2.1. Biểu hiện lâm sàng
- Triệu chứng kinh điển của tăng ALNS bao gồm đau đầu, thay đổi tri giác và ói. - Dấu hiệu tổn thương dây thần kinh VI, phù gai thị thứ phát, phù quanh mắt do ứ trệ dẫn lưu trong sọ. Tam chứng Cushing bao gồm mạch chậm, tăng huyết áp và thay đổi chức năng hô hấp. Sự hiện diện của phản xạ này đòi hỏi phải can thiệp cấp cứu.
- Dấu hiệu thần kinh khu trú trong hội chứng tăng ALNS liên quan đến khối choáng chỗ hoặc khi có thoát vị não xảy ra.
- Cần nghĩ ngay đến việc có thể xảy ra tình trạng tăng ALNS khi tiếp nhận một bệnh nhân chấn thương sọ não, đột quỵ tiến triển nhanh, giảm Natri máu có dấu thần kinh… và truy tìm, phát hiện các dấu hiệu lâm sàng nghi ngờ, tiến hành ngay việc chụp cắt lớp vi tính.
2.2. Cận lâm sàng
- Chụp cắt lớp vi tính: những dấu hiệu gợi ý tăng ALNS như sự hiện diện của khối choáng chỗ, đường giữa di lệch, xóa mờ các bể nền… và đặc biệt nếu các dấu hiệu này không có trên hình ảnh ban đầu.
- Chụp cộng hưởng từ rất có giá trị trong việc xác định các nguyên nhân bệnh lý làm gia tăng ALNS, đặc biệt là các loại u não.
- Theo dõi ALNS: bằng đo ALNS.
Mục đích theo dõi ALNS nhằm đảm bảo cho việc cung cấp đủ lưu lượng máu não và độ bão hòa oxy máu não. Đánh giá áp lực tưới máu não thông qua các giá trị ALNS và huyết áp động mạch giúp cải thiện tiên lượng của bệnh nhân đặc biệt là những bệnh nhân chấn thương sọ não.
- Lưu lượng tưới máu não thay đổi theo ALNS và được xác định theo công thức: CBF = (CAP – JVP ) + CVR
(CAP: áp lực động mạch cảnh, JVP: áp lực tĩnh mạch cảnh, CVR: khả năng dự trữ thanh mạch).
Áp lực tưới máu não (CPP) phản ánh thực tế mức độ tưới máu não, được xác định bởi công thức:
CPP = MAP – ICP
(MAP: áp lực động mạch trung bình, ICP: ALNS).
+ Chỉ định: Bệnh nhân có nguy cơ tăng ALNS như đã đề cập trong nguyên nhân, bệnh nhân hôn mê (GCS < 8).
Có nhiều loại điện cực theo dõi ALNS, mỗi loại có ưu khuyết điểm riêng: trong não thất, trong nhu mô, khoang dưới nhện và khoang ngoài màng cứng.