5 Các nhân tố khác:

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 42 - 45)

Các yếu tố lịch sử, xã hội như lịch sử phát triển xã hội, trình độ chính trị, văn hoá xã hội của dân cư tác động trực tiếp đến hình thành các ngành sản xuất mới và phát huy các ngành truyền thống. Đây là yếu tố quan trọng đối với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành của các vùng kinh tế. Bởi lẽ các đặc điểm dân tộc, phân bố dân cư, trình độ văn hoá, tập quán sản xuất và tiêu dùng, tâm lý xã hội đều tác động đến bố trí sản xuất và hình thành cơ cấu kinh tế. Nguồn lao động với các đặc trưng về số lượng, chất lượng và sự phân bố tác động rất lớn đến sự hình thành cơ cấu ngành các vùng kinh tế. Không phải bao giờ cũng từ bố trí sản xuất để phân bố lao động mà có nhiều trường hợp bố trí sản xuất lại xuất phát từ nguồn lao động. Sở dĩ cần làm như vậy là do việc di chuyển dân cư rất khó khăn. Do điều kiện tự nhiên rất đa dạng giữa các vùng của đất nước, nên sự phân bố dân cư cũng không giống nhau, kéo theo sự phân bố thiếu cân đối giữa các nguồn tài nguyên và dân số, lao động. Vì thế, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu ngành ở mỗi vùng cần tiến hành điều chỉnh dân số và nguồn lao động nhằm khai thác và sử dụng tối ưu, có hiệu quả mọi nguồn tài nguyên của đất nước.

Cũng như các yếu tố sản xuất kể trên, quan hệ sản xuất cũng tác động không nhỏ đến hình thành cơ cấu ngành. Chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất và xã hội hoá về lao động cùng với tâm lý của những người sản xuất hàng hoá lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành những vùng chuyên môn hoá lớn. Ngược lại, chế độ sở hữu cá thể nhỏ và ý thức của người tiểu nông dễ tạo ra sự phát triển phân tán, sản xuất nhỏ, gây hạn chế cho việc chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá.

Một yếu tố rất quan trọng có tác động đến sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình đô thị hóa. Đô thị hóa là sản phẩm tất yếu của sự phát triển trong bất kỳ quốc gia và nền kinh tế nào. Cùng với quá trình CNH, phát triển Dịch vụ thương mại, quá trình đô thị hóa được tiến hành và có tác động trở lại đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như chính trị và an ninh quốc phòng.

Quá trình đô thị hóa tác động đến cơ cấu kinh tế trên các mặt chủ yếu như: hình thành và phát triển nhiều ngành sản xuất, nhiều lĩnh vực đặc thù phục vụ nhu cầu tiêu

dùng và sinh hoạt của các tầng lớp cư dân đô thị; đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ do yêu cầu giảm diện tích đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp - tư liệu sản xuất chủ yếu và đặc biệt trong nông nghiệp sang đất chuyên dùng đô thị; thúc đẩy và yêu cầu kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn: yêu cầu về sản xuất công nghiệp và nông nghiệp theo hướng sử dụng công nghệ sạch, công nghệ cao và phát triển bền vững; đồng thời kinh tế đô thị cũng đòi hỏi phát triển những ngành dịch vụ có chất lượng cao, trình độ cao phục vụ sản xuất và tiêu dùng theo hướng văn minh hiện đại.

Tóm lại, qua sự phân tích trên, ta thấy các yếu tố ở nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai đều ảnh hưởng, tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên các nhóm nhân tố luôn có sự biến động và thay đổi chứ không phải đứng yên vĩnh viễn và có tác động đến cơ cấu kinh tế theo xu hướng và mức độ khác nhau.

Nhóm yếu tố thứ nhất tác động chủ yếu theo phương thức chi phối, quy định của các quy luật tự nhiên. Còn nhóm yếu tố thứ hai lại tác động chủ yếu theo các chi phối của các quy luật kinh tế - xã hội thông qua hoạt động của con người. Con người có thể tác động cải tạo tự nhiên trong giới hạn cho phép, nhưng không thể hành động trái quy luật tự nhiên mà ngược lại, phải biết vận dụng, làm đẹp thêm, làm bền vững thêm thế giới tự nhiên, hòa hợp với thế giới tự nhiên. Cơ cấu kinh tế, do đó phải phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng thời, nó biến đổi dưới tác động của con người, của các chính sách kinh tế. Như vậy, để biến đổi cơ cấu kinh tế chủ yếu là tác động làm thay đổi các yếu tố ở nhóm thứ hai. Các yếu tố ở nhóm thứ hai cũng luôn tác động qua lại và làm biến đổi lẫn nhau. Chúng tác động đến cơ cấu kinh tế theo những mức độ khác nhau và với chiều hướng không phải lúc nào cũng giống nhau. Trên cơ sở hệ thống những vấn đề lý luận chung về cơ cấu kinh tế, có thể rút ra tính quy luật trong quá trình hình thành, chuyển dịch, biến đổi và phát triển cơ cấu kinh tế trong sự tác động qua lại của các nhân tố như sau:

Cơ cấu kinh tế được hình thành trong sự quy định chặt chẽ của các quy luật và được biến đổi chủ yếu dưới sự tác động của con người, của cơ chế chính sách, theo hướng từ tự cấp tự túc đến sản xuất hàng hoá; từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn hơn do

quá trình tích tụ và tập trung các yếu tố sản xuất

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình thay đổi của cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác hợp lý, hiệu quả, phù hợp với xu thế, điều kiện và môi trường phát triển. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dù là trong các ngành sản xuất hay trong ngành dịch vụ thì đều bắt đầu từ sự biến đổi của giai đoạn sản xuất, mà trước hết là thay đổi tư liệu sản xuất, từ đó tạo ra nhu cầu và điều kiện để làm nảy sinh sự biến đổi của các giai đoạn tiếp theo trong quá trình tái sản xuất.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành thể hiện ở sự thay đổi vị trí, tỷ trọng, quan hệ của ba ngành lớn là Nông nghiệp, Công nghiệp và Dịch vụ. Dù chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mô hình nào thì quá trình chuyển dịch cũng bắt đầu từ Nông nghiệp chuyển sang Công nghiệp và Dịch vụ. Trong quá trình đó, tỷ trọng của ngành Nông nghiệp sẽ không ngừng giảm xuống trong khi về quy mô và số tuyệt đối vẫn tăng lên; tỷ trọng của ngành công nghiệp và Dịch vụ sẽ tăng lên. Việc giảm tỷ trọng của ngành Nông nghiệp phải có điều kiện tiền đề là năng suất lao động trong Nông nghiệp phải đạt đến một trình độ nhất định để bảo đảm nhu cầu của con người về lương thực, thực phẩm. Tỷ trọng của ngành dịch vụ tăng cao phải trên cơ sở một nền sản xuất vật chất đã phát triển mạnh, đạt trình độ kỹ thụât và công nghệ cao.

Trong thời đại ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và xu thế toàn cầu hóa rất phát triển, tính quy luật phổ biến của các nước đang phát triển là sự tồn tại đồng thời nhiều quá trình chuyển dịch, nhiều trình độ phân công lao động, nhiều giai đoạn phát triển. Những quá trình đó không tồn tại độc lập mà đan xen vào nhau, chi phối lẫn nhau. Do đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế thường được bắt đầu từ việc khai thác và phát huy thế mạnh, lợi thế so sánh, tăng nhanh tỷ trọng những ngành có trình độ khoa học, trình độ công nghệ và trình độ kỹ thuật cao, tăng nhanh những sản phẩm chứa đụng hàm lượng chất xám cao và yêu cầu lao động kỹ thuật, lao động trình độ cao. Mặt khác cũng trong quá trình ấy, kinh tế nông thôn sẽ chuyển dịch từ thuần nông đến phát triển mạnh các ngành nghề Công nghiệp và Dịch vụ. Các điểm dân cư từ làng xã, nhỏ bé, manh mún sẽ phát triển thành thị tứ, thị trấn, khu sản xuất, khu Công

nghiệp hoặc Dịch vụ, và cao hơn là hình thành các đô thị; quá trình đô thị hoá nông thôn tiếp tục phát triển, hình thành nhiều đô thị và trong đó sẽ xuất hiện những đô thị lớn đối với những nơi có lợi thế hơn dẫn đến sự ra đời của các thành phố. Đó là tính quy luật của sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, Đô thị hóa, HĐH.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 42 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w