Định hướng phát triển vùng phía Bắc và phía Nam Sông Hồng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 155 - 158)

e/ Quan điểm 5: Gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.

3.2.4.3 Định hướng phát triển vùng phía Bắc và phía Nam Sông Hồng.

Do đặc điểm sông Hồng cũng như trình độ phát triển khoa học kỹ thuật cùng với một số yếu tố an ninh và quốc phòng làm cho các phương án phát triển trước đây không khả thi và không được chấp nhận. Từ năm 1998 - 2002, phương án phát triển khu vực phía Bắc mới được đưa vào trong quy hoạch và được Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên trong các nghiên cứu cũng như trong các phương án phát triển, khu vực phía Bắc và phía Nam sông Hồng chưa được nghiên cứu với tính chất là cơ cấu vùng trong cơ cấu kinh tế. Khu vực phía bắc Sông Hồng gồm huyện Sóc Sơn, huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm. Từ năm 2004, huyện Gia Lâm tách một số xã để thành lập thành quận Long Biên. Năm 2003, toàn bộ 4 huyện, quận này có diện tích là 663,13km2 (chiếm 72% diện tích toàn Thành phố); dân số là 921,7 nghìn người (chiếm 30% dân số Thành phố). Về kinh tế, khu vực phía bắc sông Hồng chỉ chiếm khoảng 20% GDP, 30% giá trị sản xuất Công nghiệp, 60% giá trị sản xuất Nông nghiệp và khoảng 15% giá trị các ngành dịch vụ. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Một trong những lý do cơ bản là sự “hung dữ” của Sông Hồng mà vấn đề chinh phục nó còn nằm ngoài khả năng của Hà Nội và Việt Nam. Bước sang thế kỷ 21, vấn đề chinh phục Sông Hồng, phát triển một đô thị hiện đại phía

Bắc đối xứng với đô thị cổ kính ở phía Nam có ý nghĩa thực tiễn và là bước phát triển đột phá của Thủ đô Hà Nội trong những thập niên đầu thế kỉ 21. Vì vậy, nghiên cứu định hướng phát triển và chuyển dịch khu vực phía Bắc và phía Nam Sông Hồng với tính chất phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Vùng là cần thiết.

*Định hướng phát triển khu vực phía Nam sông Hồng (khu vực hữu ngạn sông Hồng):Bao gồm đất đai và dân cư cũng như các cơ sở kinh tế xã hội và quốc phòng thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Từ Liêm và Thanh Trì. Toàn bộ khu vực bao gồm các tiểu khu như: Khu đô thị trung tâm hạn chế phát triển (bao gồm quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và phía bắc quận Hai Bà Trưng); khu đô thị mới phát triển bao gồm quận Tây Hồ, huyện Từ Liêm, phía Nam quận Hai Bà Trưng, và huyện Thanh Trì (hiện tại đang là khu đô thị hoá mạnh có tới 358,1 ngàn người với 2.271,3 ha đất xây dựng); khu Nông nghiệp thuần bao gồm các làng xã thuộc huyện Thanh Trì, một số xã thuộc huyện Từ Liêm và quận Tây Hồ.

Đặc trưng rõ rệt của khu vực phía Nam Sông Hồng là có lịch sử phát triển kinh tế xã hội - văn hóa lâu đời, mật độ dân cư cao, nhưng địa hình có nhiều khu vực trũng, không thuận lợi cho xây dựng. Trong khu vực này có hệ thống trung tâm Thành phố bao gồm: Trung tâm Ba Đình là trung tâm hành chính, chính trị quốc gia; Trung tâm Hoàn Kiếm là trung tâm hành chính, chính trị của Thành phố. Trong khu vực có nhiều di tích lịch sử, di tích cách mạng, di sản và di tích văn hóa vật thể và phi vật thể…; đó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá cho sự phát triển. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở văn hóa - xã hội đạt trình độ quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên sự phân bổ và phát triển không đều; tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm, một phần ở khu vực đang đô thị hóa.

Vì vậy, định hướng phát triển khu vực Nam Sông Hồng trong tương lai tập trung vào phát triển đô thị và dịch vụ, đặc biệt là các ngành và lĩnh vực dịch vụ trình độ cao hiện đại như tài chính - tiền tệ - ngân hàng, dịch vụ thương mại, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, du lịch, các dịch vụ hành chính, xuất nhập khẩu và các dịch vụ đô thị khác. Ngành công nghiệp vẫn được phát triển với vị trí thứ 2 trong các ngành kinh tế, song được cơ cấu và phân bổ lại. Các ngành công nghiệp tập trung vào sản phẩm có hàm lượng chất

xám cao, công nghệ cao, hiện đại, công nghệ sạch, ít hoặc không gây ô nhiểm môi trường như: điện tử, công nghệ thông tin (bao gồm cả phần mềm, phần cứng); các sản phẩm về khuôn mẫu, sản phẩm cao cấp như: thời trang, mỹ phẩm, dược liệu... Các cơ sở sản xuất Công nghiệp hình thành trong thời kỳ bao cấp, xen lẫn khu dân cư, công nghệ lạc hậu cần được cơ cấu lại sản phẩm, đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị hoặc di chuyển ra các địa điểm khác phù hợp hơn. Ngành nông nghiệp tuy chiểm tỷ trọng rất nhỏ, song vẫn cần được phát triển với quy mô và cơ cấu hợp lý. Các vùng ngoài đê sông Hồng, các xã phía Nam thuộc huyện Thanh Trì và các xã ven đô thuộc huyện Từ Liêm vẫn cần phát triển đề vừa tạo vành đai xanh cho Thành phố. Đó chính là xu hướng phát triển hỗn hợp trong nền kinh tế đô thị hiện đại. ngành nông nghiệp Thủ đô có tính chất dịch vụ và đô thị sinh thái.

* Khu vực phát triển phía Bắc sông Hồng:

Bao gồm lãnh thổ huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm, quận Long Biên và huyện Sóc Sơn. Đây là khu vực chưa phát triển của Thành phố. Đặc điểm nổi bật của khu vực là diện tích đất Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, nông dân là thành phần chủ yếu trong dân cư, Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính, nông thôn - làng xã vẫn là tổ chức xã hội cộng đồng cơ bản, chiếm tỷ trọng lớn. Tuy nhiên khu vực phía Bắc sông Hồng cũng có nhiều tiềm năng để phát triển; Trong khu vực có sân bay quốc tế Nội Bài, có nhiều cảnh quan thiên nhiên thuận lợi cho phát triển du lịch và môi trường sinh thái như khu núi rừng thuộc huyện Sóc Sơn, Đầm Vân Trì, Sông Thiếp...Đặc biệt, trong khu vực này có Cổ Loa là kinh đô cổ của Việt Nam thời Âu Lạc, có khá nhiều di tích lịch sử và văn hóa ở khu vực Gia Lâm. Địa hình và địa chất thuận lợi xây dựng.

Với những đặc trưng trên, định hướng phát triển khu vực phía Bắc sông Hồng sẽ tập trung vào phát triển đô thị và Công nghiệp. Trên cơ sở các khu Công nghiệp hiện có, sẽ thực hiện đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng và quy mô sản xuất. Các khu Công nghiệp mới được hình thành vừa tạo cơ sở kêu gọi đầu tư nước ngoài, vừa tạo điều kiện để chuyển dịch các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành cũ. Phát triển Công nghiệp cả chiều rộng và chiều sâu sẽ tạo ra bước phát triển mới cho khu vực phía Bắc, giảm dần diện tích đất Nông nghiệp và dân cư nông thôn, chuyển dịch lao động Nông nghiệp sang Công nghiệp và Dịch vụ. Đồng thời với quá trình CNH, khu

vực phía Bắc sẽ đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Trong năm 2004, Thành phố Hà Nội đã thành lập quận Long Biên với quy mô khoảng 6000 ha, dân số khoảng gần 10 vạn người. Trong năm 2005 và các năm tiếp theo, quận Long Biên sẽ đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng. Các khu đô thị mới như Việt Hưng, Sài Đồng đang phát triển theo hướng hiện đại. Cùng với khu Thị trấn Gia Lâm cũ và việc xây dựng, đưa vào sử dụng Cầu Vĩnh Tuy, Cầu Thanh Trì trong năm 2007, quận Long Biên sẽ trở thành quận phát triển đô thị như các quận nội thành cũ với quy mô hiện đại. Mặt khác, khu vực phía Nam của huyện Đông Anh cũng đã và đang triển khai đô thị hóa mạnh mẽ. Trên cơ sở xây dựng tuyến đường 5 kéo dài, xây dựng Cầu Nhật Tân và chỉnh trị sông Hồng, một Thành phố Hà Nội mới hiện đại, văn minh, có tầm quốc tế với quy mô khoảng 8000 – 10.000 ha và 75 - 80 vạn dân, bao gồm 4 - 5 quận mới ở phía Bắc sông Hồng sẽ được hoàn thành về cơ bản vào năm 2015 và hoàn thiện trong những năm 2020. Trong Thành phố Hà Nội mới sẽ hình thành các khu trung tâm thương mại, các trung tâm tài chính, trung tâm du lịch hiện đại có trình độ khu vực và quốc tế, các cơ sở Công nghiệp hiện đại sử dụng công nghệ cao để tạo điều kiện phát triển Dịch vụ, Công nghiệp, chuyển đổi sản xuất Nông nghiệp sang phát triển Dịch vụ tổng hợp. Cùng với việc xây dựng và phát triển Thành phố ven sông Hồng, trong giai đoạn đến năm 2020, Thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển Thành phố Nội Bài với quy mô khoảng 15 vạn dân mà hạt nhân của Thành phố là sân bay quốc tế Nội Bài. Với sự hình thành và phát triển Thành phố Nội Bài, huyện Sóc Sơn cũng có điều kiện đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, CNH, xóa nghèo và vươn lên phát triển cùng với các quận huyện khác trong khu vực. Như vậy, có thể nói, sau Công nghiệp, định hướng phát triển dịch vụ gắn với quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng sẽ tạo bước phát triển đột phá toàn diện, làm thay đổi diện mạo của cơ cấu vùng kinh tế Thành phố Hà Nội. Đương nhiên, trong quá trình CNH, đô thị hóa, Nông nghiệp ở khu vực phía Bắc vẫn giữ vai trò quan trọng để phát triển vành đai xanh, vành đai thực phẩm an toàn, tạo môi trường sinh thái bảo đảm phát triển bền vững cho các khu đô thị mới và cho cả Thành phố Hà Nội.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 155 - 158)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w