Quá trình xã hội hóa và các dạng thức xã hội hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 99 - 101)

Xã hội hóa như là diễn tiến xã hội liên tục: Theo Joseph H. Fischer,

xã hội hóa mô tả theo hai quan niệm:

- Quan niệm khách quan: xã hội ảnh hưởng tới cá nhân. - Quan niệm chủ quan: cá nhân đáp ứng lại xã hội.

Theo quan niệm thứ nhất, xã hội hóa là diễn tiến theo đó xã hội truyền văn hóa của mình từ thế hệ này qua thế hệ tiếp theo và làm cho cá nhân thích ứng với những nếp sống sinh hoạt được chấp nhận và được tán thành trong một đời sống có tổ chức. Có nghĩa là, nhiệm vụ của xã hội hóa là truyền thống và phát triển những kỹ năng, kiến thức mà cá nhân cần tới, truyền đạt những hệ thống giá trị văn hóa xã hội và trang bị cho cá nhân vai trò nhất định bảo đảm cho sự duy trì xã hội và văn hóa.

Theo quan niệm thứ hai, xã hội hóa là một quá trình cá nhân đang thích ứng với những người xung quanh, liên tục thực hiện để dần dần nhập vào xã hội trong một nền văn hóa và xã hội nhất định. Có nghĩa đó

là quá trình con người học hỏi khi tiếp xúc với xã hội trong mối tương quan xã hội.

Từ các quan niệm trên, chúng ta thấy xã hội hóa là sự thống nhất đối lập giữa hai khuynh hướng:

- Tiêu chuẩn hóa, được thể hiện trong sự cố gắng của cá nhân muốn giống như những người khác, để thể hiện sự nắm vững những phương pháp giao tiếp chung và hoạt động chung.

- Cá thể hóa, được thể hiện trong sự cố gắng để hình thành “cái tôi của mình”, để triển khai những phương pháp độc đáo của sự giao tiếp và hoạt động.

Xã hội hóa diễn ra như thế nào? Xã hội hóa thành công được xác định

bởi ba yếu tố: sự chờ đợi, sự thay đổi hành vi, sự cố gắng đến khuôn phép: - Sự chờ đợi thể hiện ở chỗ những người trong nhóm gia đình, bạn bè, nhà trường,… mong đợi ở cá nhân có phương thức ứng xử phù hợp với các mô hình, tác phong của họ. Đồng thời, trong quá trình tương tác xã hội, cá nhân cũng mong muốn học hỏi những mô hình, tác phong mà họ cho là phù hợp với vai trò của mình.

Như vậy, trong quá trình tương tác xã hội, các cá nhân dần dần thay đổi hành vi của mình sao cho phù hợp với chính vai trò của mình.

Xã hội như là lực lượng mạnh mẽ và hùng hậu. Các cá nhân cố gằng vươn tới sự khuôn phép, loại trừ bớt đi những hành vi ứng xử không phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Điều này được giải thích bởi hai nguyên nhân:

- Khả năng sinh học hạn chế của con người. - Những hạn chế do nền văn hóa.

Theo bản chất của mình, xã hội hóa là quá trình tác động nhiều hướng khác nhau mang tính hai mặt, phản ánh sự tác động qua lại giữa nhân tố sinh học và văn hóa, giữa những người thực hiện xã hội hóa và những người bị xã hội hóa.

Các dạng thức xã hội hóa:

- Xã hội hóa trẻ em

Theo Joseph H.Fichter, hai diễn tiến quan trọng nhất của học hỏi xã hội là sự bắt chước và sự ganh đua. Sự bắt chước không chỉ là hành vi của trẻ em mà còn thể hiện ở người lớn. Sự ganh đua là một diễn tiến kích thích trong quá trình tương tác xã hội cho thấy con người có khuynh hướng học hỏi theo khuôn mẫu tác phong đã được xã hội chấp nhận và loại bỏ cái không được chấp nhận.

- Xã hội hóa người lớn

Gold.R.L cho rằng, xã hội hóa người lớn gắn liền với sự từ chối dần dần những quan niệm ấu trĩ trẻ thơ.

Sau này, các nhà xã hội học bắt đầu nghiên cứu xã hội hóa người già. Nhưng một số người lại cho là, những người già không có những vai trò nhất định một cách rõ ràng. Chẳng hạn ở Mỹ, Rozốp không công nhận xã hội hóa người già ở Mỹ và coi đó là không có hiệu quả.

Những đặc điểm khác nhau của xã hội hóa người lớn và trẻ em

Brim phân biệt xã hội hóa người lớn và trẻ em bằng những đặc điểm sau:

+ Xã hội hóa người lớn - là sự thay đổi hành vi bên ngoài, còn trong xã hội hóa trẻ em diễn ra hình thành định hướng giá trị.

+ Những người lớn có khả năng đánh giá những chuẩn mực, còn trẻ em có thể lĩnh hội được chúng.

+ Xã hội hóa người lớn có mục đích là giúp cho con người lĩnh hội được những thói quen nhất định, còn xã hội hóa trẻ em chỉ ở mức độ động chạm đến môi trường lý do hóa.

Như vậy, xã hội hóa chính là quá trình con người học cách thể hiện vai trò xã hội của mình trong quá trình gia nhập vào xã hội. Quá trình xã hội hóa phải xử lý mối tương tác giữa yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan của con người và xã hội. Quá trình xã hội hóa là quá trình bản thân cá nhân tác động vào xã hội diễn ra trên lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, nhu cầu của cá nhân và nhu cầu xã hội. Quá trình xã hội hóa luôn luôn nảy sinh sự thống nhất và xung đột giữa cá nhân và xã hội. Quá trình xử lý nó là quá trình đào tạo ra con người. Quá trình xã hội hóa diễn ra từ thấp đến cao qua các giai đoạn nhất định, từ giai đoạn đầu khi đứa trẻ bước vào đời cho đến khi con người ra đi ở giai đoạn cuối. Quá trình đó là quá trình con người học cách thích ứng với xã hội, tuân thủ các nguyên tắc, phong tục tập quán, là quá trình luân chuyển nền văn hóa từ thế hệ này đến thế hệ khác để giữ gìn xã hội và văn hóa.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 99 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)