Vị trí địa lý và các yếu tố tạo vùng như khí hậu, tài nguyên...có vai trò rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội mà trước hết là sự hình thành cơ cấu kinh tế một tự nhiên. Trong lịch sử phát triển của nền kinh tế truyền thống, sự phân bố các nguồn tài nguyên thiên nhiên và điều kiện tự nhiên theo vùng có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một vùng hay một quốc gia.
• Trong các nguồn tài nguyên thiên nhiên tác động trực tiếp đến cơ cấu kinh tế trước hết là khoáng sản. Trữ lượng, chất lượng, vị trí phân bổ, điều kiện khai thác của các nguồn tài nguyên khoáng sản có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển và phân bố các ngành kinh tế như: Công nghiệp khai khoáng, chế biến quặng, phát triển Nông nghiệp v.v. Trong những nền kinh tế chưa phát triển, yếu tố khoáng sản có tầm quan trọng đặc biệt. Chẳng hạn, khu vực có nguồn than hay quặng sắt tất yếu dẫn đến sự hình thành Công nghiệp khai thác than hoặc luyện quặng. Một nguồn tài nguyên mới được phát hiện, khám phá sẽ là tiền đề để phát triển những ngành kinh tế mới, thực hiện chuyển dịch hoặc thay đổi cơ cấu kinh tế cũ sang cơ cấu kinh tế mới. Cũng cần chú ý rằng, có nhiều nguồn tài nguyên không phải đã được phát hiện và khai thác ngay từ khi nó hình thành. Quá trình phát hiện, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này phụ thuộc rất lớn vào trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật và các điều kiện hạ tầng khác.
• Đất đai, khí hậu, điều kiện sinh thái có ảnh hưởng rất quan trọng đến sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến sản xuất lương thực, phát triển, phân bố cây Công nghiệp lâu năm, chăn nuôi đại gia súc và phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông lâm sản, do đó tác động trực tiếp đến sự hình thành cơ cấu kinh tế. Rõ ràng một khu vực đồng bằng phì nhiêu sẽ là cơ sở tốt để phát triển Nông nghiệp.
• Nước có vai trò to lớn không chỉ đối với sản xuất Nông nghiệp, Công nghiệp mà còn đối với đời sống dân cư và các ngành kinh tế khác. Nước chi phối sự phát triển của đời sống, dân cư, xã hội, và tất nhiên là sự hình thành và phát triển kinh tế; sự hình thành cơ cấu sản xuất và sự phân bố dân cư. Phân bố dân cư lại gắn liền với phân bố sản
xuất. Trong quá trình nghiên cứu nguồn nước, cần chú ý tới trữ năng thuỷ điện và khả năng phát triển giao thông vận tải thuỷ trên các dòng sông...
• Trên cơ sở đất rừng và tài nguyên rừng, phát triển Lâm nghiệp và Công nghiệp rừng là một trong những hướng cơ bản của quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của các tỉnh trung du miền núi; ở những vùng giáp biển, có khả năng phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt và chế biến hải sản.
Tuỳ theo quy mô trữ lượng, chất lượng, các nguồn tài nguyên có ý nghĩa đơn ngành hay đa ngành, có ý nghĩa cả nước hay từng địa phương. Trên cơ sở các tài nguyên có ý nghĩa toàn quốc sẽ phát triển các ngành sản xuất chuyên môn hoá tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hoá tham gia trao đổi liên vùng của quốc gia và xuất khẩu. Các tài nguyên thuộc từng vùng hay địa phương là cơ sở phát triển các ngành sản xuất hỗ trợ các ngành chuyên môn hoá có ý nghĩa toàn quốc và giải quyết tới mức tối đa các nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân địa phương.
Sử dụng tổng hợp, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên là đòi hỏi khách quan của bất cứ nền kinh tế nào, có liên quan chặt chẽ đến việc hình thành cơ cấu kinh tế của cả nước và của từng vùng. Tuỳ theo trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, việc phát hiện, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể theo những phương hướng khác nhau và tạo ra những giá trị sử dụng khác nhau và do đó dẫn đến sự hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế khác nhau; không phải cùng một nguồn tài nguyên thì nhất thiết phải có một cơ cấu kinh tế đồng nhất.