Bản trắc nghiệm

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 115 - 117)

c. Các bước hình thành hành động trí tuệ của trẻ

5.1.2.1. Bản trắc nghiệm

Một bản trắc nghiệm, dù là loại ngôn ngữ, phi ngôn ngữ hay trắc nghiệm hành động với nhiều vật liệu, cũng đều bao hàm hai yếu tố: nội dung tâm lí của trắc nghiệm và các hình thức thể hiện (các nghiệm pháp) nội dung đó.

Nội dung tâm lí của trắc nghiệm trí tuệ chính là các yếu tố của trí tuệ mà nhà soạn thảo Test muốn làm bộc lộ và lượng hoá chúng, thông qua các nghiệm pháp. Nói cách khác các nghiệm pháp của trắc nghiệm hàm chứa cái mà nhà nghiên cứu cần đo lường trong trí tuệ cá nhân. Ở đây có hai khía cạnh liên quan với nhau. Thứ nhất, khi soạn thảo nội dung các nghiệm pháp, nhà nghiên cứu phải dựa trên một quan điểm lý luận nhất định về trí tuệ và phải đưa ra được khái niệm về cái định đo, phải tường minh khái niệm đó thành các định nghĩa làm việc (Điều này giải thích vì sao các nhà làm trắc nghiệm đều theo quan điểm cấu trúc và đều sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khi phân tích cấu trúc của trí tuệ). Trắc nghiệm chỉ là sự cụ thể hoá khái niệm của nhà nghiên cứu, nhà tâm lí học quan niệm trí tuệ như thế nào thì cụ thể hoá nó trong các nghiệm pháp để đo lường. Vì vậy nếu kết quả đo lường của một trắc nghiệm không phản ánh khách quan trí tuệ cá nhân, tức là trắc nghiệm đã sai hoặc không phù hợp, thì trước hết là do khái niệm làm cơ sở cho việc xây dựng trắc nghiệm sai hoặc do lỗi của kỹ thuật chuyển hoá từ các định nghĩa làm việc sang các nghiệm pháp đo lường. Thứ hai: một trắc nghiệm đã được chuẩn hoá, tức là quan điểm lí luận và khái niệm cơ sở để xây dựng trắc nghiệm đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn. Vì vậy, khi sử dụng trắc nghiệm này làm công cụ đo lường trí tuệ, nhà nghiên cứu phải thống nhất hoặc thấu hiểu cơ sở lí luận của trắc nghiệm đó. Tức là phải nắm được nguồn gốc lí luận của nó. Điều này nhất thiết không được xem thường. Một trắc nghiệm không phải là công cụ vạn

năng, nó chỉ là sự cụ thể hoá quan niệm của nhà nghiên cứu về phương diện nhất định của trí tuệ cá nhân. Vì vậy, nó chỉ có giá trị trong phạm vi đó. Ngoài ra sẽ sai lầm, nếu dùng kết quả của nó để suy diễn về phương diện khác.

Hình thức thể hiện của trắc nghiệm là hệ thống bài tập (item) được cấu trúc theo các chủ đề cần nghiên cứu. Những bài tập này được thể hiện dưới một trong 3 hình thức: ngôn ngữ, hình ảnh phi ngôn ngữ và hành động.

Hình thức ngôn ngữ là dạng thể hiện phổ biến của các bài tập trắc nghiệm, nhất là các trắc nghiệm dành cho lứa tuổi học sinh và người lớn. Chẳng hạn, trong các trắc nghiệm của P.Becnedetto (1969), của Wiliam Bernard(1990), của R.Amthauer và trong nhiều trắc nghiệm khác có những bài tập dạng:

- Từ nào không phù hợp trong nhóm từ sau: Kiến trúc sư, Thợ nề, Thợ mộc, Bác sỹ. - Vệ sinh giúp cho: nuôi uống, sức khoẻ, bảo hiểm, canh gác

- Quân Đức Quốc xã vơ vét các thành phố bằng cách: bắn phá; thiêu đốt; phá huỷ; cướp bóc; triệt hạ.

- Trong những từ sau đây, từ nào sát nghĩa nhất với từ mở mang: Khai trương; Giải phóng; Phân tán; Phát triển; Kéo dài.

- Loài chim chỉ biết bay và nhảy, nhưng loài sâu có thể bò được. Vậy: + Chim ăn thịt sâu

+ Chim không bò + Chim cũng có khi bò

Một hình thức thể hiện khác của bài tập dạng ngôn ngữ, có liên quan tới các số. Chẳng hạn: các bài tập điền số. Trong dãy số sau, số kế tiếp là số nào: l.3.5.7...; các bài tập đọc xuôi và ngược dãy số, các phép tính.v.v...

Các bài tập dạng ngôn ngữ có lợi thế, làm tăng tính chủ động của nghiệm thể, ít lệ thuộc vào nghiệm viên, nhất là trong các trắc nghiệm làm tập thể. Hạn chế lớn nhất của cách thể hiện này là rất dễ bị chi phối bởi yếu tố văn hoá trong ngôn ngữ và khó thực hiện đối với những nghiệm thể nhỏ tuổi hoặc người không biết chữ.

Các bài tập phi ngôn ngữ (bài tập dưới hình thức hình ảnh) được dùng để khắc phục các hạn chế nêu trên của hình thức ngôn ngữ. Hình thức này có trong hầu hết các trắc nghiệm. Nhiều trắc nghiệm chỉ sử dụng loại bài tập này (trắc nghiệm trí tuệ đa dạng của R.Gille, Trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn của J.C.Raven, các trắc nghiệm vẽ hình của Rey, của Gooodenough...). Chẳng hạn, một bài tập trong số 60 bài của trắc nghiệm khuôn hình tiếp diễn (Bài C7):

4. Trong hình bên trái, dấu chấm (*) ở bên ngoài hình vuông, nhưng ở trong hình tròn. Trong các hình bên phải, hình nào có thể đặt dấu (*) ở ngoài hình vuông và ở trong hình tròn.

Hình thức thể hiện thứ ba của các bài tập là các hành động phổ biến là xếp hình với các vật liệu khác nhau: hình vẽ bộ phận của một vật trên các tấm bìa cứng cắt rời, các khối gỗ, nhựa hoặc vật liệu khác (trắc nghiệm xếp hình khối vuông của Kosh, các nghiệm pháp hành động trong trắc nghiệm của Wechsler...).

Mức độ sử dụng các hình thức nghiệm pháp bằng lời, bằng hình ảnh hay hành động tuỳ thuộc vào đối tượng đo lường, đặc điểm của nghiệm thể và theo ý đồ của nhà soạn thảo trắc nghiệm. Hiện nay, nhiều trắc nghiệm sử dụng cả ba hình thức trên, một số chỉ dùng hình thức phi ngôn ngữ và có ít trắc nghiệm chỉ dùng các nghiệm pháp bằng lời.

Một trong cách phân loại trắc nghiệm trí tuệ là dựa vào hình thức thể hiện của các nghiệm pháp. Theo cách phân loại này, ta có trắc nghiệm ngôn ngữ (trắc nghiệm dùng lời) và trắc nghiệm phi ngôn ngữ. Ngoài ra có thể phân loại thành trắc nghiệm cá nhân, trắc nghiệm nhóm.v.v.

Một phần của tài liệu Tâm lý học trí tuệ Phan Trọng Ngọ (Trang 115 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)