Đặc điểm của làng xã Việt Nam trước thời kỳ đổi mới

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 148 - 150)

Làng Việt - một cộng đồng lãnh thổ

Làng Việt là điểm tụ cư của một cộng đồng dân cư nông thôn, mỗi làng có diện tích đất đai, ao hồ, sông suối của mình được hình thành do quá trình di cư và khai khẩn, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lãnh thổ của làng luôn được bảo vệ quanh lũy tre, bờ mương.

Mỗi làng đều có cổng làng, thường thì có 4 cổng: Đông, Đoài, Nam, Bắc. Vì vậy, luỹ tre làng, cổng làng là biểu tượng cho địa vực, lãnh thổ của làng và cũng ăn sâu vào tâm thức người dân nông thôn thể hiện qua tình yêu quê hương.

Làng - một cộng đồng kinh tế

Làng quản lý phần lớn đất đai trong lãnh thổ của mình. Vì thế làng có truyền thống chia công điền, công thổ và sử dụng nó.

Làng có tài sản riêng, có quyền sử dụng và sở hữu nó. Bộ máy lãnh đạo điều phối mọi hoạt động kinh tế của làng.

Mỗi làng có một chợ để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa (chợ làng).

Làng - một cộng đồng chính trị tự quản

Về cơ cấu chính trị xã hội của làng có ba thứ hạng trong cộng đồng làng: dân làng xã, hội đồng kỳ mục và các lý dịch.

Dân làng xã: là toàn bộ nam giới từ 18 tuổi trở lên, là những người có trách nhiệm đóng thuế, thực hiện lao dịch và binh dịch, có quyền bầu cử và tham gia vào việc của làng.

Hội đồng kỳ mục: bao gồm những người có điền sản, vừa có chức vụ hay phẩm hàm, đứng đầu là tiên chỉ, có chức trách đề ra các chủ trương và biện pháp cai trị.

Lý dịch: là những chức viên ở làng xã mà đứng đầu là lý trưởng (còn có phó lý, tuần binh, hương trưởng,...). Lý dịch thực hiện những chủ trương của hội đồng kỳ mục và chịu trách nhiệm về làng trước chính quyền trung ương.

Chính quyền trung ương chỉ giữ vai trò kiểm soát chứ không can thiệp trực tiếp vào công việc hành chính địa phương. Làng với bộ máy của mình trực tiếp điều hành mọi hoạt động, chỉ thực hiện với nhà nước một số nghĩa vụ như đóng thuế, đi phu, đi lính. Tính tự trị của làng còn thể hiện trong việc giải quyết những mâu thuẫn giữa các thành viên.

Làng - một cộng đồng pháp lý

Mỗi làng có một hệ thống những quy định bắt buộc mọi người phải tuân theo. Hệ thống đó có tính pháp lý và được gọi là lệ làng, thể hiện sâu sắc qua Hương ước. (Phép vua thua lệ làng, ...).

Hương ước là một hệ thống các lệ làng, có thể gọi đó là hệ thống các luật tục. Nội dung chính của các Hương ước đó là: 1. Quy ước về chế độ ruộng đất; 2. Quy ước về khuyến nông, bảo vệ sản xuất, bảo vệ môi trường; 3. Quy ước về quan hệ xã hội ngăn chặn tệ nạn xã hội; 4. Quy ước về tổ chức xã hội và trách nhiệm của các thành viên; 5. Quy ước về văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng,...

Hương ước là một trong những công cụ quản lý, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong cộng đồng làng xã. Nó bao gồm cả sự thưởng - phạt.

Làng - một cộng đồng tín ngưỡng- văn hóa

Làng là một tổng thể đặc thù, vì vậy văn hóa làng phản ánh tổng thể xã hội đặc thù. Thể hiện qua luật tục, hệ thống các tôn giáo, tín ngưỡng, các thiết chế văn hóa, hệ thống văn hóa dân gian, phong tục, tập quán.

Hương ước làng vừa là công cụ quản lý xã hội vừa là một biểu tượng văn hóa làng.

Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng làng: Thành Hoàng làng chỉ vị thần ở thành và hào. Vị thần có công lao giúp khai công lập ấp, có công giúp đỡ dân làng. Thành Hoàng làng tượng trưng cho sự thống nhất vận mệnh của một cộng đồng người cùng chung sống trên một lãnh thổ (làng xã) mà tư lâu đời giữa cộng đồng người đó đã hình thành nên một cộng đồng kinh tế, chính trị, lịch sử và văn hóa.

Làng - họ; làng - nước

Trong đời sống làng xã của mình, bản thân mỗi dòng họ đều cư trú trong xóm, ngoài làng, quan hệ mật thiết vớinhau, trở thành một cộng đồng xã hội - cộng đồng huyết tộc. Mỗi làng thường có một hay một vài dòng họ. Trong làng, các dòng họ thường quy tụ theo từng khu vực nhất định, trong những ngõ xóm: làng - họ.

Trong quan hệ với làng với nước, họ hàng đôi khi cũng không thể thay thế hết trách nhiệm của toàn bộ gia đình. Những bộ máy cai trị kỳ hào, chức dịch của làng chi phối các gia đình thông qua họ hàng để nắm dân, tổ chức thực hiện lệ làng phép nước. Chính vì thế, làng đồng thời còn mang tính chất cộng đồng công xã, là một đơn vị tổ chức Nhà nước và là tổ hợp một dòng họ.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 148 - 150)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)