e/ Quan điểm 5: Gắn phát triển kinh tế-xã hội với đảm bảo ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống.
3.3. 3 Phát triển nguồn nhân lực
Suy cho đến cùng, nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Trong các nguồn lực, nhân lực là yếu tố năng động nhất. Phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực của con người vì sự tiến bộ kinh tế và xã hội. Phát triển nguồn nhân lực vừa là động lực, vừa là giải pháp đảm bảo thực hiện các yêu cầu của sự nghiệp Công nghiệp hoá và hiện đại hoá Thủ đô. Để phát triển nguồn nhân lực, cần tập trung vào các mục tiêu và giải pháp: Nâng cao thể lực con người. Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật: thực hiện phổ cập trung học phổ thông và tương đương toàn Thành phố vào năm 2010; nâng tỷ trọng dân số trong độ tuổi 18 - 23 được đào tạo nghề trên 80%, tăng cường đào tạo đội ngũ công nhân lành nghề, nhà kỹ thuật, nhà quản trị kinh doanh giỏi, có bản lĩnh, vững vàng. Tăng nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao. Từng bước hình thành nguồn nhân lực tinh hoa. Ưu tiên phát triển các Dịch vụ chuyên môn cao cấp. Để phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ
cấu kinh tế, vấn đề rất quan trọng là thực hiện phân công lại lao động, bảo đảm sự phù hợp giữa cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, tất yếu diễn ra sự chuyển dịch lao động theo không gian, đặc biệt là đối với đô thị đặc biệt như Hà Nội hoặc các Thành phố lớn. Di dân nông thôn vào đô thị là một hệ quả tất yếu của vấn đề trên. Lao động di chuyển tự do vào Thành phố tìm việc làm và làm bất kể việc gì, với bất cứ giá cả nào mà lao động không có việc làm ở Thành phố không muốn làm. Chính lực lượng khá đông đảo này đã làm xuất hiện một số nghề dịch vụ "bình dân", rẻ tiền, tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ của Thành phố, đó là các nhà trọ "bình dân", quán cơm "bình dân", dịch vụ cho thuê các phương tiện hành nghề. Đương nhiên, lao động di chuyển tự do vào Thành phố sẽ gây ra những sự lộn xộn, khó khăn trong việc bảo vệ trật tự trị an. Số lao động di chuyển tự do vào Thành phố, dễ mắc vào các tệ nạn xã hội và cả tội phạm. Trong số đó đáng quan tâm là vấn đề trẻ em lang thang. Để tránh sự "bùng nổ" trong quá trình di chuyển dân cư giữa các vùng và khu vực, hướng các dòng di chuyển lao động và dân cư phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng và đô thị cần phải có những biện pháp thích hợp về hành chính cũng như về kinh tế và giáo dục tư tưởng; cần thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, đồng thời có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành cũng như giữa các tỉnh và Thành phố. Hiện nay ở Thủ đô, đã có một số phường, quận tiến hành việc đăng ký theo dõi lực lượng lao động di dân vào Thành phố làm ăn ở địa bàn. Việc theo dõi này còn đơn giản, chủ yếu là để nắm số lượng đi và đến. Do vậy cần có cơ quan theo dõi số lao động di cư tự do trên toàn địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu vực nội thành. Việc theo dõi thuộc trách nhiệm chủ yếu của cơ quan lao động, cơ quan công an và phải được quy định trong hệ thống luật pháp để có sự thống nhất ở tất cả các địa phương. Trước mắt có thể dùng hình thức phát sổ hay thẻ lao động cho tất cả công dân đến tuổi lao động ở cả đô thị và nông thôn. Khi di chuyển đến địa phương khác tìm việc làm, nhất thiết phải có sổ lao động đã đăng ký ở địa phương và buộc những người chủ thuê lao động, chỉ được thuê lao động đã có sổ đăng ký.