Về mặt chữ nghĩa, “xã hội học” (Sociology) là kết quả của việc ghép chữ “Socius” hay chữ “Societas” có nghĩa là xã hội với “Ology” hay “Logos” có nghĩa là học thuyết, nghiên cứu.
Về mặt lịch sử; August Comte được ghi nhận là cha đẻ của xã hội học (khai sinh ra ngành khoa học này vào nửa đầu thế kỷ XIX), cụ thể (năm 1838) ông dùng thuật ngữ “xã hội học” để chỉ một lĩnh vực nghiên cứu mới về các quy luật của tổ chức xã hội, học thuyết xã hội,…
August Comte và một số nhà khoa học ngay từ những ngày đầu đã chủ trương áp dụng mô hình phương pháp luận của khoa học tự nhiên và chủ nghĩa thực chứng vào nghiên cứu các quy luật của sự biến đổi xã hội, sự cần thiết phải sử dụng các phương pháp quan sát, thực nghiệm, so sánh, phân tích lịch sử, trừu tượng hóa, khái quát hóa vào nghiên cứu quy luật tổ chức xã hội.
Nếu như khoa học tự nhiên phát hiện ra “quy luật tự nhiên” để giải thích thế giới, thì đây cũng là cơ sở để nhận thức và nghiên cứu trong lĩnh vực xã hội. Đồng thời thành tựu của khoa học tự nhiên cũng là kho tàng lý luận và công cụ khoa học sắc bén cho các nhà tư tưởng xã hội, các nhà xã hội học vận dụng để nghiên cứu đối tượng đã được xác định.
Cụ thể các nhà xã hội học đã tìm thấy ở khoa học tự nhiên các quan niệm về cách xây dựng lý thuyết và các mô hình nghiên cứu để áp dụng trong việc tìm hiểu quá trình, hiện tượng xã hội một cách khoa học.
Như vậy, ngay từ đầu, nhiệm vụ nghiên cứu của xã hội học đã được xác định là phải nghiên cứu thành phần, cấu trúc và quá trình vận động, biến đổi của xã hội.
Sự nỗ lực của các nhà khoa học là hết sức quan trọng để Xã hội học ra đời và phát triển mạnh mẽ. Nhiều nhà xã hội học thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX rất quan tâm nghiên cứu các hiện tượng, quá trình xã hội nhằm phát hiện các quy luật của tổ chức xã hội, “các quy luật của sự phát triển và tiến bộ xã hội”.
Như vậy Xã hội học ra đời với tư cách là một ngành khoa học trong lòng xã hội châu Âu thế kỷ XIX với các điều kiện chín muồi về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội và khoa học. Đồng thời sự ra đời của xã hội học gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học nổi tiếng như A.Comte (cha đẻ xã hội học); K. Marx (người đã đưa ra một học thuyết chính xác, vạn năng cho khoa học xã hội); E.Durkheim (người đã soi vào Marx và góp phần làm cho xã hội học phát triển thành nhiều cành nhánh lý luận và nhiều chủ thuyết, nhiều trường phái khác nhau). Tất cả đã tạo
ra một dòng chảy bất tận của lịch sử xã hội học bắt đầu từ nửa thế kỷ XIX qua thế kỷ XX sang thế kỷ XXI.