Trực giác trí tuệ trong các trào lưu triết học Phương Tây

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 152 - 155)

II I CÁCH CHẤM ĐIỂM

7.2.2. Trực giác trí tuệ trong các trào lưu triết học Phương Tây

Trong truyền thống triết học Phương Tây, ngay từ thời Platon trí tuệ được chia thành 2 mức: trí tuệ cảm tính và lí tính. Sau này, các nhà triết học cổ điển Đức, điển hình là G.V.Hêghen đã chia trí tuệ thành 3 mức: cảm tính, lý trí và lý tính; đồng thời xác lập sự chuyển hoá biện chứng giữa lý trí lên lý tính trong nhận thức của con người. Từ truyền thống phân chia này, xuất hiện hai xu hướng giải thích nhận thức của con người: hướng thứ nhất, thiên về cơ chế từ nhận thức cảm tính qua lý trí lên lí tính theo con đường quy nạp và suy luận từ các sự kiện cảm tính. Hướng thứ hai, coi nhẹ vai trò của nhận thức cảm tính và đề cao lý tính. Trên thực tế hướng giải thích này đề xuất và nhấn mạnh đến trực giác trí tuệ.

Trực giác trí tuệ (Intellectualis) xuất hiện trong triết học của Platon, với tư cách là năng lực nhận thức của lý tính không gắn liền với tư duy có logic và là phương tiện cơ bản để đạt tới cáiniệm tuyệt đối thần thánh. Về sau, quan niệmnày được phát triển và biến thái trong triết học của R.Đêcáctơ, của B. Xpinôda, của các nhà triết học cổ điển Đức và trong triết học của H.Bec xông.

Trong nhận thức luận của R. Đêcactơ có hai loại trực giác (intuisia): trực giác cảm tính và trực giác lý tính. Khác với Bêcơn, là người coi trọng trí thức cảm tính, R.Đêcactơ luôn đặt ra sự nghi ngờ các tri thức này và đòi hỏi chúng phải được phân tích và kiểm tra qua ánh sáng của lý tính. Đồng thời ông rất đề cao các tri thức do trực giác trí tuệ mang lại. R.Đêcactơ coi trực giác lý tính là khả năng nhận thức cao nhất của trí tuệ con người. Ông gọi đó là ánh sáng trí tuệ. Trực giác trí tuệ được hiểu là khả năng linh cảm của lý tính. Tự nó có thể suy xét đúng hay sai, xác định chân lý của nhận thức. Theo Đêcactơ, khả năng trí tuệ này hoàn toàn đúng đắn và công minh, nó là “toà án” để phân định mọi hình thức và hành vi. Trực giác “là một khái niệm vững chắc và là biểu hiện của một trí tuệ rõ ràng, do ánh sáng tự nhiên của lý tính sinh ra, do tính đơn giản của mình, nó còn xác thực hơn cả bản thân diễn dịch”. Trực giác là tự ý thức chân lý đang hiện lên trong lý tính.

Với tư cách là người theo chủ nghĩa duy lí và là người kế thừa, phát triển phương pháp phân tích toán học của Đêcactơ, B.Xpinoda đã gán sức mạnh cho nhận thức trực giác. Theo ông con người có 3 loại (3 mức) nhận thức: Mức nhận thức cảm tính- trừu tượng. Đây là loại nhận thức được tiến hành bằng cách tích luỹ vô số các hình ảnh đơn nhất về các sự vật và trừu tượng hoá những điểm khác nhau của chúng, việc khái quát điểm chung của các hình ảnh này cho ta khái niệm phổ biến. Với cách (mức độ) nhận thức này, các khái niệm thu được có nội dung không xác định, mỗi người có khả năng và cách khái quát riêng, vì thế đã sinh ra vô số cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề nào đó. Theo Xpinoda, tri thức trừu tượng như trên chỉ là một biến thể của tri thức kinh nghiệm. Mức nhận thức thứ hai là nhận thức suy lí-diễn dịch. Đây là phương pháp nhận thức phi cảm tính. Nhờ mức nhận thức này, tri thức thu được là các khái niệm chung, chúng phản ánh mối liên hệ tất yếu giữa chủ thể và khách thể. Các tri thức như vậy không mang tính chủ quan, có độ tin cậy cao và là tiêu chuẩn để phân biệt với trí tưởng tượng riêng của mỗi người. Mức nhận thức thứ ba là trực giác trí tuệ. Theo Xpinoda, đây là mức nhận thức

cao nhất của tư duy con người, mức nhận thức lí tính. Xpinoda cho rằng, các tri thức suy luận là những mô hình nhận thức đích thực và để cho chúng có độ tin cậy cao cần thiết phải có các luận điểm xuất phát, có các chân lí chung nhất nào đó. Những luận điểm (chân lí) này vốn đã có trong bản thân lý tính và do lý tính trực tiếp nhận thức ra, tức là trực giác lý tính. Như vậy trực giác trí tuệ là lý tính trực tiếp nhận thức bản thân mình. Trong quan niệm của Xpinoda, mức nhận thức trực giác trí tuệ gắn liền với nhận thức suy diễn và được bắt nguồn từ loại nhận thức này, đồng thời không có liên quan gì với phương pháp nhận thức cảm tính-trừu tượng. Trái ngược với các khái niệm phổ biến được hình thành nhờ nhận thức cảm tính-trừu tượng, các khái niệm chung do nhận thức trực giác và lí tính đem lại cho con người một cách trực tiếp. Do đó, chúng tạo thành nền tảng của sự suy luận.Nhờ trực giác, các tác động “gây nhiễu của cảm tính được loại bỏ, chân lí đạt tới mức xác thực, vĩnh hằng, chúng phản ánh bản chất sâu xa nhất của các sự vật.

Quan niệm về trực giác của G.Phichtơ cũng như các nhà triết học biện chứng duy tâm cổ điển Đức có hai điểm khác biệt so với các nhà triết học duy lý thế kỷ XVII như Đêcactơ và Xpinoda. Thứ nhất, G.Phíchtơ không quan niệm trực giác trí tuệ là sự phản ánh trực tiếp của lý tính, mà nhấn mạnh khía cạnh nhận thức bản thân hoạt động của tư duy lí tính. Khẩu hiệu của G.Phichtơ là “Hãy tư duy chính bản thân mình”. Nguyên tắc tuyệt đối của khoa học là “tôi hiện tồn là tôi”. Vì vậy ông cho rằng trực giác trí tuệ là trực quan về hành động của ý thức, tức là hành động tự ý thức. Theo G.Phíchtơ, trực quan về hành động của bản thân là hình thức trực quan cao nhất. Ông coi vận động của trực quan này, về nguyên tắc, giống như sự phản tư của một tia sáng. Có thể tóm tắt sơ đồ phản tư này như sau: hành vi dầu tiên của hành động nhận thức là hành động hướng tới vôhạn. Để cho hành động này xuất hiện đối với ý thức, cần phải có sự phản tư đầu tiên và cảm giác xuất hiện. Để cảm giác xuất hiện đối với cái tôi, cần có sự phản tư thứ hai và chúng ta có trực giác; sự phản tư trực giác và tưởng tượng ra cái mà nó trực giác (sự tưởng tượng tái hiện); phản tư sự tưởng tượng sẽ hiểu được cái mà nó tạo thành, tức là lý trí; phản tư lý trí tạo ra năng lực phán đoán; phản tư năng lực phán đoán và ý thức về mình là năng lực trừu tượng hoá khỏi mọi khách thể, tạo ra cái tôi thuần tuý, là cái tôi tự quy định mình. Đó là toàn cảnh bức tranh phát triển của tinh thần nhận thức thế giới của con người. Thứ hai, theo Phichtơ, trong nhận thức nói chung, trực giác trí tuệ nói riêng không có sự tách biệt giữa bản thân hành động và sản phẩm của nó. Quá trình phản tư hành động trí tuệ, một mặt, ý thức được bản thân hành động ấy, mặt khác, ý thức dược sản phẩm do nó đã tạo ra.

Trong số các trào lưu triết học Phương Tây hiện đại, vấn đề trực giác trí tuệ được H.Becxông đề cập nhiều hơn cả, về phương diện bản thể luận, Becxông quan niệm sự sống là“đà sống”. Tức là một dòng liên tục vận động và biến đổi, ở đây không có sự tách rời giữa thể xác và tinh thần.Nhận thức của con người phải phản ánh được sự vận động liên tục đó. Becxông cho rằng con người có hai loại nhận thức: nhận thức bằng tri tuệ và bằng trực giác. Đặc trưng của trí tuệ là giúp con người tạo ra công cụ. Vì vậy, phương pháp nhận thức bằng trí tuệ là phân tích sự vật và tạo dựng sự vật. Nó phản ánh sự vận

động của sự vật bằng cách chia sự vật thànhnhững “lát cắt” và tạo dựng lại nó từ những lát cắt đó. Loại nhận thức này phụ thuộc nhiều vào quan điểm, hình ảnh và biểu tượng của người nghiên cứu về sự vật. Đồng thời, để chia cắt sự vật ta phải “cố định” nó lại ở những điểm dừng nhất định... Vì vậy, chúng không phản ánh được bản chất thực sự của vận động, mà chỉ là những “tấm ảnh chụp chớp nhoáng” về sự vận động mà thôi. Theo Becxông chỉ có trực giác trí tuệ mới nhận thức được sự vận động liên tục của sự vật. Có hai loại trực giác: trực giác bản năng và trực giác trí tuệ. Trực giác bản năng là sự giao cảm trực tiếp của động vật, trong đó có con người, còn trực giác trí tuệ là sự nhận thức trực tiếp: tức thời với sự vật. Loại nhận thức này không cần đến bất kỳ phương tiện ngôn ngữ nào, không có suy luận gián tiếp của lý trí. Vì vậy nó không phụ thuộc vào ngôn ngữ, quan điểm và biểu tượng đã có. Không nhận thức sự vật từ bên ngoài, mà thâm nhập vào bên trong của nó, phản ánh sự vận động liêntục của sự vật đó. Becxông cho rằng, nhận thức trực giác trí tuệ cao hơn trí tuệ, nhưng nếu không có sự tham gia của trí tuệ thì trực giác vẫn ở dạng bản năng. Ngược lại, sự thâm nhập của trực giác vào trí tuệ đã đưa trí tuệ từ sự phân tích lên mức trực giác. Kết quả là ta có, một mặt, là khoa học và kỹ thuật cơ khí, chúng thuộc phạm vi trí tuệ thuần tuý; mặt khác, là sự hiểu biết. Cả hai hoà quyện vào nhau, tạo ra con người sáng tạo (trí tuệ) và con người thông minh (trực giác). Trí tuệ mang lại cho con người sự sáng tạo còn trực giác mang lại sự hiểu biết.

Như vậy, xuyên suốt từ Platon đến Becxông, các nhà triết học duy tâm Phương Tâyđã có nhiều cách giải thích khác nhau về trực giác trí tuệ và đề cao vai trò của nó, thậm chí coi đó là khởi nguồn của nhận thức chân lý tối cao của con người. Đối với họ, trực giác trí tuệ là sự nhận thức trực tiếp giữa trí tuệ với thực thể hoặc với chính hành động nhận thức của mình, nhận thức từ bên trong sự vật, nên nó mang lại hiệu quả và độ tin cậy cao hơn nhận thức trí tuệ thông thường. Tuy nhiên, để đi đến kết luận trên về trực giác trí tuệ các triết gia Phương tây vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp phân tích, suy luận trí tuệ. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất của nó – phương pháp nhận thức trực giác trí tuệ vẫn chưa được làm sáng tỏ. Trong khi đó, vấn đề nan giải này đã được giải quyết khá triệt để, không phải bằng trí tuệ suy luận mà bằng chính sự chứng ngộ, trong truyền thống văn hoá Phương Đông cổ đại.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 152 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)