Nghĩa của việc nghiên cứu cơ cấu xã hội

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 77 - 79)

Cùng với những biến đổi mạnh mẽ cuả thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, chúng ta cũng đang chứng kiến những chuyển động sâu sắc trong nền tảng cấu trúc của mỗi xã hội. Giống như những dòng nham thạch đang cuộn chảy dưới lòng sâu của bề mặt xã hội, tái định lại một kết cấu mới cho sự phát triển xã hội, sự biến đổi của cơ cấu xã hội cũng đang được coi là một dạng thức cách mạng. Cuộc cách mạng về cơ cấu xã hội, các quan hệ xã hội và giá trị xã hội tuy không ồn ào và bùng nổ như các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ nhưng trên thực tế đã diễn ra không hề thua kém các cuộc cách mạng nói trên về mức độ mạnh mẽ. Nó khiến cho con người ngày nay,

phải đối diện không chỉ với những thách thức về môi trường sống, về sự cạn kiệt tài nguyên mà còn cả với hệ quả của những biến đổi trong kết cấu của các mối quan hệ tương tác giữa chính họ, với cách thức mà họ đã, đang và sẽ sống bên nhau thành xã hội.5

Trên bình diện nhận thức khoa học, nghiên cứu cơ cấu xã hội là một trong những nghiên cứu mang tính lý luận và phương pháp luận cho toàn bộ những nghiên cứu về xã hội. Nhận thức đúng đắn về cơ cấu xã

5

Đặng Cảnh Khanh. Phân tích xã hội học. Quá trình phân giải và tái tạo cơ cấu xã hội ở Việt Nam hiện nay. VNH3.TB6.737

hội cho ta cơ sở khoa học khách quan để nhận biết toàn bộ sự kiện và hiện tượng xã hội, các chiều cạnh tương tác và quan hệ giữa chúng với nhau trong tổng thể xã hội. Nghiên cứu về cơ cấu xã hội cũng là điều kiện cần thiết để các nhà chiến lược và hoạch định chính sách có được những luận cứ khoa học cần thiết trong quá trình xây dựng các phương thức và giải pháp phát triển xã hội, hướng tới tương lai.

Sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua các thời kỳ khác nhau chính là phông nền để các biến đổi xã hội khác diễn ra, sự biến đổi của cơ cấu xã hội tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi của cấu trúc xã hội và cả hệ thống xã hội. Nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội vì vậy có một ý nghĩa quan trọng, thể hiện qua các khía cạnh sau:

Nghiên cứu cơ cấu xã hội cho phép chúng ta phác họa được một bức tranh tổng quát về các thành phần cơ bản, các yếu tố cấu thành cũng như các mặt, các khía cạnh khác nhau của cơ cấu xã hội tối ưu, phù hợp với thực tiễn xã hội, đảm bảo sự vận hành có hiệu quả, thực hiện tốt các vai trò xã hội theo chiều hướng tiến bộ.

Nghiên cứu cơ cấu xã hội, đặc biệt là nghiên cứu sự phân hóa, phân tầng xã hội cho phép chúng ta đi sâu vào phân tích thực trạng cấu trúc bên trong của xã hội, thực trạng của từng mặt, từng tiểu cấu trúc, trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Qua đó góp phần nhận diện một cách chân thực những đặc trưng và xu hướng biến đổi của cấu trúc xã hội, khuynh hướng vận động và phát triển của một xã hội nhất định. Kết quả đó sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định chính sách để ổn định và phát triển của xã hội.

Việc nghiên cứu các phân hệ của cơ cấu xã hội cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết cặn kẽ về những sự khác biệt trong mỗi tiểu cơ cấu. Qua đó giúp xã hội có thể tác động điều chỉnh đến từng cơ cấu cụ thể, góp phần vào xây dựng một cơ cấu xã hội tối ưu cho sự phát triển.

Ở Việt Nam hiện nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc nghiên cứu và nhận diện cơ cấu xã hội nước ta, thời gian qua đã có nhiều chương trình nghiên cứu về cơ cấu xã hội, tạo ra những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách một cách đúng đắn và kịp thời, những chương trình nghiên cứu này tập trung phân tích những khía cạnh sau:6

Nghiên cứu khái niệm cơ cấu xã hội và các khái niệm khác có liên quan.

Những vấn đề có tính chất phương pháp luận và hệ thống lý thuyết về cơ cấu xã hội.

Những phân tích mang tính chất thực nghiệm về các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản.

Những hiện tượng như phân tầng xã hội, tính cơ động xã hội, các đặc trưng và xu hướng chuyển đổi cơ cấu xã hội nói chung.

Những dự báo, đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng mô hình cơ cấu xã hội mới, những chính sách và biện pháp quản lý, đổi mới, cải cách các loại thiết chế xã hội, đặc biệt là thiết chế chính trị, pháp luật; những vấn đề chiến lược con người nói chung, chiến lược về sự tuyển lựa cán bộ và nhân tài nói riêng.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 77 - 79)