Toàn cầu hóa và sự phát triển của thị trường:

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 33 - 38)

Cần khẳng định ngay rằng thị trường là nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nói đến thị trường là nói đến nhu cầu con người cần được thỏa mãn thông qua thị trường. Những nhu cầu này sẽ là nhân tố, là tín hiệu định hướng cho doanh nghiệp thực hiện các quyết định sản xuất kinh doanh, giải quyết ba câu hỏi của kinh tế vi mô là sản xuất cái gì, sản xuất cho ai, sản xuất như thế nào? Trong nền kinh tế thị trường, muốn tồn tại và phát triển mỗi doanh nghiệp phải hướng đến thị trường, xuất phát từ quan hệ cung cầu hàng hoá trên thị trường để định

hướng chiến lược và chính sách kinh doanh của mình. Sự hình thành và biến đổi nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp để thích ứng với các điều kiện thị trường dẫn tới từng bước thúc đẩy sự hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước. Khi các doanh nghiệp trong nước sản xuất ra những hàng hóa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, thay thế hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, ta có mô hình CNH thay thế nhập khẩu. Khi hàng hóa của các doanh nghiệp được sản xuất ra đáp ứng nhu cầu của nước ngoài, ta có mô hình CNH hướng về xuất khẩu. Khi nền kinh tế phát triển, thu nhập của dân cư tăng, sức mua của thị trường tăng, số lượng những hàng hóa cũ đang được tiêu thụ sẽ cần phải sản xuất nhiều thêm. Thu nhập tăng cũng làm phát sinh ra những nhu cầu về các hàng hóa mới: cầu về hàng hóa thiết yếu sẽ giảm đi về tỷ lệ tương đối trong cơ cấu tiêu dùng, cầu về hàng hóa lâu bền và đắt tiền sẽ tăng lên. Những nhân tố nói trên sẽ khiến các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường tự động chuyển đổi hoạt đoạt động sản xuất kinh doanh của mình một cách phù hợp nhằm đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường, và do đó, sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế. Ví dụ, vào những năm đầu của công cuộc đổi mới, dân ta còn thiếu ăn, thiếu mặc, nhu cầu hàng thực phẩm, hàng may mặc là rất lớn, nhu cầu về những hàng lâu bền như xe máy, tủ lạnh, máy giặt, ô tô là rất thấp. Khi đó, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm như lương thực, thực phẩm, chế biến thực phẩm, dệt may chiếm số lượng rất lớn và chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP của nền kinh tế, có rất ít hoặc thậm chí không có doanh nghiệp trong những lĩnh vực như sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, ti vi, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh. Đến những năm 1995-1996, thu nhập của người dân Việt Nam đã được cải tiến đáng kể, nhu cầu của người dân về những đồ dùng lâu bền và cao cấp tăng dần lên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và lắp ráp điện tử, đồ điện gia dụng, xe máy cũng nhiều lên, tỷ trọng đóng góp của những doanh nghiệp này trong GDP cũng tăng thêm. Trong những năm gần đây, người dân ở một số Thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM đã bắt đầu hướng tới việc mua ô tô, nhu cầu ô tô tăng vọt, thậm chí các doanh nghiệp trong ngành này đã không còn hàng để bán trong những tháng cuối năm 2004, mặc dầu giá ô tô ở Việt Nam vào loại cao nhất trên thế giới. Những doanh nghiệp trong ngành sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô bắt đầu có lãi lớn sau nhiều năm thua lỗ do việc đi trước đón đầu thị trường từ nhiều năm trước đó. Như vậy, có thể nói thị trường trong nước và quốc

tế có vai trò rất to lớn, thông qua vai trò là mặt cầu hàng hóa, trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáp ứng được xu thế biến động khách quan của cầu thị trường mới là một cơ cấu kinh tế hợp lý, đúng đắn. Bởi vậy, sự hình thành và phát triển đồng bộ các loại thị trường trong nước (thị trường hàng hoá - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường khoa học- công nghệ...) có tác động mạnh đến quá trình hình thành và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Khi nghiên cứu tác động của thị trường đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vấn đề cực kỳ quan trọng là cần thấy rõ mặt bản chất, bên trong của cơ chế tác động - đó chính là các quy luật kinh tế vốn có của kinh tế thị trường. Hệ thống các quy luật gắn liền với thị trường và kinh tế thị trường như quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật lưu thông tiền tệ...Toàn bộ phần trình bày trên về tác động của thị trường chính là sự biểu hiện của các quy luật vốn có của kinh tế thị trường trong nền kinh tế. Thông qua các phạm trù của kinh tế thị trường được con người nhận thức, vận dụng như giá cả, giá trị, quan hệ cung cầu, lợi nhuận...mà các quy luật đó điều tiết, chi phối nền kinh tế. Trong quá trình phát triển kinh tế hàng hóa hay kinh tế thị trường, các quy luật tác động qua lại lẫn nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp bên trong điều tiết nền kinh tế. Đương nhiên, trong hệ thống các quy luật trên, từng quy luật đều có vai trò riêng biệt nhất định chi phối những mặt nhất định của quá trình sản xuất hàng hóa.

Trong đó, quy luật cạnh tranh chính là quy luật tạo nên cơ chế khách quan điều tiết sự vận động của nền kinh tế. Bởi lẽ, động lực của sản xuất hàng hóa, hay của kinh tế thị trường chính là lợi nhuận (hay nói cách khác là giá trị, giá trị thặng dư). Để đạt được lợi nhuận cao, các doanh nghiệp - tế bào của nền kinh tế không ngừng cạnh tranh nhằm thực hiện mục tiêu của mình. Trong nền kinh tế thị trường, có hai loại cạnh tranh: đó là cạnh tranh trong nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành, các khu vực. Bản chất cạnh tranh trong nội bộ ngành là nhằm kiếm tìm lợi nhuận siêu ngạch. Còn cạnh tranh giữa các ngành, giữa các khu vực là nhằm tìm nơi đầu tư có lợi nhất. Chính sự tìm kiếm lợi nhuận này từ hai loại cạnh tranh đã dẫn đến sự chi phối, điều tiết các nguồn lực, các yếu tố của quá trình sản xuất từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ ngành này sang ngành khác và từ nơi này đến nơi khác. Đó chính là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tự phát tự nhiên trong nền kinh tế thị trường.

Cũng cần thấy rằng, với từng giai đoạn khác nhau của kinh tế thị trường quy luật cạnh tranh cũng biểu hiện ở các mức độ khác nhau phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế thị trường. Đó là các mức độ của cạnh tranh như canh tranh tự do, cạnh tranh độc quyền, cạnh tranh trong xu thế toàn cầu hóa. Bước sang thiên niên kỷ mới, quốc tế hoá và khu vực hoá vẫn là xu thế đặc trưng nhất thúc đẩy các quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau trong một hệ thống kinh tế toàn cầu nhằm xoá bỏ hầu hết hàng rào thuế quan và phi thuế quan; chuyển dịch một cách thông thoáng hàng hoá, vốn đầu tư, tiền tệ, dịch vụ, công nghệ và lao động giữa các quốc gia với quy mô ngày càng lớn. Tiêu biểu nhất của quá trình toàn cầu hoá là sự bùng nổ tự do hoá thương mại toàn cầu, là sự hình thành kinh tế thị trường toàn cầu, thị trường khu vực với các trình độ khác nhau nhưng gắn kết với nhau chặt chẽ hơn trong đó có vai trò hoạt động ngày càng tăng của tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Cùng với xu thế quốc tế hoá, xu thế khu vực hoá ngày càng phát triển. Khu vực hoá là bước đi cần thiết cho mỗi quốc gia tiến tới toàn cầu hoá, đồng thời nó cũng giúp họ ứng phó với những bất lợi của xu thế toàn cầu hoá và với sự chi phối của các siêu cường: Châu Á với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Châu Mỹ với khối mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Châu Âu với khối liên minh Châu Âu (EU) đang được hoàn thiện và ngày càng bền vững.

Xu thế quốc tế hoá và khu vực hoá của các nước đang phát triển thường gắn với "Hội nhập quốc tế". Hội nhập quốc tế phản ánh sự tham gia một cách tự nguyện của các quốc gia có cùng sự quan tâm trong những mối liên kết nhất định vào quá trình quốc tế hoá (hay khu vực hoá). Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tự nguyện tham gia hội nhập này là quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đối với những quốc gia muốn đạt được sự phát triển nhanh trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, tin học. Quốc tế hoá và khu vực hóa sẽ tạo ra những cơ hội mới cho việc mở rộng thị trường, chuyển giao và ứng dụng công nghệ cũng như kỹ năng quản lý, hình thành và phát triển những ngành kinh tế mới hoặc đòi hỏi thay đổi, cải tiến các ngành, sản phẩm truyền thống. Do đó, toàn cầu hóa sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia đi sau rút ngắn con đường phát triển; sử dụng có hiệu quả hơn nguồn lực của chính quốc gia mình

và bổ sung những nguồn lực cần thiết cho phát triển mà đất nước đang thiếu hụt. Tuy vậy, cùng với những cơ hội, toàn cầu hóa cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với mỗi cá nhân, mỗi tổ chức và đối với cả một quốc gia. Đó là yêu cầu cao hơn về trình độ tay nghề của người lao động; là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và ngoài nước đối với các doanh nghiệp cũng như các quốc gia; là sự điều hành luật pháp, ổn định vĩ mô đối với nhà nước quản lý. Sự cạnh tranh cũng như quản lý điều hành được đặt ra không chỉ xuất phát từ quy mô, trình độ, tính chất của nền sản xuất hàng hóa trong mỗi quốc gia mà phải xuất phát từ quy mô, trình độ, tính chất , yêu cầu…của nền kinh tế thị trường thế giới, thị trường khu vực, bao gồm cả các quốc gia có quan hệ trực tiếp và các quốc gia quan hệ gián tiếp. Nếu không vượt qua các thách thức đó, toàn cầu hóa sẽ làm tăng thêm khoảng cách tụt hậu và lệ thuộc vào nước khác. Rõ ràng ở Việt Nam cũng như ở Hà Nội, sự cạnh tranh trong thời gian tới không chỉ là cạnh tranh giữa các đơn vị sản xuất trong nước, giữa các địa phương trong nước và trình độ của kinh tế thị trường trong nước. Khi Việt Nam và Hà Nội tham gia hội nhập khu vực và quốc tế trong xu thế toàn cầu hóa, hệ thống quy luật chi phối nền kinh tế thị trường nước ta không phải chỉ là hệ thống quy luật của kinh tế thị trường Việt Nam mà là hệ thống quy luật của kinh tế thị trường thế giới đang ở nhiều trình độ khác nhau. Đó là sự tồn tại đồng thời các trình độ kinh tế thị trường từ sản xuất hàng hóa giản đơn đến sản xuất hàng hóa tự do cạnh tranh và kinh tế thị trường hiện đại. Tương tự, quy luật cạnh tranh cũng biểu hiện duới nhiều mức độ khác nhau và tác động chi phối rất phức tạp đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam và Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên dù các nước đều có xu hướng chuyển dịch cơ cấu như nhau nhưng tốc độ chuyển dịch lại hoàn toàn không giống nhau vì bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn trong xu thế toàn cấu hóa hai nhân tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu là quá trình chuyên môn hoá và thay đổi công nghệ, tiến bộ kỹ thuật. Quá trình chuyên môn hoá mở đường cho việc trang bị kỹ thuật hiện đại, hoàn thiện tổ chức, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động. Chuyên môn hoá cũng tạo ra những hoạt động dịch vụ và chế biến mới. Điều đó làm cho tỷ trọng của các ngành truyền thống giảm trong khi đó tỷ trọng của các ngành dịch vụ kỹ thuật mới được tăng trưởng nhanh chóng, dần dần chiếm ưu thế. Chuyển dịch cơ cấu tạo ra những tiền đề cho sự phát triển và hoàn thiện của các

thị trường yếu tố sản xuất, và ngược lại, việc hoàn thiện phát triển của các thị trường đó sẽ thúc đẩy quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế, từ đó làm sâu sắc hơn quá trình chuyển dịch cơ cấu.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sỹ: Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(183 trang)
w