng một cách hợp lý.21

Theo W.G. Sumner trong công trình Folkways đã định nghĩa thiết chế là một khái niệm hay một cấu trúc hàm chứa một mục đích hay một chức năng do một tổ chức có hệ thống gồm nhiều người tiến hành.22

Các thiết chế xã hội không bao giờ có thành viên, nhưng chúng lại luôn luôn có những người thực thi. Đây là một sự phân biệt hết sức quan trọng mà P.B. Horton nhấn mạnh, vì có nắm rõ được sự phân biệt này chúng ta mới hiểu được thế nào là thiết chế.23

Như vậy, qua các định nghĩa trên ta có thể thấy: thiết chế xã hội là hình thức cộng đồng và hình thức tổ chức của con người trong quá trình tiến hành các hoạt động xã hội. Thiết chế xã hội chính là các ràng buộc được mọi cá nhân, nhóm cộng đồng và toàn thể xã hội chấp nhận và tuân thủ. Thiết chế xã hội biểu hiện là một tập hợp bền vững của các giá trị, chuẩn mực, vị thế, vai trò và nhóm vận động xung quanh một nhu cầu cơ bản của xã hội. Thực chất của thiết chế xã hội chính là hệ thống các quy định xã hội tạo thành khuôn mẫu chuẩn mực cho hành động xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 84 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)