THỰC TRẠNG CƠCẤU KINH TẾ THỦ ĐÔ HÀ NỘ
2.1.1 Cơcấu kinh tế Thành phố Hà Nội trước năm
Vào cuối thời đại đồ đá cũ, cách đây trên dưới hai vạn năm, đã tìm thấy có dấu tích con người trên đất Hà Nội. Trong những buổi đầu sơ khai này, người Hà Nội cổ đã biết thích ứng với địa hình và điều kiện thời tiết để sinh sống và phát triển. Đến cuối thời đại Đông Sơn, Hà Nội đã khá phát triển; các nghề thủ công như đan lát, xe chỉ, dệt vải, nghề gốm và đặc biệt là nghề luyện kim đều đã phát triển, trao đổi hàng hóa giữa vùng Hà Nội cổ với miền núi, miền biển cũng được mở rộng.
Những thế kỷ đầu thời kỳ Bắc Thuộc, Hà Nội đã phát triển thành một thành thị khá đông đúc. Sau khi đánh thắng quân xâm lược Trung Quốc, Lý Bí lên ngôi tự xưng là Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Hà Nội. Như vậy, Lý Nam Đế đã không chọn đóng đô ở đất Thái Bình quê nhà (như vua Hùng hay Hai Bà Trưng) mà chọn đất dựng đô ở Hà Nội, mở đầu cho truyền thống Thăng Long của các triều đại Lý - Trần - Lê sau này. Đến năm 1010, với Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ, Thăng Long- Hà Nội thật sự khẳng định được vị trí, vai trò trong lịch sử dân tộc. Từ một làng nhỏ ven sông Tô, rồi đến thành Vạn Xuân của nhà Tiền Lý, thành Tống Bình - Đại La thời Tùy Đường, đến đầu thế kỷ XI, đất Thăng Long đã trở thành một vùng dân cư tập trung, kinh tế phát triển. Tất cả những điều kiện tự nhiên và kết quả phát triển lịch sử đã dẫn đến chủ trương định đô ở Thăng Long và từ đó mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nghìn năm văn hiến và anh hùng của Hà Nội. Từ một thành thị, Thăng Long đã trở thành một trung tâm chính trị; rồi từ một trung tâm chính trị, Thăng Long đã phát triển thành một thành thị với những đặc điểm cấu trúc chung của thành thị phương đông thời trung đại. Thành thị ấy có thừa hưởng một số thành quả xây dựng trước đó, nhưng về cơ bản được quy hoạch, cải tạo và xây dựng trên quy mô lớn từ đời Lý với tư cách là kinh đô của nước Đại Việt. Thời kỳ này, Nông nghiệp của vùng ngoại thành Thăng Long đã được mở
mang khai phá thêm với nhiều vùng đất đai rộng lớn, nổi bật là Thập tam trại. Nhưng về mặt kinh tế, nét đặc trưng của Thăng Long không phải là Nông nghiệp mà là hoạt động công thương nghiệp. Do nhu cầu của vua quan và quân lính, do vị trí buôn bán làm ăn thuận lợi, nhiều thợ thủ công và thương nhân các nơi đã tụ tập về Thăng Long. Phường thủ công, phố xá, chợ búa dần dần mọc lên. Ngoài bốn cửa thành là những chợ, lớn nhất là chợ Đông và chợ Tây. Khu vực đông bắc lấy Cửa Đông, sông Tô và sông Nhị (sông Hồng) làm giới hạn, là trung tâm thương nghiệp lớn nhất Thăng Long. Các nghề thủ công nằm rải rác ở nhiều phố phường, nhưng tập trung đông nhất vẫn là ở khu Đông và Tây thành Thăng Long. Đó là các nghề nhuộm, gốm, sứ, giấy, mỹ nghệ, trang sức, đúc đồng, rèn sắt, mộc. Do sự phát triển của kinh tế hàng hóa và sự mở rộng quan hệ ngoại thương, thế kỷ XVII-XVIII là giai đoạn hưng thịnh của các thành thị trên quy mô cả nước. Nhiều thành thị cũ đã trở nên thịnh vượng và một loạt thành thị, thương cảng mới ra đời. Nhưng đứng đầu các thành thị ấy vẫn là Thăng Long với tên gọi quen thuộc kinh kỳ hay Kẻ Chợ. Nhiều đợt di cư liên tiếp của thợ thủ công và thương nhân từ các trấn vùng đồng bằng vào Thăng Long đã làm cho dân số kinh thành tăng lên nhanh chóng. Các thương nhân và giáo sĩ Phương Tây đều thống nhất nhìn nhận: Thăng Long là một Thành phố lớn ở Châu Á. Về phương diện kinh tế, Thăng Long vẫn duy trì cơ cấu kinh tế thương nghiệp, thủ Công nghiệp, Nông nghiệp trong đó hoạt động công thương nghiệp giữ vai trò tiêu biểu. Đến triều Nguyễn, thế kỷ XIX, Thăng Long- Hà Nội không còn là kinh đô của cả nước, bị hạ thấp từ trấn thành xuống tỉnh thành, quy mô cũng bị thu hẹp lại. Phần thành–thị của Thăng Long - Hà Nội bị giảm sút rõ rệt, phần kinh tế mặc dù cũng bị ảnh hưởng nhưng vẫn có mặt độc lập của nó và nhờ đó giữ được bộ mặt thành thị của Thăng Long - Hà Nội. So với những thế kỷ trước, sự phát triển kinh tế của Thăng Long - Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX không được đồng đều. Các phường thôn, trại phía Tây và phía Nam có xu hướng nông thôn hóa chuyên về Nông nghiệp, hoặc kết hợp với một số nghề thủ công cổ truyền. Bộ mặt thành thị của Thăng Long- Hà Nội đổ dồn về phía đông nam, tương đương với quận Hoàn Kiếm ngày nay. Khu vực này phố phường ngang dọc như bàn cờ, nhà cửa san sát, cư dân đông đúc. Một tác giả nước ngoài đã nhận xét về Hà Nội vào khoảng giữa thế kỷ XIX: Mặc dù không còn là nơi vua chúa
ở nữa, đó vẫn là một Thành phố đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, Công nghiệp, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc, về sự lịch duyệt và học vấn. Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn, chính ở đó đã sản xuất ra các mặt hàng thiết yếu và những đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại, đó chính là trái tim của đất nước.
Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đặc biệt chú ý đến Hà Nội. Dưới sự cai trị của thực dân Pháp, vị trí thuận lợi của Hà Nội được khai thác triệt để. Nhiều con đường bộ mở từ Hà Nội sâu vào các miền trung du và thượng du Bắc Kỳ để khai thác kinh tế. Bộ mặt kinh tế của Hà Nội có những biến đổi. Hầu hết các xí nghiệp và công ty lớn của tư bản Pháp đều đặt trụ sở chính tại Hà Nội. Hà Nội trở thành một Thành phố thuộc địa và nửa phong kiến rất điển hình được xây dựng trên cơ sở xâm lược và bóc lột của đế quốc Pháp với chức năng chủ yếu là tiêu thụ, phục vụ bộ máy thống trị và quân đội. Nền kinh tế của Hà Nội là nền kinh tế thương nghiệp, hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài, sản xuất chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ. Riêng số người buôn bán và hoạt động trong các ngành dịch vụ thời này đã lên tới 40.000 người, chiếm 1/10 số dân của Thành phố. Lao động trong lĩnh vực Công nghiệp và thủ Công nghiệp chỉ khoảng 5000 người.
Như vậy, nhìn một cách tổng quát, về mặt kinh tế, Thăng Long-Hà Nội trước năm 1954 chính là một thể kết hợp chặt chẽ của các hoạt động thương nghiệp và thủ Công nghiệp, trong đó vai trò của buôn bán chiếm vị trí chủ yếu. Nó là một dạng kết hợp đặc biệt giữa mạng lưới chợ và các làng chuyên thủ công, được tập trung lại và phóng đại lên. Nó chính là nơi mua lại, tích tụ các mặt hàng thủ công đã được làm ở các nơi khác mang đến, hoặc một số bán Thành phẩm; sau đó, các mặt hàng này được chế tác ở những khâu cuối cùng, để rồi được bán như những sản phẩm hoàn chỉnh. Với khoảng 100 năm Pháp thuộc, Thăng Long - Hà Nội không có kết cấu kinh tế của một Thành phố chuyên nghiệp (chuyên nghề, chuyên mặt hàng của cả Thành phố) hoặc sống chủ yếu vào các tuyến buôn bán đường dài xuyên quốc gia như một số thành thị điển hình của Tây Âu thời hậu kỳ Trung đại. Thăng Long đã không vượt qua được mô hình cấu trúc của thành thị trung đại phương Đông để trở thành “thành thị tự do” như ở Phương Tây.
Thăng Long - Hà Nội vẫn dựa trên một thế cân bằng giữa kinh tế và chính trị - văn hoá phương Đông; điều đó xác định vị trí vững bền và tư thế đứng đầu của nó trong cả nước, nhưng đồng thời cũng hạn chế những bước nhẩy vọt trên con đường phát triển.