Tiến bộ khoa học - công nghệ không những chỉ tạo ra những khả năng sản xuất mới, đẩy nhanh tốc độ phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tạo ra những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, làm tăng tỷ trọng của chúng trong tổng thể nền kinh tế (làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế), mà còn tạo ra những nhu cầu mới, đòi hỏi sự xuất hiện một số ngành kinh tế mới, những khu vực tiềm năng mới, do đó có triển vọng phát triển mạnh trong tương lai.
Thế giới ngày nay đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của cách mạng khoa học - kỹ thuật. Những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ tạo ra những nền tảng công nghệ mới về chất và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế tri thức. Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ ba đang định hình với các đặc trưng mới về chất như: Có tính tự động hoá cao, là sự kết hợp giữa công nghệ vi điện tử, công nghệ tin học, công nghệ sinh học, công nghệ vũ trụ và đáy đại dương cùng các công nghệ chế biến sâu không có phế liệu; sử dụng nguyên vật liệu mới có khả năng tái sinh, không gây ô nhiễm môi trường; làm hài hoà quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Đặt con người vào trung tâm sự tăng trưởng, trí tuệ hoá lao động và giải phóng con người khỏi lao động đơn điệu, độc hại cũng như những giới hạn sinh lý cá nhân. Cùng với việc tạo ra những công nghệ mới, đang xuất hiện những điều kiện kinh doanh và cơ cấu tiêu dùng mới. Cả ở cấp vi mô lẫn vĩ mô đang khởi động những quá trình tái cấu trúc vĩ đại chưa từng có trong lịch sử. Xét về sản phẩm: Đang và sẽ có sự cải thiện căn bản về danh mục, chủng loại, chất lượng, hình dáng, công dụng và giá cả của hàng loạt sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ theo hướng đa dạng hơn, nhỏ gọn hơn, nhiều chức năng hơn,
tiện lợi, tinh xảo hơn, tiết kiệm năng lượng và rẻ hơn, do đó, phổ cập rộng rãi hơn. Sẽ xuất hiện hàng loạt sản phẩm và dịch vụ hoàn toàn mới. Đối với doanh nghiệp: Sẽ có hai xu hướng “đối ngược” đồng thời diễn ra. Một mặt, các công ty trung bình và nhỏ sẽ ngày càng phát triển và có tương lai hơn. Các doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo quy mô nhỏ, phi tập trung hoá, có quyền tự chủ cao, chuyên môn hoá cao, có tinh thần hợp tác, hoạt động mang tính toàn cầu, chặt chẽ. Hiện tại, các công ty có quy mô lao động nhỏ dưới 19 người đang tạo ra 50% giá trị hàng xuất khẩu ở Mỹ và Đức; 90% giá trị nền kinh tế Mỹ là do các công ty dưới 50 người tạo ra. Mặt khác, sự hợp nhất để trở thành lớn hơn, mạnh hơn, có sức cạnh tranh hơn, đáp ứng những nhu cầu to lớn của nền kinh tế tương lai sẽ trở thành xu hướng vận động của các tổ hợp kinh doanh Dịch vụ Tài chính, Ngân hàng và Thông tin. Sẽ ngày càng xuất hiện nhiều tập đoàn xuyên quốc gia có giá trị tài sản lớn hơn GDP của một nước, thậm chí của nhiều nước. Chẳng hạn: Việc sát nhập giữa Ngân hàng Citicorp và tập đoàn môi giới thương khoán bảo hiểm Travelers Inc với tổng giá trị tài sản 700 tỷ USD, gần bằng GDP của Trung Quốc và bằng 1,8 lần tổng GDP toàn khối Asean. Đối với các quốc gia và quốc tế: Các cấu trúc ngành nghề sẽ chuyển dịch theo hướng: Thu hẹp các ngành khai thác, chế biến nguyên liệu truyền thống và xuất hiện những ngành khai thác, chế biến nguyên liệu mới thích hợp. Nền sản xuất và Công nghiệp truyền thống được thay thế dần bằng các ngành công nghiệp mới và Dịch vụ mới. Sự phát triển chủ yếu dựa trên tri thức, tự động hoá, tin học hoá, dùng vật liệu mới, sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi sinh hơn. Khu vực Dịch vụ ngày càng mở rộng so với hai khu vực còn lại của nền kinh tế quốc dân. Giá trị sản xuất và lợi nhuận kinh doanh dựa chủ yếu vào tài nguyên thông tin, đặc biệt là những thông tin về tương lai, về cái chưa biết. Quy mô tiêu dùng của mỗi nước cũng như thế giới không ngừng mở rộng. Có thể nói, sự linh hoạt và quy mô mang tính mở cao cả về khả năng sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm trong nền kinh tế tri thức là đặc tính mới về chất, mà tất cả thời kỳ phát triển kinh tế của nhân loại trước đây chưa có. Chính những đặc tính quan trọng trên của kinh tế tri thức sẽ làm thay đổi cơ cấu và tổ chức vật chất - kinh tế - xã hội của xã hội loài người nói chung, thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm cho nền kinh tế thế giới cũng như mỗi quốc gia có sự thay đổi cơ bản
và nhanh chóng.