Quan hệ giữa chủ thể với môi trường xã hội của sự phát triển

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 95 - 98)

c. Các bước hình thành hành động trí tuệ của trẻ

4.3.2. Quan hệ giữa chủ thể với môi trường xã hội của sự phát triển

Vấn đề môi trường xã hội đối với sự phát triển trí tuệ cá nhân phải được xét khác với các yếu tố sinh học. Sự thật ở đây là gì? Trước hết, môi trường xã hội không đơn thuần là yếu tố tác động làm cho sự phát triển trí tuệ của cá nhân diễn ra nhanh hay chậm, tốt hay xấu, mà là nguồn gốc và nội dung của trí tuệ xét cả về phương diện loài và cá nhân.

Về phương diện phát triển trí tuệ của loài người, đã có nhiều công trình nghiên cứu mối quan hệ hữu cơ giữa sự phát triển tư duy, trí tuệ của con người qua các nền văn hoá. Có hai xu hướng tiếp cận vấn đề này: thứ nhất: nghiên cứu sự tiến hoá trí tuệ của các cộng đồng người trong mối tương quan với sự tiến hoá về văn hoá của cộng đồng đó; thứ hai: nghiên cứu các phương thức hành động trí tuệ của các thành viên trong các nền văn hoá khác nhau.

Theo hướng thứ nhất, nhiều công trình nghiên cứu đã xác lập sự tiến hoá về văn hoá của cộng đồng quy định sự tiến hoá trí tuệ của các thành viên trong cộng đồng đó. Nói cách khác, trình độ văn hoá của cộng đồng qua các giai đoạn phát triển là yếu tố quy định trình độ trí tuệ của các thành viên. Tựu trung lại, nếu phân tích lịch sử phát triển tư duy của loài người, ta có thể xác lập mô hình phổ quát: tư duy thần thoại -> suy luận biện chứng sơ khai (dựa trên các quan sát tổng thể thế giới) -> tư duy siêu hình (phân tách chi tiết cấu tạo vật thể) -> tư duy biện chứng (xác lập các nguyên lí và các quy luật vận động và phát triển của thế giới, tái tạo lại sự hình thành và phát triển của các dạng vật chất trên cơ sở xác lập được nguyên tắc cấu trúc và sinh thành của nó). Về phương diện tri thức, khái niệm khoa học, loài người đã tiến từ biểu tượng về thế giới -> khái niệm biện chứng trừu tượng -> khái niệm phân loại cụ thể siêu hình về các dạng vật chất của thế giới -> khái niệm biện chứng cụ thể về cấu trúc, sự hình thành và phát triển của các dạng vật chất trong mối quan hệ tác động qua lại với nhau -> tái tạo lại các dạng vật chất của thế giới, trên cơ sở xác lập được nguyên tắc sinh thành và phát triển của nó. Hiện tại, tư duy của loài người đang trong thời kì hình thành và phát triển tư duy biện chứng cụ thể từ tư duy siêu hình trước đó.

Theo hướng thứ hai, các công trình nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều điều lý thú. Chẳng hạn từ những nghiên cứu của C.Jung, G.Mead và M.Weber có thể cho nhận định là phương thức hành động trí tuệ của các thành viên sống trong một cộng đồng phù hợp với đặc trưng văn hoá của cộng đồng đó.

Về phương diện cá nhân, trong các công trình nghiên cứu của L.X.Vưgôtxki và cộng sự cũng như của nhiều nhà tâm lí học phương Tây khác đã chỉ rõ nội dung xã hội của tư duy cá nhân. Hiển nhiên là cái gì mà đứa trẻ cần có trong hiện tại và tương lai cuộc sống tâm lý của mình, thì chưa có và không bao giờ có sẵn ở bên trong các cơ chế sinh học của nó. Ngược lại, những cái đó đã có ở bên ngoài nó, trong nền văn hoá - xã hội, tức là trong môi trường xã hội. Về đại thể, môi trường xã hội không phải là điều kiện (như trong sự phát triển của động vật) mà là nguồn gốc của sự phát triển. Ai cũng biết rằng các cá nhân trong các giai đoạn xã hội khác nhau, các dân tộc khác nhau, các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau sẽ có phương thức hoạt động trí tuệ phù hợp với nền văn hoá của dân tộc đó. Tuy nhiên, nói như vậy chưa thực sự chính xác. Bằng quan sát kinh nghiệm, người ta cũng dễ nhận thấy hai đứa trẻ trong một gia đình, các học sinh trong cùng lớp, trẻ em cùng khu dân cư nghĩa là cùng một môi trường xã hội, nhưng chúng có loại hình và mức độ trí tuệ khác nhau, cả về bản chất và chiều hướng phát triển. Ở đây, cần tránh quan niệm về vai trò của môi trường xã hội là cái có sẵn, một thế lực xa lạ, có sức mạnh cưỡng bức và xâm nhập vào đứa trẻ, biến trí tuệ của nó từ trí tuệ có tính chất cá nhân thành trí tuệ xã hội. Thực ra, cái xã hội đó hoàn toàn không có trước con người, đối ngược với con người và bất biến. Nó chính là sản phẩm hoạt động của con người, biến đổi và phát triển cùng với sự biến đổi và phát triển của con người.

Môi trường xã hội vừa quy định nội dung và phương thức phát triển trí tuệ cá nhân vừa là sản phẩm của nó. Chữ "vừa" ở đây không có nghĩa là sau này là cái kia, mà là do cái này có cái kia, cái này quy định cái kia và ngược lại. Vì vậy, về cả phương diện phát triển tâm lí của loài người lẫn phương diện phát triển trí tuệ cá nhân, luận điểm của Các Mác: "con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức ấy,” phải được coi là định lý của sự phát triển. Do đó, môi trường xã hội là nguồn gốc của sự phát triển trí tuệ trẻ em, nhưng còn ở dạng tiềm năng. Nó trở thành nguồn gốc hiện thực khi và chỉ khi diễn ra quan hệ sinh thành lẫn nhau giữa nó với hoạt động của chủ thể. Nó chính là tình huống xã hội của sự phát triển theo cách hiểu của L.X.Vưgôtxki, tức là tình huống trong đó có sự tác động qua lại giữa đứa trẻ với môi trường xã hội (thế giới đồ vật và quan hệ với người lớn) bao quanh nó trong mỗi giai đoạn phát triển, hoặc là chính môi trường cỏn con "của riêng mỗi đứa trẻ, được tạo ra bằng cách thông qua hoạt động của mình, đứa trẻ "rút tỉa" từ môi trường xã hội chung những cái phù hợp với nhu cầu phát triển bản thân mình, theo cách nói của Đ.B.Elcônhin. Đó cũng chính là "trường tâm lí", theo cách hiểu của K.Lêvin. Nói ngắn gọn, trong môi trường xã hội chung, mỗi đứa trẻ có môi trường phát triển riêng của mình, tuỳ thuộc vào việc triển khai hoạt động của trẻ trong môi trường đó. Môi trường riêng này mới thực sự là nguồn gốc và nội dung của sự phát triển trí tuệ cá nhân.

TÂM LÝ HỌC TRÍ TUỆ à Chương 4: CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CÁ NHÂN

Trên kia chúng ta đã xét yếu tố chủ thể trong mối quan hệ với yếu tố sinh học và môi trường xã hội tạo nên sự phát triển trí tuệ cá nhân, thông qua hoạt động của nó. Dĩ nhiên,khi đề cập tới yếu tố chủ thể đã hàm ý nhiều lĩnh vực của nhân cách cá nhân: xu hướng, hứng thú, nhu cầu, sự say mê, ý chí, nghị lực và cả những đặc trưng khí chất cá nhân v.v. Những năm gần đây, trong số các yếu tố của chủ thể có ảnh hưởng trực tiếp tới trí tuệ, vấn đề cảm xúc được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn cả.

Theo quan niệm thông thường và trong dân gian, cảm xúc ảnh hưởng tiêu cực, làm giảm hiệu suất hoạt động của trí tuệ cá nhân. Hiển nhiên cách hiểu như vậy là không đầy đủ. Trên thực tế vấn dễ quan hệ giữa cảm xúc và trí tuệ không đơn giản. Cảm xúc không chỉ ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến trí tuệ, bằng cách trực tiếp tác động tới quá trình hành động trí tuệ của chủ thể. Ngược lại, sự tham gia trực tiếp của các yếu tố trí tuệ vào việc nhận thức và kiểm soát các quá trình xúc cảm của chủ thể và của người khác trong hoạt động và giao tiếp đã dẫn đến một loại trí tuệ: "trí tuệ cảm xúc". Nói cách khác, cảm xúc và trí tuệ là hai mặt của một hành động cá nhân. Vì vậy, khi đề cập tới quan hệ giữa cảm xúc với trí tuệ cần tách ra hai khía cạnh: ảnh hưởng của cảm xúc tới sự hình thành, phát triển trí tuệ; trí tuệ cảm xúc và vai trò của nó trong hoạt động cá nhân. Tất nhiên, sự tách biệt này chỉ có tính tương đối.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 95 - 98)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)