Tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội và hệ thống

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 75 - 77)

Phương pháp tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Cơ cấu xã hội là kết cấu và hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội nhất định, là sự thống nhất của hai mặt: các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội. Một xã hội dù có phức tạp đến đâu chăng nữa thì suy cho cùng, những thành tố cơ bản của nó vẫn là các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội, đây là khía cạnh đầu tiên của tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội.

Phân tích cơ cấu xã hội của bất kỳ một hệ thống xã hội nào cũng đi từ sự phân tích các nhóm xã hội với vai trò, vị thế, các thiết chế và mạng lưới xã hội. Đó là bộ khung, là mô hình, khuôn mẫu cho sự phân tích cơ cấu xã hội.

Cơ cấu xã hội cần được xem xét cả trạng thái tĩnh và trạng thái động. Nghĩa là xem xét các thành phần xã hội, sự sắp đặt địa vị xã hội của các thành phần xã hội đó và sự tương tác giữa các thành phần, địa vị xã hội tạo nên sự biến đổi bên trong của mỗi hệ thống. Nghiên cứu cơ cấu xã hội một mặt phải chỉ ra được thực trạng, mặt khác chỉ ra được xu hướng vận động, biến đổi của nó.

Nghiên cứu cơ cấu xã hội đòi hỏi phải phân tích các giá trị, thang giá trị, chuẩn mực xã hội cũng như các yếu tố thuộc về văn hóa xã hội.

Phân tích cơ cấu xã hội cần đi sâu phân tích tính cơ động xã hội, từ đó tìm ra xu hướng của các quá trình biến đổi và phát triển của xã hội, đồng thời phải phân tích sự phân tầng xã hội và phân hóa xã hội.

Phân tích phân hóa xã hội, phân tầng xã hội là lát cắt dọc, giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn kết cấu xã hội và sự đa dạng phức tạp của nó. Trên thực tế, không có nhóm xã hội nào mà không diễn ra sự phân hóa xã hội và phân tầng xã hội. Phân hóa xã hội và phân tầng xã hội là hiện tượng mang tính phổ biến trong lịch sử xã hội loài người, tuy phạm

vi và mức độ ở mỗi giai đoạn, mỗi hệ thống xã hội có khác nhau. Phân tích phân hóa xã hội và phân tầng xã hội là một trong những nội dung làm sáng tỏ tính cơ động xã hội và xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội.

Xã hội là một hệ thống đa cơ cấu tự nhiên, chứa đựng trong nó nhiều phân hệ cơ cấu. Chỉ có thể làm rõ cơ cấu xã hội khi nghiên cứu đầy đủ các chiều cạnh, các phân hệ cơ cấu của hệ thống xã hội. Cơ cấu xã hội của một xã hội thường được phân tích theo nhiều lát cắt khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta có thể xem xét cơ cấu của một xã hội nhất định dựa trên phân tích các phân hệ cơ cấu của nó như: cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - lãnh thổ, cơ cấu xã hội - dân tộc, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp,… Các phân hệ cơ cấu xã hội phản ánh tính đa dạng và phong phú của cơ cấu xã hội. Trong hệ thống xã hội, mỗi phân hệ đều có vị trí, vai trò và giữa chúng có mối quan hệ, lệ thuộc lẫn nhau. Song vị trí, vai trò của các phân hệ cơ cấu không ngang bằng nhau. Trong các phân hệ cơ cấu xã hội thì cơ cấu xã hội - giai cấp giữ vai trò trung tâm, sự thay đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi của các tiểu cơ cấu khác.

Tiếp cận xã hội học về cơ cấu xã hội đã đưa ra được quan niệm khoa học, cách nhìn biện chứng về cơ cấu xã hội, khắc phục được những cách nhìn giản đơn, siêu hình về cơ cấu xã hội. Cơ cấu xã hội ở đây được xem xét như là kết cấu, hình thức tổ chức bên trong của một hệ thống xã hội, biểu hiện như là sự thống nhất tương đối bền vững giữa các nhân tố, các mối quan hệ, các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội.

Khái niệm cơ cấu xã hội gắn bó một cách chặt chẽ với khái niệm hệ thống xã hội. Trong hai khái niệm này, cơ cấu xã hội là khái niệm hẹp hơn so với khái niệm hệ thống xã hội, cơ cấu xã hội chỉ là bộ khung, là mô hình của các mối quan hệ giữa các thành phần cơ bản của hệ thống xã hội. Hệ thống xã hội là một khái niệm rộng hơn, nó là một khối hoàn chỉnh, thống nhất, bao hàm trong đó những yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau và chính những yếu tố đó là cái cấu thành nên hệ thống.

Tuy nhiên, sự phân biệt hai khái niệm này chỉ mang tính tương đối, giữa chúng không có một đường phân ranh tuyệt đối, rạch ròi với nhau mà luôn có sự thống nhất biện chứng với nhau.

Cơ cấu xã hội được xem xét như là sự thống nhất của hai mặt: các thành phần xã hội và các quan hệ xã hội. Theo đó, tiếp cận hệ thống cũng phân tích các yếu tố, những mối liên hệ cấu thành nên hệ thống đó.

Sự khác biệt giữa giác độ tiếp cận cơ cấu và hệ thống thể hiện ở khía cạnh sau: tiếp cận cơ cấu nhấn mạnh đến hình thức tổ chức, kết cấu, cách thức sắp xếp các bộ phận, các thành tố trong nội bộ một hệ thống.

Tiếp cận hệ thống lại nhấn mạnh đến tính chỉnh thể, toàn vẹn và sự thống nhất bên trong của một kết cấu làm cho khối toàn vẹn đó tồn tại tương đối độc lập với môi trường xung quanh. Tiếp cận hệ thống nhấn mạnh đến những thuộc tính cơ bản của hệ thống như trật tự, cân bằng, ổn định, tích hợp, thích nghi với môi trường. Nó không chỉ khảo cứu mối quan hệ bên trong mà còn khảo cứu mối quan hệ bên ngoài.

Nghiên cứu cơ cấu xã hội của mỗi hệ thống xã hội phải đi sâu vào phân tích kết cấu và các hình thức tổ chức bên trong của hệ thống. Do vậy, khi nghiên cứu cơ cấu xã hội chúng ta không thể không nghiên cứu hệ thống xã hội và ngược lại. Điều cần thiết rút ra ở đây về mặt phương pháp luận là nghiên cứu cơ cấu xã hội trong mối liên hệ biện chứng với hệ thống xã hội và nghiên cứu hệ thống xã hội cần hướng vào làm rõ cơ cấu xã hội bên trong của nó. Đây là hai mặt của một cách tiếp cận hệ thống - cơ cấu xã hội. Thừa nhận sự thống nhất biện chứng của cơ cấu xã hội và hệ thống xã hội không có nghĩa là quy giản khái niệm này vào khái niệm kia, đồng nhất cách tiếp cận này với cách tiếp cận kia hoặc đề cao một cách tiếp cận này mà phủ nhận một cách tiếp cận khác. Nghiên cứu cơ cấu xã hội từ giác độ xã hội học đòi hỏi phải uyển chuyển, mềm dẻo, linh hoạt trong tiếp cận với hệ thống.

Một phần của tài liệu Giáo trình nhập môn xã hội học Nguyễn Thị Như Thúy (ch.b.); Đặng Thị Minh Tuấn (Trang 75 - 77)