e/ Quan điểm 5: Gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
3.3.1. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư
Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng, các giải pháp về đầu tư có vai trò rất quan trọng. Đầu tư về bản chất là làm tăng thêm hoặc thay đổi tính chất các yếu tố của quá trình tái sản xuất, do đó có thể làm sản xuất thay đổi nhanh hơn theo mong muốn chủ quan của ngưởi đầu tư. Theo phương án tính toán, nhu cầu vốn đầu tư xã hội để phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong 15 năm tới cần huy động và sử dụng có hiệu quả khoảng 700 - 800 nghìn tỷ đồng. Để có đủ nguồn vốn này, cần tập trung vào các biện pháp cơ bản sau đây:
*Những giải pháp huy động vốn:
Để huy động các nguồn vốn của mọi thành phần kinh tế, cần phải thực hiện nhiều giải pháp: cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư; phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Hình thành và đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; mở rộng các hình thức bảo hiểm. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tự bổ sung vốn, để thu hút vốn trong dân và vốn đầu tư nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp : Nâng cao chất lượng quản lý kinh doanh, cải tiến quản lý tài chính để nâng cao hiệu quả sản xuất và tạo lòng tin của xã hội đối với phần đầu tư từ ngân sách cho DNNN và thúc đẩy quá trình thu hút vốn xã hội vào các doanh nghiệp. Kiểm kê lại diện tích đất mà các doanh nghiệp đang sử dụng, tính đủ giá trị quyền sử dụng đất vào vốn và tài sản doanh nghiệp. Thực hiện khấu hao nhanh để trả nợ vốn vay và đầu tư phát triển, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư.
Đối với khu vực dân cư: Cần tạo "sân chơi" thống nhất đối với đầu tư trong nước và đầu tư của nước ngoài cũng như giữa khu vực đầu tư tư nhân và đầu tư khu vực DNNN, xoá bỏ sự khác biệt về chính sách đất đai, tín dụng, xuất nhập khẩu. Khuyến khích mạnh mẽ mọi người dân và doanh nghiệp cùng đầu tư theo hình thức thích hợp. Xoá bỏ những thủ tục phiền hà trong đăng ký kinh doanh, không phân biệt người địa phương hay người nơi khác đến đầu tư làm ăn.
Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đây là vấn đề có tính chiến lược, vừa có tác dụng để huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tranh thủ khoa học
công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý, vừa là quá trình thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế ngay tại Việt Nam. Để đẩy mạnh thu hút vốn FDI, cần nhanh chóng tạo ra khuôn khổ pháp luật thống nhất, môi trường vĩ mô ổn định và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa tất cả các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố; xác định rõ danh mục các lĩnh vực không được phép đầu tư ở Thủ đô. Phân loại, lập danh mục các ngành nghề, khu vực với mức khuyến khích đầu tư thích hợp về thuế tiền thuê đất, mức góp vốn và thời hạn dự án. Thực hiện mở rộng nhiều hình thức thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Về huy động và sử dụng vốn ODA: Trong nguồn vốn ODA có 2 thành phần: Vốn hỗ trợ kỹ thuật được tài trợ không hoàn lại (dùng để hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và nhất là hỗ trợ xây dựng các quy hoạch đầu tư, chuẩn bị các nghiên cứu khả thi) và vốn vay với điều kiện ưu đãi. Những điều kiện đó đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng quy hoạch đầu tư dùng vốn ODA, xây dựng danh mục gọi vốn ODA phù hợp với chiến lược và tận dụng được mọi đối tác, sử dụng thích hợp cho các lĩnh vực. Đồng thời, quá trình tổ chức thực hiện cũng phải được quản lý chặt chẽ để đạt hiệu quả thiết thực, tránh gánh nặng trả nợ sau này.
* Các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư:
Vấn đề sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư, xét về bản chất cũng là biện pháp tăng vốn đầu tư. Tuy nhiên, nâng cao hiệu quả đầu tư không chỉ làm tăng về quy mô đầu tư mà còn là biện pháp nâng cao chất lượng đầu tư, nâng cao chất lượng của nền kinh tế xã hội. Biện pháp sử dụng vốn đầu tư đảm bảo có tính hiệu quả và vững chắc, trước hết phải đảm bảo đầu tư đúng hướng, đúng mục đích; đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.
Trong những năm tới, Thành phố Hà Nội cần tiếp tục đầu tư cho phát triển nhanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng kỹ thuật phát triển Dịch vụ; tập trung cho đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ và đồng bộ dây chuyền sản xuất. Kết hợp đầu tư mới, thay đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lại các ngành dịch vụ, các ngành sản xuất với đầu tư theo chiều sâu; kết hợp các loại quy mô đầu tư, các thành phần kinh tế trong đầu tư để vừa phát huy năng lực đang có, vừa khai thác những tiềm năng lợi thế của Thủ đô. Đương nhiên, khi đầu tư mở rộng năng lực sản xuất mới cần thận trọng, tránh khuynh hướng đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào.
Một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách; hướng chủ yếu đầu tư từ ngân sách là hỗ trợ cho các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng: hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện, cấp thoát nước, hạ tầng các khu Công nghiệp, khu công nghệ cao; đầu tư vào một số lĩnh vực hạ tầng xã hội quan trọng như giáo dục, đào tạo, y tế, nhưng cũng tập trung chủ yếu cho trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (lĩnh vực này dành cho các nguồn vốn đầu tư khác).
Một vấn đề rất quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư ở Hà Nội là kết hợp đầu tư ngân sách với thực hiện xã hội hóa đầu tư Hà Nội vừa có điều kiện, vừa cần thiết đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, thực hiện đấu thầu công khai tất cả các lĩnh vực mà trước đây vẫn đầu tư chủ yếu bằng ngân sách. Thành phố cần xây dựng cơ chế quản lý để vừa giảm dần sự bao cấp qua ngân sách, vừa tạo sự công bằng trong việc cung cấp và hưởng thụ các dịch vụ công.
Nâng cao chất lượng xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhanh chóng đưa công trình vào sử dụng cũng là những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đặc biệt ở Thành phố Hà Nội, vấn đề giải phóng mặt bằng rất phức tạp, có ảnh hưởng đến suất đầu tư, tiến độ đầu tư, hiệu quả đầu tư. Vì vậy, xây dựng quy chế thống nhất, công khai, công bằng, dân chủ, minh bạch về đền bù, giải phóng mặt bằng, đơn giản hoá thủ tục thẩm định, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh phân cấp thực hiện giải phóng mặt bằng đồng thời có sự giám sát chặt chẽ của các ngành, các cấp là những biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả đầu tư.