Tóm lại, từ kết quả nghiên cứu trong chương I, luận án đã tập trung nghiên cứu một cách có hệ thống và rút ra những kết luận sau:
Luận án đã hệ thống và làm rõ hơn các khái niệm cơ bản về cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Cơ cấu kinh tế là tổng thể các yếu tố, các bộ phận hợp thành nền kinh tế mà giữa chúng luôn có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, thường xuyên vận động trong những điều kiện tự nhiên, xã hội cụ thể gắn với không gian, thời gian nhất định được thể hiện cả về định tính lẫn định lượng, phù hợp với xu hướng vận động và phát triển của nền kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình thay đổi của cơ cấu kinh tế từ trạng thái này sang trạng thái khác hợp lý, hiệu quả, phù hợp với xu thế, điều kiện và môi trường phát triển. Việc phân tích mối quan hệ giữa các yếu tố, bộ phận của nền kinh tế trong quá trình tái sản xuất là cơ sở để nghiên cứu sinh khái quát lại 2 khái niệm. Tuy nhiên, luận án cũng đã khẳng định: các khái niệm này cần được tiếp tục nghiên cứu để phản ánh chuẩn xác hơn sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Như vậy, cơ cấu kinh tế hình thành và chuyển dịch theo quy luật khách quan. Có nhiều nhân tố tác động đến sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Luận án đã hệ thống một cách khái quát các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong lịch sử phát triển; đồng thời phân tích và hệ thống những nhân tố cơ bản chi phối quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nói chung của mỗi quốc gia hay vùng lãnh thổ. Đó là các nhân tố thuộc về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, xã hội, lịch sử; khi phân tích các nhân tố tác động, luận án đã xem xét quá trình đô thị hóa với tư cách là một nhân tố
quan trọng, đặc biệt là các thành phố hoặc các quốc gia, địa phương có điều kiện trở thành đô thị. đây là điểm mới của luận án và cũng là mở đầu cho các chương sau khi xem xét quá trình hình thành và chuyển dịch cơcấu kinh tế của Thủ đô Hà nội. Mặt khác luận án cũng làm rõ môi trường thể chế và vai trò của Nhà nước là những nhân tố rất quan trọng có tác động mạnh đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của một quốc gia nhanh hay chậm. Sự thành công và kết quả khác nhau của các quốc gia, các vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Bắc Kinh, Thành phố Hồ Chí Minh...trong quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là sự phản ánh rõ nét việc vận dụng và phát huy ở mức độ khác nhau của các nhân tố.
Trên cơ sở khái quát lý luận chung và kinh nghiệm của thực tiễn, luận án đã rút ra những tính quy luật về sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH. Mặc dù còn cần được tiếp tục nghiên cứu, việc khái quát những tính quy luật cũng là đóng góp mới.
Cũng như các địa phương và cả nước, quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô Hà Nội chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, bên trong và bên ngoài, nhân tố tự nhiên cũng như các nhân tố xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào quy mô, tính chất... tác động, Hà Nội chịu ảnh hưởng của những nhân tố chung và có những nhân tố đặc thù. Nghiên cứu đầy đủ và đúng mức bản chất cơ cấu kinh tế, tính quy luật của quá trình chuyển dịch và tác động của các nhân tố cũng như kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước và quốc tế sẽ giúp cho quá trình nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội đúng đắn hơn, phản ánh bản chất kinh tế xã hội của một địa phương đang trong quá trình phát triển.
CHƯƠNG 2