Một vai trò xã hội có thể có nhiều mức độ biểu hiện, hay những sắc thái khác nhau về khuôn mẫu tác phong.
Vai trò không chỉ bao gồm những khuôn mẫu tác phong biểu hiện ra bên ngoài mà còn bao hàm cả những khuôn mẫu nội dung tinh thần ở bên trong.
Nội dung của bất kỳ vai trò xã hội nào cũng luôn được liên hệ với những vai trò xã hội khác.
Giới hạn của sự co giãn trong mức độ biểu hiện của vai trò. Mức độ biểu hiện của vai trò có sự co giãn nhất định, nhưng mức độ co giãn chỉ được chấp nhận đến một giới hạn nhất định, vượt khỏi giới hạn đó thì sẽ dẫn đến sai lệch; có nghĩa là người ta sẽ không làm đúng vai trò của mình nữa.
Căng thẳng và xung đột vai trò. Căng thẳng vai trò xảy ra khi khi cá nhân thấy rằng vai trò không thích hợp và họ khó khăn trong việc thực hiện vai trò đó, nhất là những vai trò được nhiều người mong đợi, kỳ vọng quá nhiều. Xung đột vai trò xảy ra khi cá nhân cùng lúc chiếm giữ hai hay nhiều vị thế, vai trò và khi cá nhân tham gia nhiều nhóm xã hội khác nhau, họ phải đáp ứng những mong đợi của những nhóm xã hội khác nhau, nhiều khi những mong đợi đó xung đột với nhau về lợi ích.
Vai trò và nhân cách. Theo J.H. Fischer, trên phương diện xã hội học, nhân cách xã hội là toàn bộ những vai trò của cá nhân, nhân cách xã hội chính là hệ thống toàn vẹn của những vai trò làm trung gian trong
những nhóm, những đoàn thể, những tổ chức xã hội mà cá nhân thực hiện những vai trò của mình.
Một người không chỉ có một vai trò mà có nhiều vai trò. Một người nào đó tham gia vào bao nhiêu đoàn thể xã hội thì có bấy nhiêu vai trò. Mức độ nhiều hay ít các vai trò phụ thuộc vào mức độ tham gia nhiều hay ít của một người nào đó vào các đoàn thể, tổ chức xã hội.
Nghiên cứu vai trò cũng cần phân biệt giữa những vai trò chung trừu tượng với vai trò cụ thể.