Khái niệm xã hội hóa

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 98 - 99)

Có rất nhiều định nghĩa khác nhau của các nhà xã hội học khi bàn về xã hội hóa:

Xã hội hóa bao gồm tất cả quá trình tiếp diễn văn hóa giao tiếp, học hỏi, qua đó cá nhân con người phát triển bản chất xã hội và có khả năng tham gia vào đời sống xã hội.

Xã hội hóa là quá trình trong đó cá nhân con người học hỏi và nhập tâm suốt đời vào các yếu tố của môi trường văn hóa, xã hội, hòa nhập chúng vào cấu trúc nhân cách của anh ta dưới ảnh hưởng của các tác nhân xã hội quan trọng và những kinh nghiệm cá nhân. Do đó làm anh ta thích nghi với môi trường xã hội, nơi anh ta sinh sống.

Xã hội hóa là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội, trong đó những cá nhân học hỏi và thực hành những tri thức, kỹ năng và phương pháp cần thiết để hội nhập với xã hội.

Xã hội hóa là quá trình theo đó con người học cách thích ứng với xã hội và tuân thủ các quy tắc xã hội. Quá trình này cho phép xã hội luân chuyển nền văn hóa của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Xã hội hóa là quá trình mà qua đó cá nhân học hỏi được cách sống và phát triển khả năng đóng các vai trò xã hội vừa với tư cách là một cá thể vừa với tư cách là thành viên của nhóm.

Xã hội hóa tức là những con đường mà bằng cách đó con người có được những kinh nghiệm và hiểu biết, nắm vững những mục đích phù hợp với những vai trò xã hội của mỗi con người. Có hai mục đích: tạo ra những mối liên hệ xã hội của chúng ta trên cơ sở những vai trò xã hội và đảm bảo sự tồn tại xã hội nhờ sự lĩnh hội những quan niệm và mâu thuẫn hành vi bởi những thành viên mới của xã hội.

Tất cả những định nghĩa trên đều có điểm chung như sau:

Xã hội hóa trước hết là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội, qua đó cá nhân học hỏi, lĩnh hội, tiếp nhận nền văn hóa của xã hội như khuôn mẫu tác phong xã hội, chuẩn mực giá trị văn hóa xã hội để hòa nhập vào xã hội cũng như đáp ứng các kỳ vọng của xã hội.

Trong thực tế, xã hội hóa là quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội. Nhưng khi nói đến xã hội hóa người ta nhấn mạnh quá trình con người tự học hỏi, thực hành một cách tích cực những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo của xã hội để từ đó hội nhập với xã hội và giữ đúng vai trò nhất định của cá nhân do xã hội phân công.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 98 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(160 trang)