3.2.1 Cơ cấu xã hội
3.2.1.1 Một số quan niệm xã hội học về cơ cấu xã hội
Quan niệm của T. Parson1
Cơ cấu xã hội là tổng thể các mối quan hệ tiêu chuẩn hóa, bền vững của các chủ thể xã hội. Một đặc điểm nổi bật của cơ cấu xã hội là chủ thể
1 Lương Văn Úc (2009). Xã hội học. NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, tr.45.
HĐXH CTXH QHXH 1.Sản xuất 2.Tái sản xuất giống nòi 3.Văn hóa 4.Quản lý 1.Cá nhân 2.Nhóm xã hội 3.Cộng đồng xã hội 4.Thiết chế xã hội 1.Sản xuất 2.Trao đổi 3.Phân phối 4.Tiêu dùng
hành động thực hiện những vai trò xã hội nào đó với nhau. Parson nhấn mạnh đến vị thế, vai trò và chức năng của các phần tử tồn tại trong xã hội.
Quan điểm của J.H.Fischer2
Xã hội là tổng hòa các đoàn thể xã hội, các đoàn thể xã hội được sắp xếp theo một trật tự nhất định trong hệ thống xã hội và giữa chúng có sự lệ thuộc vào nhau. Xuất phát từ luận điểm này Fischer coi cơ cấu xã hội là sự sắp đặt các thành phần hoặc các đơn vị xã hội. Nghiên cứu cơ cấu xã hội phải xem xét các trạng thái tĩnh và trạng thái động, nghĩa là xem xét sự sắp đặt các địa vị xã hội tạo nên sự biến đổi bên trong của hệ thống xã hội.
Quan niệm của G.V. Oxipov3
Theo Oxipov, khái niệm cơ cấu xã hội có quan hệ mật thiết với khái niệm hệ thống xã hội, khái niệm thứ nhất là bộ phận của khái niệm thứ hai và bao hàm ở trong đó hai thành tố:
- Các thành phần xã hội - Các liên hệ xã hội
Các thành phần xã hội là tập hợp các bộ phận, các nhóm, các giai cấp, các cộng đồng xã hội,… cấu thành cơ cấu xã hội.
Liên hệ xã hội là tập hợp những mối liên hệ, những mối liên hệ này gắn kết các thành phần xã hội tạo nên cơ cấu xã hội. Bởi vậy, một mặt cơ cấu xã hội bao hàm các thành phần xã hội, hay tổng thể các kiểu cộng đồng trong xã hội; mặt khác nó bao hàm những liên hệ xã hội, gắn kết tất cả các bộ phận khác nhau hợp thành phạm vi tác động và đặc tính của cơ cấu xã hội ở một giai đoạn phát triển nhất định nào đó.
Quan niệm của Ian Robertsons4
Theo I.Robertsons, cơ cấu xã hội là mô hình của các mối quan hệ giữa các thành phần cơ bản trong một hệ thống xã hội. Những thành phần này tạo ra bộ khung cho tất cả xã hội loài người mặc dù tính chất của các thành phần và các quan hệ giữa chúng biến đổi từ xã hội này đến xã hội
2
Nguyễn Đình Tấn (2005). Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. NXB Lý luận Chính trị, tr.12.
3 Nguyễn Đình Tấn (2005). Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. NXB Lý luận Chính trị, tr.14.
4
Nguyễn Đình Tấn (2005). Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội. NXB Lý luận Chính trị, tr.19.
khác. Những thành phần quan trọng nhất của cơ cấu xã hội là vị thế, vai trò, nhóm và các thiết chế.
Quan niệm của I.Robertsons là khá hoàn thiện. Tuy nhiên, nếu nhóm xã hội đứng vị trí thứ ba trong trật tự phân tích các thành tố cơ bản của cơ cấu xã hội thì sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho việc nhận diện những cơ cấu xã hội trong hiện thực. Bởi vậy, khái niệm về cơ cấu xã hội của I.Robertsons cần thiết phải có những chỉnh lý nhất định, nhằm tạo ra một logic thuận tiện hơn cho sự phân tích.
3.2.1.2 Tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội
Phương pháp tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội được thể hiện trên các khía cạnh sau:
Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định, là sự thống nhất của hai mặt: các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội. Một xã hội dù có phức tạp đến đâu chăng nữa thì suy cho cùng, những thành tố cơ bản của nó vẫn là các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội, đây là khía cạnh đầu tiên của tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội.
Phân tích cơ cấu xã hội của bất kỳ một hệ thống xã hội nào cũng đi từ sự phân tích các nhóm xã hội với vai trò, vị thế, các thiết chế và mạng lưới xã hội. Đó là bộ khung, là mô hình, khuôn mẫu cho sự phân tích cơ cấu xã hội.
Cơ cấu xã hội cần được xem xét cả trạng thái tĩnh và trạng thái động. Nghĩa là xem xét các thành phần xã hội, sự sắp đặt địa vị xã hội của các thành phần xã hội đó và sự tương tác giữa các thành phần, địa vị xã hội tạo nên sự biến đổi bên trong của mỗi hệ thống. Nghiên cứu cơ cấu xã hội một mặt phải chỉ ra được thực trạng, mặt khác chỉ ra được xu hướng vận động, biến đổi của nó.
Nghiên cứu cơ cấu xã hội đòi hỏi phải phân tích các giá trị, thang giá trị, chuẩn mực xã hội cũng như các yếu tố thuộc về văn hóa xã hội.
Phân tích cơ cấu xã hội cần đi sâu phân tích tính cơ động xã hội, từ đó tìm ra xu hướng của các quá trình biến đổi và phát triển của xã hội, đồng thời phải phân tích sự phân tầng xã hội và phân hóa xã hội.
Phân tích phân hóa xã hội, phân tầng xã hội là lát cắt dọc, giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn kết cấu xã hội và sự đa dạng phức tạp của nó. Trên thực tế, không có nhóm xã hội nào mà không diễn ra sự phân hóa xã hội và phân tầng xã hội. Phân hóa xã hội và phân tầng xã hội là hiện tượng mang tính phổ biến trong lịch sử xã hội loài người, tuy phạm
vi và mức độ ở mỗi giai đoạn, mỗi hệ thống xã hội có khác nhau. Phân tích phân hóa xã hội và phân tầng xã hội là một trong những nội dung làm sáng tỏ tính cơ động xã hội và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội.
Xã hội là một hệ thống đa cơ cấu tự nhiên, chứa đựng trong nó nhiều phân hệ cơ cấu. Chỉ có thể làm rõ cơ cấu xã hội khi nghiên cứu đầy đủ các chiều cạnh, các phân hệ cơ cấu của hệ thống xã hội. Cơ cấu xã hội của một xã hội thường được phân tích theo nhiều lát cắt khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét cơ cấu của một xã hội nhất định dựa trên phân tích các phân hệ cơ cấu của nó như: cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - lãnh thổ, cơ cấu xã hội - dân tộc, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp,… Các phân hệ cơ cấu xã hội phản ánh tính đa dạng và phong phú của cơ cấu xã hội. Trong hệ thống xã hội, mỗi phân hệ đều có vị trí, vai trò và giữa chúng có mối quan hệ, lệ thuộc lẫn nhau. Song vị trí, vai trò của các phân hệ cơ cấu không ngang bằng nhau. Trong các phân hệ cơ cấu xã hội thì cơ cấu xã hội - giai cấp giữ vai trò trung tâm, sự thay đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi của các tiểu cơ cấu khác.
Tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội đã đưa ra được quan niệm khoa học, cách nhìn biện chứng về cơ cấu xã hội, khắc phục được những cách nhìn giản đơn, siêu hình về cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội ở đây được xem xét như là kết cấu, hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội, biểu hiện như là sự thống nhất tương đối bền vững giữa các nhân tố, các mối quan hệ, các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội.
Khái niệm cơ cấu xã hội gắn bó một cách chặt chẽ với khái niệm hệ thống xã hội. Trong hai khái niệm này, cơ cấu xã hội là khái niệm hẹp hơn so với khái niệm hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội chỉ là bộ khung, là mô hình của các mối quan hệ giữa các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội. Hệ thống xã hội là một khái niệm rộng hơn, nó là một khối hoàn chỉnh, thống nhất, bao hàm trong đó những yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau và chính những yếu tố đó là cái cấu thành nên hệ thống.
Tuy nhiên, sự phân biệt hai khái niệm này chỉ mang tính tương đối, giữa chúng không có một đường phân ranh tuyệt đối, rạch ròi với nhau mà luôn có sự thống nhất biện chứng với nhau.
Cơ cấu xã hội được xem xét như là sự thống nhất của hai mặt: các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội. Theo đó, tiếp cận hệ thống cũng phân tích các yếu tố, những mối liên hệ cấu thành nên hệ thống đó.
Sự khác biệt giữa giác độ tiếp cận cơ cấu và hệ thống thể hiện ở khía cạnh sau: tiếp cận cơ cấu nhấn mạnh đến hình thức tổ chức, kết cấu, cách thức sắp xếp các bộ phận, các thành tố trong nội bộ một hệ thống.
Tiếp cận hệ thống lại nhấn mạnh đến tính chỉnh thể, toàn vẹn và sự thống nhất bên trong của một kết cấu làm cho khối toàn vẹn đó tồn tại tương đối độc lập với môi trường xung quanh. Tiếp cận hệ thống nhấn mạnh đến những thuộc tính cơ bản của hệ thống như trật tự, cân bằng, ổn định, tích hợp, thích nghi với môi trường. Nó không chỉ khảo cứu mối quan hệ bên trong mà còn khảo cứu mối quan hệ bên ngoài.
Nghiên cứu cơ cấu xã hội của mỗi hệ thống xã hội phải đi sâu vào phân tích kết cấu và các hình thức tổ chức bên trong của hệ thống. Do vậy, khi nghiên cứu cơ cấu xã hội chúng ta không thể không nghiên cứu hệ thống xã hội và ngược lại. Điều cần thiết rút ra ở đây về mặt phương pháp luận là nghiên cứu cơ cấu xã hội trong mối liên hệ biện chứng với hệ thống xã hội và nghiên cứu hệ thống xã hội cần hướng vào làm rõ cơ cấu xã hội bên trong của nó. Đây là hai mặt của một cách tiếp cận hệ thống - cơ cấu xã hội. Thừa nhận sự thống nhất biện chứng của cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội không có nghĩa là quy giản khái niệm này vào khái niệm kia, đồng nhất cách tiếp cận này với cách tiếp cận kia hoặc đề cao một cách tiếp cận này mà phủ nhận một cách tiếp cận khác. Nghiên cứu cơ cấu xã hội từ giác độ xã hội học đòi hỏi phải uyển chuyển, mềm dẻo, linh hoạt trong tiếp cận với hệ thống.
3.2.1.3Ý nghĩa của việc nghiên cứu cơ cấu xã hội
Cùng với những biến đổi mạnh mẽ cuả thế giới ngày nay, dưới tác động của cách mạng khoa học và công nghệ, chúng ta cũng đang chứng kiến những chuyển động sâu sắc trong nền tảng cấu trúc của mỗi xã hội. Giống như những dòng nham thạch đang cuộn chảy dưới lòng sâu của bề mặt xã hội, tái định lại một kết cấu mới cho sự phát triển xã hội, sự biến đổi của cơ cấu xã hội cũng đang được coi là một dạng thức cách mạng. Cuộc cách mạng về cơ cấu xã hội, các quan hệ xã hội và giá trị xã hội tuy không ồn ào và bùng nổ như các cuộc cách mạng về khoa học và công nghệ nhưng trên thực tế đã diễn ra không hề thua kém các cuộc cách mạng nói trên về mức độ mạnh mẽ. Nó khiến cho con người ngày nay,
phải đối diện không chỉ với những thách thức về môi trường sống, về sự cạn kiệt tài nguyên mà còn cả với hệ quả của những biến đổi trong kết cấu của các mối quan hệ tương tác giữa chính họ, với cách thức mà họ đã, đang và sẽ sống bên nhau thành xã hội.5
Trên bình diện nhận thức khoa học, nghiên cứu cơ cấu xã hội là một trong những nghiên cứu mang tính lý luận và phương pháp luận cho toàn bộ những nghiên cứu về xã hội. Nhận thức đúng đắn về cơ cấu xã
5
Đặng Cảnh Khanh. Phân tích xã hội học. Quá trình phân giải và tái tạo cơ cấu xã hội ở Việt Nam hiện nay. VNH3.TB6.737
hội cho ta cơ sở khoa học khách quan để nhận biết toàn bộ sự kiện và hiện tượng xã hội, các chiều cạnh tương tác và quan hệ giữa chúng với nhau trong tổng thể xã hội. Nghiên cứu về cơ cấu xã hội cũng là điều kiện cần thiết để các nhà chiến lược và hoạch định chính sách có được những luận cứ khoa học cần thiết trong quá trình xây dựng các phương thức và giải pháp phát triển xã hội, hướng tới tương lai.
Sự biến đổi của cơ cấu xã hội qua các thời kỳ khác nhau chính là phông nền để các biến đổi xã hội khác diễn ra, sự biến đổi của cơ cấu xã hội tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi của cấu trúc xã hội và cả hệ thống xã hội. Nghiên cứu xã hội học về cơ cấu xã hội vì vậy có một ý nghĩa quan trọng, thể hiện qua các khía cạnh sau:
Nghiên cứu cơ cấu xã hội cho phép chúng ta phác họa được một bức tranh tổng quát về các thành phần cơ bản, các yếu tố cấu thành cũng như các mặt, các khía cạnh khác nhau của cơ cấu xã hội tối ưu, phù hợp với thực tiễn xã hội, đảm bảo sự vận hành có hiệu quả, thực hiện tốt các vai trò xã hội theo chiều hướng tiến bộ.
Nghiên cứu cơ cấu xã hội, đặc biệt là nghiên cứu sự phân hóa, phân tầng xã hội cho phép chúng ta đi sâu vào phân tích thực trạng cấu trúc bên trong của xã hội, thực trạng của từng mặt, từng tiểu cấu trúc, trong từng lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội. Qua đó góp phần nhận diện một cách chân thực những đặc trưng và xu hướng biến đổi của cấu trúc xã hội, khuynh hướng vận động và phát triển của một xã hội nhất định. Kết quả đó sẽ là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định chính sách để ổn định và phát triển của xã hội.
Việc nghiên cứu các phân hệ của cơ cấu xã hội cung cấp cho chúng ta sự hiểu biết cặn kẽ về những sự khác biệt trong mỗi tiểu cơ cấu. Qua đó giúp xã hội có thể tác động điều chỉnh đến từng cơ cấu cụ thể, góp phần vào xây dựng một cơ cấu xã hội tối ưu cho sự phát triển.
Ở Việt Nam hiện nay với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc nghiên cứu và nhận diện cơ cấu xã hội nước ta, thời gian qua đã có nhiều chương trình nghiên cứu về cơ cấu xã hội, tạo ra những cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định các chính sách một cách đúng đắn và kịp thời, những chương trình nghiên cứu này tập trung phân tích những khía cạnh sau:6
Nghiên cứu khái niệm cơ cấu xã hội và các khái niệm khác có liên quan.
Những vấn đề có tính chất phương pháp luận và hệ thống lý thuyết về cơ cấu xã hội.
Những phân tích mang tính chất thực nghiệm về các phân hệ cơ cấu xã hội cơ bản.
Những hiện tượng như phân tầng xã hội, tính cơ động xã hội, các đặc trưng và xu hướng chuyển đổi cơ cấu xã hội nói chung.
Những dự báo, đề xuất, kiến nghị về việc xây dựng mô hình cơ cấu xã hội mới, những chính sách và biện pháp quản lý, đổi mới, cải cách các loại thiết chế xã hội, đặc biệt là thiết chế chính trị, pháp luật; những vấn đề chiến lược con người nói chung, chiến lược về sự tuyển lựa cán bộ và nhân tài nói riêng.
3.2.2 Nhóm xã hội
3.2.2.1 Một số quan điểm về nhóm xã hội