Các cấu trúc tiền thao tác

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 51 - 52)

Cuối giai đoạn cấu trúc giác - động, các cấu trúc đã có mầm mống nội hiện các khách thể, tức là có mầm mống của biểu tượng. Về ứng xử, trẻ em đã bắt đầu có hành động biểu trưng trong trò chơi biểu trưng (miệng nhai tượng trưng cho hành vi ăn trong trò chơi, dùng ghế thay cho ngựa v.v...). Toàn bộ những sự kiện này tạo tiền đề xuất hiện cấu trúc mới: cấu trúc biểu trưng gắn liền với việc xuất hiện trí khôn suy ngẫm. Ở đây có mầm mống của tư duy tiền khái niệm. Trước khi có cấu trúc biểu trưng, các cấu trúc giác - động thực ra chỉ là dãy liên tục các cấu trúc đồng loại có tính kế tiếp nhau (kết hợp dọc), mà chưa có khả năng kết hợp ngang. G.Piagie ví trí khôn giác - động như cuộn phim quay chậm với các hình ảnh kế tiếp nhau nhưng không trộn lẫn vào nhau. Theo ông, để chuyển từ cấu trúc giác – động lên cấu trúc biểu trưng hay từ trí khôn giác - động lên trí khôn suy ngẫm cần có 3 điều kiện: trước hết, tăng nhanh tốc độ hoạt hoá các cấu trúc đã có, cho phép kết hợp chúng thành một khối đồng thời những hiểu biết; thứ hai, xuất hiện phương pháp nhận thức mới bằng cách nhận ra (tái nhận) các cấu trúc mà không cần sự có mặt của sự vật; thứ ba, xuất hiện những hành động biểu trưng và các biểu tượng. Khi trẻ em có ngôn ngữ và hình thành khả năng biểu trưng ngôn ngữ (biểu trưng với các kí hiệu, thông qua các hành động bắt chước), trẻ em có khả năng phân biệt cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong ngôn ngữ và trong hành động biểu trưng. Từ đó hình thành cấu trúc tư duy tiền khái niệm. Sự phát triển tiếp theo là nhờ các thành quả của cấu trúc tri giác phản ánh tổng thể sự vật và có khả năng đi theo các biến đổi của sự vật đó (sự thay đổi vị trí không gian của vật: thay đổi hình dạng của cục đất sét, của nước trong các lọ có hình dạng khác nhau v.v...), đã hình thành cấu trúc tư duy trực giác. So với tư duy biểu trưng và tư duy tiền khái niệm, tư duy trực giác có sự tiến bộ hơn, nó đã có tính hình thức và đã dựa vào hình ảnh

khách quan. Tuy nhiên, cũng như hai mức tư duy trên, tư duy trực giác chưa phải là tư duy thao tác.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 51 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)