Cấu trúc trí tuệ theo L.X.Vưgôtxki.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 35 - 40)

2.4. MỘT SỐ MÔ HÌNH CẤU TRÚC TRÍ TUỆ THEO PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCHĐƠN VỊ ĐƠN VỊ

Như chúng ta đã biết, quan điểm của L.X.Vưgôtxki là nghiên cứu tâm lí, ý thức người nói chung, trí tuệ nói riêng phải bắt đầu từ phân tích phạm trù hoạt động thực tiễn của con người. Quá trình nghiên cứu được xuất phát từ hai giả thuyết: về tính chất gián tiếp của các chức năng tâm lí người thông qua công cụ kí hiệu và giả thuyết về nguồn gốc của các chức năng tâm lí cấp cao bên trong từ hoạt động vốn lúc đầu ở bên ngoài.Từ hai giả thuyết trên, sử dụng phương pháp phân tích đơn vị và phương pháp công cụ vào việc tìm hiểu cấu trúc trí tuệ người, L.X.Vưgôtxki đã tách ra hai mức trí tuệ với hai cấu trúc khác nhau: trí tuệ bậc thấp và trí tuệ bậc cao

Trí tuệ bậc thấp. Phân tích hành vi "thông minh" của các loài vật ta thấp dù ở mức phản ánh trực tiếp với hình ảnh tri giác (của con gà) hay tới mức có tính gián tiếp phương tiện - mục đích (của con khỉ), chúng vẫn có những điểm cơ bản giống nhau: (1) Là những phản ứng trực tiếp, cụ thể, tức thời, diễn ra trong trường tri giác của con vật. Khi các sự vật đó không có trước mặt chúng thì phản ứng sẽ không xảy ra. (2) Trong mọi trường hợp, các hành vi có tính chất trí tuệ đó đều không có sự tham gia của ngôn ngữ, của các kí hiệu. Loài vật (trong điều kiện tự nhiên) không phản ứng với các kích thích là kí hiệu và không sử dụng các kí hiệu làm phương tiện trung gian giữa có với đối tượng. Theo V. Kolơ (1921), do thiếu phương tiện trợ giúp quý báu là ngôn ngữ và sự hạn chế có tính nguyên tắc của nguyên liệu có tính chất trí tuệ là các kí hiệu, là nguyên nhân cơ bản làm cho khỉ không thể có bất kì mầm mống phát triển có tính chất văn hoá nào. L.X.Vưgôtxki cho rằng hành vi trí tuệ là các phản ứng trực tiếp và không có sự tham gia của kí hiệu ngôn ngữ là hành vi trí tuệ bậc thấp. Loại hành vi này có cả ở động vật và ở trẻ em.

Như vậy, hành vi trí tuệ bậc thấp có cấu trúc hai thành phần: thứ nhất, các kích thích của môi trường (các bài toán tư duy của chuột, chim bồ câu, khỉ trong các thí nghiệm của Tooođai, Skinnơ, Kơlơ). Thứ hai, các phản ứng của cơ thể. Những phản ứng này rất đa dạng (có thể là các phản ứng mò mẫm, thử - sai, đến "suy nghĩ-bừng hiểu... của con vật). Cấu trúc của loại trí tuệ này phù hợp sơ đồ S - R mà ta thường gặp trong các công trình nghiên cứu của tâm lí học liên tưởng và tâm lí học hành vi.

Cấu trúc trí tuệ bậc cao. Theo L.X.Vưgôtxki, sự khác biệt giữa hành vi trí tuệ của con người và con vật (hành vi trí tuệ bậc thấp và bậc cao) không phải là ở mức độ phức tạp của các hành vi đó, mà là khác về chất. Có hai dấu hiệu cơ bản phân biệt trí tuệ bậc cao với bậc thấp: sự xuất hiện và tham gia của ngôn ngữ; vai trò của các công cụ tâm lí trong các thao tác trí tuệ.

Dấu hiệu đầu tiên là sự xuất hiện và tham gia của ngôn ngữ vào hành vi trí tuệ. Ở đây có hai vấn đề cần giải quyết: sự phát sinh, quá trình phát triển và thâm nhập của ngôn ngữ vào quá trình phát sinh, phát triển của trí tuệ; vai trò của ngôn ngữ trong hoạt động trí tuệ cá nhân.Vấn đề thứ nhất sẽ được phân tích sau. Mối quan tâm hiện thời của chúng ta là khía cạnh thứ hai.

Như đã biết, trong các công trình của các nhà tâm lí học theo hướng tiếp cận hành vi, Ghestan và tiếp cận phát sinh trí tuệ, động vật bậc cao đã có những mầm mống của hành vi kí hiệu, nhưng những

hành vi này chỉ liên quan tới lĩnh vực cảm xúc của con vật, liên quan tới các phản ứng cảm xúc của chúng. Hành vi trí tuệ của động vật và của trẻ em được phát sinh, phát triển và vận hành độc lập với hành vi kí hiệu đó

L.X. Vưgôtxki có quan điểm khác với các nhà nghiên cứu trên. Ông cho rằng, nếu ở động vật cấp cao hành vi trí tuệ thực hành và hành vi kí hiệu độc lập với nhau, thì ở con người chúng hợp thành hệ thống hoàn chỉnh. Sự hợp nhất này là đặc trưng của hành vi trí tuệ người.

Theo Vưgôtxki, trẻ em ở giai đoạn tiền ngôn ngữ, thao tác công cụ trong hành vi trí tuệ của nó hoàn toàn giống của khỉ. Nhưng khi ngôn ngữ xuất hiện và các kí hiệu tượng trưng được đưa vào sử dụng thì thao tác với công cụ được đổi mới hoàn toàn; khắc phục được các quy luật tự nhiên, sẵn có trong thao tác công cụ và lần đầu tiên tạo ra hình thức sử dụng công cụ đặc trưng cho loài người. Trong hành vi trí tuệ ngôn ngữ, trẻ em làm chủ tình huống, làm chủ hành vi bản thân; xuất hiện hình thức tổ chức hành vi hoàn toàn mới, cũng như các quan hệ mới với môi trường

Trong hành vi trí tuệ ngôn ngữ, ngôn ngữ có hai chức năng quan trọng: lập kế hoạch và tổ chức hành vi. Nhờ các chức năng này, ngôn ngữ đã tạo ra sự cải tổ hành vi trí tuệ trước đó của trẻ. LX.Vưgôtxki cho rằng có hai cải tổ quan trọng. Thứ nhất, ngôn ngữ tham gia vào hành vi trí tuệ, làm cho các hành vi này giảm tính trực tiếp và ngẫu nhiên như của động vật. Khi đã làm chủ được ngôn ngữ, hoạt động của trẻ em, được chia thành hai phần kế tiếp nhau: phần đầu hành động được giải quyết ở bình diện ngôn ngữ, còn phần thứ hai được thực hiện bằng vận động: lời giải đã được chuẩn bị. Thao tác trực tiếp được thay thế bằng quá trình tâm lí phức tạp. Trong đó ngôn ngữ đóng vai trò trung gian. Thứ hai, nhờ ngôn ngữ, hành vi của trẻ được đưa vào các lĩnh vực đối tượng hoạt động. Đây chính là sự cải tổ có tính chất quyết định. Khi tham gia vào hành vi trí tuệ, từ ngữ, một mặt, được hướng vào các đối tượng khách quan, ở bên ngoài, mặt khác được hướng vào hành vi và động cơ của chủ thể. Thông qua ngôn ngữ, trẻ em quan hệ với bản thân như là đối tượng khách quan và làm chủ nó, thông qua việc tổ chức ban đầu và lập kế hoạch hành động. Những đối tượng nằm ngoài tầm vực hành vi thực tiễn trước đây, bây giờ trở thành dễ tiếp cận đối với hành vi trí tuệ ngôn ngữ. Nhờ chức năng tổ chức và lập kế hoạch của ngôn ngữ, hướng vào hành vi của cá nhân, nên từ đối tượng của hành vi đã tạo ra hai dãy khích thích: dãy thứ nhất từ đối tượng đến hành vi, dãy thứ hai thông qua các hành vi ngôn ngữ. Chính dãy thứ hai này đã nâng hành vi của trẻ lên trình độ mới. Nó có tính chủ động trước các kích thích của đối tượng, mọi nỗ lực ngẫu hứng và thao tác lộn xộn của chủ thể được cải tổ thành hành vi có kế hoạch, có tổ chức

Như vậy, sự tham gia của ngôn ngữ đã làm xuất hiện công cụ (phương tiện) tâm lí (công cụ kí hiệu) trong hành vi trí tuệ ngôn ngữ.

Phương tiện tâm lí và vai trò của nó đối với hành vi trí tuệ cá nhân được mô phỏng theo công cụ, vai trò và chức năng của công cụ kĩ thuật trong hoạt động thực tiễn, vật chất của con người. Theo

C.Mác (1994), một hoạt động trừu tượng có 3 thành phần quan hệ chuyển hoá lẫn nhau: Sự lao động của chủ thể, đối tượng lao động và công cụ lao động. Trong đó công cụ lao động đóng vai trò trung gian giữa chủ thể với đối tượng. Nó có chức năng khơi dậy, dẫn truyền và tăng cường sức mạnh của chủ thể đến đối tượng.

Vận dụng vào trong tâm lí học, L.X.Vưgôtxki cho rằng công cụ tâm lí là các cấu thành nhân tạo (các thích ứng nhân tạo) có bản chất xã hội. Chúng được hướng vào làm chủ các quá trình của người khác hay của bản thân. Về hình thức, chúng rất đa dạng, có thể là ngôn ngữ, sơ đồ, thủ thuật ghi nhớ, kí hiệu đại số.v.v, nói chung là mọi quy ước có thể có… Cũng giống công cụ kĩ thuật, công cụ tâm lí do con người tạo ra trong đời sống của mình và đều là các thành phần của nền văn hoá xã hội. Cả hai loại công cụ này đều đóng vai trò trung gian giữa chủ thể với đối tượng để qua đó tạo ra sự biến đổi. Sự khác nhau cơ bản giữa công cụ kĩ thuật với công cụ tâm lí là hướng tác động của chúng. Công cụ hướng vào đối tượng bên ngoài và làm biến đổi nó. Ngược lại, công cụ tâm lí không làm thay đổi đối tượng. Nó là phương tiện tác động tâm lí, hành vi của bản thân, làm thay đổi diễn biến và cấu trúc của các chức năng tâm lí, bằng các tính chất của mình, quy định cấu trúc của hành vi có tính chất của công cụ mới. Theo L.X.Vưgôtxki, việc đưa công cụ vào quá trình hành vi trí tuệ, một mặt gây ra hoạt động của một loạt chức năng mới có liên quan tới việc sử dụng công cụ và việc điều khiển chúng. Mặt khác, loại bỏ và làm cho hàng loạt quá trình tự nhiên trở thành không cần thiết, do công việc của chúng được thay thế bằng công cụ; làm biến dạng tiến trình và thời điểm riêng biệt (như cường độ, trường độ, trật tự) của tất cả các phần tử tham gia vào thành phần hành động có tính chất công cụ của các quá trình tâm lí; thay thế các chức năng này bằng các chức năng khác, tức là tái tạo, sắp xếp lại toàn bộ cấu trúc của hành vi, giống hệt như công cụ kĩ thuật tái tạo lại toàn bộ cấu trúc các thao tác lao động. Các quá trình trí tuệ, nếu lấy tổng thể, tạo ra một thể thống nhất, phức tạp, mang tính chất cấu trúc và tính chất chức năng, hướng về giải quyết nhiệm vụ mà đối tượng đã đặt ra

Như vậy, việc đưa công cụ kí hiệu vào hành động trí tuệ thực hành đã dẫn đến sự cải tổ về cấu trúc tâm lí của nó.

Trong trí tuệ cấp thấp, mang tính chất tự nhiên, tồn tại quan hệ trực tiếp giữa kích thích của đối tượng (A) với phản ứng của cá thể (B), tạo nên cấu trúc hai thành phần: kích thích - phản ứng (sơ đồ S - R). như ta đã thấy. Trong các chức năng tâm lí cấp cao, mang tính chất văn hoá, tồn tại quan hệ gián tiếp giữa kích thích đối tượng (A) với phản ứng (B) thông qua kích tích phương tiện (X), tạo nên cấu trúc 3 thành phần: A <-> X và X <-> B.

Nhân đây, cũng cần nhấn mạnh tính chất độc đáo trong quan niệm của L.X.Vưgôtxki là ở chỗ, chỉ có cấu trúc 3 thành phần, không thể chia cắt được như trên, mới là đơn vị tâm lí tối thiểu, vẫn giữ được trong mình các thuộc tính cơ bản của trí tuệ cấp cao

của con người.

Việc phát hiện ra công cụ tâm lí trong hoạt động trí tuệ cá nhân, và cấu trúc 3 thành phần của nó, có ý nghĩa lí luận và thực tiễn to lớn, khắc phục rất nhiều khiếm khuyết trong nghiên cứu trí tuệ trước kia và hiện nay. Một mặt, giúp nhà nghiên cứu thấy được mối liên hệ thực, cụ thể, lịch sử giữa trí tuệ cá nhân với đời sống xã hội, thông qua việc tìm hiểu tính chất và nội dung xã hội của các công cụ tâm lí. Nhờ đó đã mở ra hướng nghiên cứu khách quan nội dung văn hoá - xã hội của trí tuệ, nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường này tới phương thức phát triển, diễn biến và biểu hiện của trí tuệ của các thành viên sống trong xã hội đó. Nhiều công trình nghiên cứu về trí tuệ sau này đã chứng minh, trẻ em trong các dân tộc khác nhau, trong các nền văn hoá khác nhau thường có các kiểu tư duy khác nhau. Mặt khác, qua việc nghiên cứu loại công cụ kí hiệu và cách cá nhân sử dụng nó, cho phép xác định được cấu trúc và trình độ trí tuệ của cá nhân đó trong mỗi giai đoạn phát triển nhất định. Sự thật là trẻ em có trình độ tư duy, trí tuệ khác nhau, được biểu hiện khá rõ qua việc chúng sử dụng các phương tiện kí hiệu (khái niệm khoa học hay khái niệm kinh nghiệm) vào trong quá trình tư duy. Từ đó cho thấy một trong những con đường quan trọng nhất để hình thành và phát triển trí tuệ cho trẻ em là thông qua việc giúp đỡ các em học cách sử dụng các phương tiện tâm lí vào trong hoạt động trí tuệ của mình.

Như vậy, bằng phương pháp phân tích đơn vị và phương pháp công cụ, L.X.Vưgôtxki đã tách trí tuệ trẻ em ra thành hai mức với hai cấu trúc đặc trưng. Theo Vưgôtxki, mặc dù hai mức trí tuệ này khác nhau về chất, nhưng chúng không hoàn toàn tách rời nhau. Trí tuệ bậc cao là sự cấu trúc lại các hành vi trí tuệ bậc thấp trên cơ sở sử dụng phương tiện tâm lí. Về mối quan hệ và sự hình thành hai mức trí tuệ này, chúng ta sẽ đề cập sâu hơn ở các phần sau.

2.4.3. Mô hình nhiều dạng trí tuệ của H.Gardner

H.Gardner là nhà tâm lí học đương đại Mỹ. Nhưng ông không giống với nhiều nhà tâm lí học phương tây khác, đề cao vai trò của các trắc nghiệm và cố gắng sử dụng phương pháp phân tích nhân tố để xác định các phần tử trong cấu trúc trí tuệ, qua đó phục vụ tốt hơn cho việc đo đạc nó. Trong công trình nghiên cứu của mình, H.Gardner không quá nhiệt tình với các Test và phương pháp phân tích nhân tố. Ông đã sử dụng cách tiếp cận phân tích theo đơn vị và cố gắng nhìn trí tuệ với con mắt bao quát nhất. Trong quá trình xây dựng mô hình trí tuệ theo quan điểm của mình, H.Gardner đã phân tích nhiều lí thuyết lớn hiện có về trí tuệ: các học thuyết nội quan của W.Wundl ở Đức, của W.James ở Mỹ, thuyết kiến tạo của G.Piagê, các lý thuyết nhận thức - thông tin, thuyết liên tưởng, các quan điểm sinh học.v.v. Đồng thời quá trình phân tích, mô tả và tác động, hình thành trí tuệ cá nhân luôn được ông đặt trong các bối cảnh xã hội, giáo dục xác định.

Lí thuyết về nhiều dạng trí khôn được H.Gardner công bố năm 1983 và là một lí thuyết khá toàn diện. Ông đã đưa ra nhiều loại hình trí tuệ có trong mỗi cá nhân, mỗi loại đó được ông phân tích khá chi tiết. Vì vậy các kết quả nghiên cứu của ông, đặc biệt là lí thuyết về nhiều dạng trí tuệ do ông xây

dựng, chứa đựng rất nhiều gợi ý quý báu cho các nhà nghiên cứu, nhà sư phạm, các bậc phụ huynh và cho tất cả những ai quan tâm tới vấn đề phát triển trí khôn của trẻ em.

Nếu không đi sâu phân tích những cơ sở lí luận, có thể tóm tắt nội dung chủ yếu của mô hình nhiều dạng trí khôn trong các điểm sau

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 35 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)