Cơ cấu kinh tế phản ánh mối liên hệ biện chứng giữa các bộ phận, các yếu tố cấu thành một tổng thể kinh tế hoặc nền kinh tế của một quốc gia. Cơ cấu kinh tế hợp lý có tác dụng quyết định tới sự phát triển của nền kinh tế cả về mặt số lượng và chất lượng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. Xác định cơ cấu kinh tế hợp lý, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh phù hợp với xu hướng phát triển và điều kiện cụ thể sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, tạo điều kiện giải quyết bất bình đẳng giữa các vùng, các khu vực trong nền kinh tế. Sự thất bại trong chiến lược phát triển ở một số nước trên thế giới hoặc khủng hoảng kinh tế ở một số khu vực trong những năm qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, song có một nguyên nhân chung khá quan trọng xuất phát từ sai lầm trong chính sách cơ cấu kinh tế. Bài học đắt giá đó đã và đang cảnh báo cho các Chính phủ, các quốc gia, các chính quyền địa phương phải quan tâm đến cơ cấu kinh tế và các chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều chỉnh cơ cấu kinh tế phù hợp với xu thế và điều kịện cụ thể của mình. Có thể khái quát vai trò của cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tới sự phát triển trên các mặt chủ yếu sau:
Cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả sẽ tạo điều kiện khai thác và phát huy tối đa những tiềm năng, nguồn lực có ưu thế của mỗi quốc gia hay địa phương, vùng lãnh thổ như: lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, khí hậu, truyền thống lịch sử, xã hội, chính trị...Việc sử dụng có hiệu quả cao các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực nội tại ưu thế sẽ là yếu tố bên trong cực kỳ quan trọng quyết định chất lượng và tốc độ tăng trưởng. Xây dựng và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý có vai trò quan trọng trong việc phân bố lại các nguồn lực, phân công lại lao động hợp lý hơn, hiệu quả hơn. Thực tế đã chỉ rõ: do sự phát triển của tự nhiên, bất kỳ một quốc gia, một địa phương hay một vùng lãnh thổ nào cũng không có sự phân bố đồng đều các yếu tố cũng như các nguồn lực thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, để bảo đảm sự phát triển công bằng, bảo đảm quyền bình đẳng của mọi thành viên trong xã hội, tất yếu phải có dự phân bố lại các nguồn lực. Xây dựng một cơ cấu hợp lý, hiệu quả chính là công cụ đắc lực để thực hiện mục tiêu này. Quá trình bố trí lại lãnh thổ, đô thị hóa nông thôn, miền núi sẽ tạo ra sự bình đẳng phát triển giữa các vùng, giảm dần sự cách biệt giữa miền núi, miền xuôi, khắc phục những bất hợp lý của quá trình phát triển tự nhiên đem lại. Mặt khác, khi thực hiện phân bổ các nguồn lực hợp lý chẳng những bảo đảm sự phát triển công bằng, mà còn tạo tiền đề, tạo khả năng sử dụng có hiệu quả hơn cả nguồn lực tại chỗ và nguồn lực từ bên ngoài.
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là quá trình xắp xếp lại tỷ trọng các ngành, các loại hình doanh nghiệp theo hướng tăng cường các ngành, các loại hình doanh nghiệp có trình độ khoa học công nghệ cao hơn, tiên tiến hơn, từ đó có khả năng tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển mạnh hơn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế với chiến lược và bước đi phù hợp là phương thức hiệu quả nhất để khắc phục những sai lầm, rút kinh nghiệm và học tập kinh nghiệm thành công của các quốc gia đi trước. Đây cũng chính là điều kiện, là con đường tốt nhất để các nước chậm phát triển, các nước đi sau giảm thiểu khoảng cách chênh lệch với các nước trong quá trình phát triển
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng là quá trình phát triển các thành phần kinh tế, đảm bảo cho các thành phần kinh tế thực hiện đúng chức năng vai trò của mình. Việc các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước được chuyển dịch theo hướng đảm bảo
hiệu quả kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp khác thực hiện sinh lời cho nền kinh tế sẽ tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thực hiện tốt hơn hiệu quả kinh tế chung của xã hội. Với ý nghĩa trên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý không chỉ đặt ra trên phạm vi quốc gia hoặc trên phạm vi một tiểu vùng mà còn đặt ra đối với một địa phương cũng như từng ngành, từng thành phần kinh tế.