Quan điểm của G.Piagie về quá trình xã hội hoá các cấu trúc trí tuệ

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 78 - 81)

c. Các bước hình thành hành động trí tuệ của trẻ

3.5.1. Quan điểm của G.Piagie về quá trình xã hội hoá các cấu trúc trí tuệ

Vấn đề xã hội hoá là nội dung thứ hai của lí thuyết phát sinh, phát triển các cấu trúc trí tuệ của G.Piagie. Xung quanh vấn đề này cần phải làm sáng tỏ hai khía cạnh. Thứ nhất: cơ chế nhập tâm, tức là giải thích quá trình chuyển hoá từ hành động bên ngoài thành thao tác bên trong. Thứ hai: con đường biến "cái xã hội" thành "cái cá nhân" trong quá trình phát sinh trí tuệ.

a) Về quá trình chuyển hoá từ hành động bên ngoài thành thao tác bên trong, G.Piagie giải thích theo nguyên tắc đồng hoá và điều ứng cấu trúc trí tuệ.

Khi khẳng định trí tuệ là sự thích ứng, G.Piagie đồng thời phê phán quan niệm thích ứng giản đơn theo cơ chế liên tưởng với sơ đồ hai thành phần S - R. Ông cho rằng, sự thích ứng, theo quan điểm đồng hoá, có sự tham gia của chủ thể Og, với sơ đồ S - Og - R. Dựa trên mô hình này, trí tuệ (hiểu biết) lúc đầu không có sẵn trong đầu đứa trẻ, cũng không có sẵn trong đối tượng khách quan, mà nằm trong mối tác động qua lại giữa chủ thể - đối tượng thông qua hành động. Trí tuệ được hình thành từ hành động và nó có bản chất thao tác.

Có thể hình dung quá trình chuyển từ hành động bên ngoài thành thao tác bên trong theo cách mô tả của G.Piagie gồm hai mức: mức: mức “thu được ý thức qua hành động” và mức "trừu tượng phản chiếu của hoạt động" (Vĩnh Bang 1996)

Để diễn tả mức thu được ý thức qua hoạt động, G.Piagie đưa ra sơ đồ chuyển từ "vùng ngoại biên P”(Périphèrie), là vùng khởi điểm của động tác, đến "vùng chính tâm C” (région centrale). Khởi đầu của quá trình này là một phản ứng tức thời (một cấu trúc hay một động tác) diễn ra trên bề mặt của khách thể, còn ở bên ngoài chủ thể và vật thể. Từ đó xuất hiện hai hướng triển khai của ý thức chủ thể. Một mặt, hướng dần vào "vùng chính tâm C” của vật thể, kết quả là chủ thể hiểu được bản chất của vật thể; mặt khác, hướng dần vào “vùng chính tâm C’" của động tác, nhờ đó chủ thể ý thức được cơ chế bên trong của động tác. Hai chiều P đi vào C (P -> C khách thể) và vào C' (P -> C' động tác) có quan hệ tương hỗ với nhau. Một bên để tìm hiểu sự vật, còn bên kia để khái niệm hoá động tác. Động tác tạo ra

3.5. VẤN ĐỀ XÃ HỘI HÓA TRÍ TUỆ TRẺ EM

một kết quả, nhận thức sự vật cho biết mức độ đúng hay sai của nó, từ đó, chủ thể điều chỉnh động tác của mình. Kết quả là trong ý thức chủ thể dần thu nhận được bản tính của vật thể- " vật tính" và cấu trúc của động tác- " hoạt tính". Vật tính và hoạt tính là hai phương diện của một quá trình đồng hoá (nhận thức) thực tại. Nó là cơ sở để diễn ra quá trình tiếp theo: quá trình suy lí (trừu tượng) để tìm ra mối quan hệ giữa các yếu tố của sự vật, của động tác và giữa sự vật với động tác

Quá trình trừu tượng phản chiếu của hoạt động được thực hiện qua 3 mức: trừu tượng thực nghiệm; trừu tượng giả thực nghiệm và trừu tượng phản chiếu.

Trừu tượng thực nghiệm (abstraction empirique) là quá trình trừu tượng dựa trên các động tác thực để gây ra các hiện tính (vật tính và hoạt tính). So sánh các hiện tính đó, liên kết chúng để tạo ra các suy lí. Sự trừu tượng này được thực hiện không phải do sự vật hay động tác tự bộc lộ ra mà là do quá trình chủ thể đồng hoá chúng. Tuy nhiên, sự trừu tượng này mới chỉ diễn ra ở bề ngoài, chưa đi vào nội dung sự vật hay động tác

Trừu tượng giả thực nghiệm (pseudoempirique) là trừu tượng không còn phải dựa trực tiếp vào những động tác trên vật thực của chủ thể, mà dựa vào các giả động tác đó. Những động tác này, một mặt vẫn phải dựa vào các vật cụ thể, nên nó vẫn mang tính chất thực nghiệm; mặt khác, những tính chất của thao tác không phải có sẵn trong sự vật, mà do hoạt động của chủ thể tạo ra, vì vậy nó có tính chất của sự trừu tượng phản chiếu, G.Piagie cho rằng loại trừu tượng này diễn ra mạnh nhất trong giai đoạn cấu trúc thao tác cụ thể.

Trừu tượng phản chiếu (abstraction reflechissante) có nghĩa là thu nhận được tình trạng, ý nghĩa của sự phối trí(coordination) trong thao tác (hình thức và nội dung). Khái niệm phản chiếu có hai nội dung bổ sung cho nhau: chuyển hoá để chiếu lên ở mức cao hơn những phần tử (những thu nhận) rút ra được từ các mức trừu tượng trước; liên kết các phần tử đã được đưa lên, hoà nhập chúng với các phần tử ở cấp ấy đã có từ trước. Do sự chuyển hoá và liên kết này dẫn đến cải tổ lại, tổ chức lại, suy xét lại toàn bộ cấu trúc các phần tử ở mức cao. Sự cải tổ này đã tạo ra "trừu tượng suy lí”. Động tác đã trở thành thao tác.

Theo G.Piagie sự phản chiếu có thể được thực hiện ngay ở mức chưa có trừu tượng: phản chiếu hành động (tức là có sự liên hệ giữa các động tác đang diễn ra và sẽ diễn ra). Ở mức cao hơn diễn ra do sự trừu tượng hoá những hành động đã được thực hiện (trẻ diễn tả hoặc thực hiện lại được hành động). Diễn tả lại hay kể lại hành động là nhớ lại, nghĩ lại từ đầu, tìm liên kết các hành động theo một hướng của động tác; trừu tượng gợi ra được sự thu hợp lại các động tác; phản chiếu là thu nhận lại các động tác đó để ý thức động tác sẽ thực hiện. Ở mức cao hơn, sự phản chiếu diễn ra trên cơ sở so sánh các động tác để suy ra sự giống và khác nhau giữa chúng; suy ra ý nghĩa của động tác. Khi động tác cấu trúc thành thao tác, sự phản chiếu đã thu hút ý nghĩa, tìm mối tương liên, đã chuyển vận ý nghĩa của động tác để suy lí. Thao tác đã trở thành phương tiện của tư duy.

G.Piagie cho rằng sự phản chiếu không chỉ diễn ra đối với động tác mà cả đối với vật. Vì vậy khi chủ thể có được cấu trúc thao tác thì đồng thời có cấu trúc hiểu biết sự vật. Ông cho rằng, tuỳ vật thể cần nhận thức đơn giản hay phức tạp, và tuỳ mức tư duy, trẻ phải dựa nhiều hay ít vào các thao tác trên vật thực. Tuy nhiên. về nguyên tắc nhất thiết phải tạo cho trẻ điều kiện thuận lợi để hoạt động thực, nhất là ở giai đoạn thao tác cụ thể, vì trẻ cần tạo ra những hiện tính để nhận thức.

b) Trong cách giải thích của G.Piagie về xã hội hoá trí tuệ trẻ em, tức là giải thích vấn đề "cái xã hội" trở thành cái cá nhân" như thế nào, có một số điểm nổi bật. Thứ nhất: Ngay từ lúc mới sinh, đứa trẻ đã được sống trong môi trường xã hội. Môi trường này tác động đến sự phát triển trí tuệ trẻ em giống như tác động của môi trường vật lí, thậm chí về phương diện nào đó, nó còn mạnh hơn. Sự tác động của đời sống xã hội lên trí tuệ trẻ em thông qua khâu trung gian ngôn ngữ (các kí hiệu); nội dung các trao đổi (các giá trị tinh thần); những quy tắc áp đặt cho tư duy trẻ em (chuẩn mực xã hội trong lôgic tư duy và trong tiền lôgic). Thứ hai: trong suốt quá trình xã hội hoá, trẻ em (cũng như tư duy của nó) là đối tượng của những áp lực xã hội. Đời sống xã hội được xem là thế lực bên ngoài tác động đến sự hình thành và phát triển trí tuệ trẻ em. Tuy nhiên, sự tác động này rất phức tạp và không như nhau trong các quá trình phát triển của trẻ. Ngược lại, tính chất và hiệu quả của số tác động tuỳ thuộc vào từng giai đoạn phát triển các cấu trúc và vào tính chất tiếp nhận của trẻ em trong giai đoạn đó.

Trong thời kì cảm giác - vận động, đối với đứa trẻ, môi trường xã hội không khác biệt nhiều so với môi trường vật lí. Theo G.Piagie, những kí hiệu của người lớn chỉ có tính chất là những chỉ dẫn hay những dấu hiệu của vật. Người khác đối với đứa trẻ hài nhi cũng giống như các bức tranh thực tế. Nó chỉ khác ở tính chất sinh động, bất ngờ và là nguồn gốc của những cảm xúc mạnh mẽ. Trẻ hài nhi tác động lên người khác cũng giống như lên các đồ vật. Ở đó chưa có sự trao đổi ý nghĩ, vì trẻ chưa có tư duy. Nói chung, môi trường xã hội chưa phải là tác nhân mạnh, làm biến đổi sâu sắc cấu trúc trí tuệ trẻ tuổi sơ sinh.

Trong thời kì tượng trưng và trực giác, nhờ nắm được ngôn ngữ, nên quan hệ giữa trẻ với môi trường đã được phong phú hơn nhiều và đã làm thay đổi cấu trúc trí tuệ của trẻ. Theo G.Piagie, trong mối quan hệ này có ba sự kiện cần lưu ý. Thứ nhất: hệ thống kí hiệu ngôn ngữ xã hội không tạo nên chức năng tượng trưng của trẻ em. Nhưng, nhờ hệ thống kí hiệu này trẻ em có phương tiện để biểu đạt ý tưởng (bằng sự bắt chước, vẽ hình và xây dựng). Như vậy, trong hoạt động tượng trưng, đứa trẻ ở trong tình huống trung gian giữa việc sử dụng kí hiệu của xã hội và các tượng trưng của cá nhân, cả hai đều cần thiết, nhưng cái thứ hai cần hơn đối với đứa trẻ. Thứ hai: hệ thống ngôn ngữ xã hội chứa đựng vô tận các khuôn mẫu thao tác trí tuệ do thế hệ trước tạo ra, nhưng đứa trẻ chỉ "mượn" trong đó những gì hợp với nó và cái đó được nó đồng hoá theo theo cách riêng của mình. Thứ ba: trong quan hệ thực với người xung quanh, đứa trẻ có nhiều cơ hội được dẫn dắt đến trí tuệ xã hội. Tuy nhiên, do đặc điểm đặc trưng của giai đoạn lứa tuổi này là tính duy kỉ và sự tập trung của trí tuệ trực giác, nên đứa trẻ vẫn nhìn nhận các quan hệ đó bằng con mắt duy kỉ và tập trung của mình. Thành ra, đã làm biến dạng các tác

động, các áp lực của trí tuệ bên ngoài. Vì vậy, xét trên đại thể, trẻ em thời kì trí tuệ trực giác chưa phải là đối tượng của sự xã hội hoá trí tuệ, với tư cách là làm biến đổi sâu sắc cơ chế của nó.

Ở trình độ cấu trúc thao tác, sự hợp tác giữa trẻ em với người khác thông qua sự tương tác, trao đổi, tranh luận v.v... là điểm xuất phát để trẻ có được các thao tác phù hợp với lôgic xã hội (kể cả mặt lôgic của thao tác và mặt đạo đức của nó). Quan hệ giữa môi trường xã hội với cá nhân trong giai đoạn này có tính hai mặt. Do nhu cầu nội tại của sự cân bằng giữa cá thể với môi trường, nên các thao tác được kiến tạo theo cách riêng của mỗi cá nhân (thao tác cá nhân). Mặt khác, mọi thao tác cá nhân không thể có và tồn tại được ngoài khuôn mẫu chung của xã hội. Vì vậy, hoạt động thao tác bên trong và sự hợp tác bên ngoài chỉ là hai mặt bổ sung nhau của cùng một tập hợp duy nhất. Hơn nữa, hiệu quả tác động của hai mặt này chỉ đạt tới tối ưu khi tác động của mặt này lên mặt kia và ngược lại, không làm hạn chế hoặc thui chột mặt đối lập, mà tạo điều kiện để nó phát triển. G.Piagie ví sự hợp tác giữa thao tác của đứa trẻ trong giai đoạn này với thao tác trí tuệ xã hội như một trận đánh cờ mênh mông và bất tận, sao cho mỗi hành động được thực hiện ở một thời điểm nào đó sẽ kéo theo một loạt hành động tương đương của đứa trẻ hoặc xã hội. Kết quả là tạo ra sự cân bằng trí tuệ cá nhân với xã hội, trong đó trí tuệ xã hội không còn áp dặt, làm biến dạng trí tuệ cá nhân, mà tạo điều kiện phát triển nó. Đồng thời, trí tuệ tự do của cá nhân cũng không làm biến dạng trí tuệ của người khác. Hình thức cân bằng này là kết quả của quá trình tương tác giữa cá nhân và xã hội.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)