Khắc phục tật lề mề của con

Một phần của tài liệu Ebook Mẹ luôn đồng hành cung con :Phần 2 (Trang 48 - 52)

Con gái tôi 8 tuổi, rất chậm chạp, làm việc gì cũng lề mề, làm bài tập cũng vậy. Bình thường tôi mất rất nhiều công sức để giảng giải cho con hiểu thời gian quý giá như thế nào, nhưng cũng không ăn thua. Xin hỏi chị làm thế nào để nâng cao năng suất làm việc cho con, để con có thể nhanh nhẹn hơn?

Chậm chạp là biểu hiện bình thường ở trẻ em

Thời đại chúng ta đang sống diễn ra với nhịp điệu nhanh và sôi động, mỗi người đều mong muốn làm việc với năng suất cao, mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con mình học tập đạt hiệu quả cao, biết quý trọng thời gian. Nhịp sống nhanh chi phối cuộc sống của chúng ta nên chúng ta cảm thấy “chậm” là một rào cản.

Thực ra, nếu thế giới này thực sự chậm lại được thì chưa chắc đã là điều tồi tệ với nhân loại.

Nói như thế không có nghĩa rằng chậm chạp, lề mề là tốt, mà chỉ muốn nói rằng, khi sốt ruột về vấn đề của trẻ, cha mẹ cần thoát ra khỏi ý kiến phán đoán chủ quan của mình để đứng trên một góc độ rộng hơn quan sát, phân tích và giải quyết vấn đề.

Tôi không rõ tình tính lề mề của con gái bạn cụ thể là thế nào. Thông thường, những người nhanh nhẹn trong công việc luôn cảm thấy người khác làm chậm. Do đó, khi quan sát và phán đoán các

vấn đề của con, trước hết bạn cần quan sát nhịp sống của mình. Nếu nhịp sống và công việc của bạn nhanh, mà bạn lại lấy mình ra để đánh giá sự nhanh chậm trong công việc của con thì có thể bạn đã trầm trọng hóa vấn đề ở cháu.

Về cơ bản, trẻ sống trong môi trường mà nhu cầu của người lớn đóng vai trò chủ yếu, tuy nhiên chưa chắc đã thích hợp với nhịp điệu trưởng thành của trẻ. Do đó, các nhà tâm lý học cho rằng, nếu nhịp sống của cha mẹ quá nhanh, mà lại yêu cầu trẻ phải thích nghi với nhịp sống nhanh này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý của trẻ. Mỗi cá nhân đều có nhịp sống của riêng mình, nó là một đặc trưng nội tại của con người. Khi nhịp sống của người khác gần với chúng ta, chúng ta sẽ rất vui; khi buộc phải thích ứng với nhịp sống của người khác, chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Môi trường sống của trẻ em về cơ bản là do người lớn kiểm soát, sự

thấu hiểu và thông cảm của người lớn mới là nguồn sức mạnh thực sự giúp trẻ trưởng thành, nếu bị người lớn can thiệp quá sâu, “kỷ luật và tính trật tự nội tại” trong trẻ sẽ bị phá vỡ, có thể sẽ khiến trẻ trở

nên xốc nổi hoặc biếng nhác, uể oải. Thực ra, chậm chạp vốn là biểu hiện bình thường của trẻ em, trẻ có thể hành động một cách cẩn thận, có trật tự, là bắt nguồn từ việc trẻ có kỷ luật nội tại, cá nhân trẻ tự kiểm soát được hành vi của mình mà không bị người khác chi phối. Có thể trong cơ thể con gái bạn có một luồng sức mạnh trật tự

nội tại rất mạnh mẽ, khiến cô bé có thể giữ vững nhịp điệu trưởng thành tự nhiên của mình, chống lại sự ảnh hưởng từ nhịp sống nhanh của mẹ.

Người lớn chúng ta luôn đề cao “hiệu suất tối đa”, thường chú ý đến mục đích nội tại trong hành vi. Điều này khiến chúng ta

thường xuyên vận dụng phương pháp trực tiếp nhất, cố gắng đạt được mục đích của mình trong thời gian ngắn nhất. Do đó, khi nhìn thấy con trẻ làm một số việc không hiệu quả hoặc vô cùng ấu trĩ, chúng ta đều cảm thấy rất sốt ruột, chỉ muốn dùng khả năng của người lớn để làm hộ trẻ cho xong ngay lập tức và thật trơn tru, trọn vẹn. Ví dụ, trẻ ngồi buộc dây giày, bàn tay lóng ngóng lần từng chút một, người mẹ đứng bên cạnh bắt đầu sốt ruột: “Sao mãi chưa buộc xong vậy? Đơn giản lắm cơ mà!”, thế rồi người mẹ liền ngồi ngay xuống thoăt thoắt mấy động tác là thắt xong cho con.

Không tôn trọng sự nỗ lực của con đồng nghĩa với việc cướp đi cảm nhận về sự thành công của trẻ. Nếu người mẹ bình tĩnh theo dõi con “làm việc” một cách từ tốn và có trật tự, đồng thời tỏ ý tôn trọng, khen ngợi con: “Buộc dây giày là một thách thức không nhỏ

đối với đôi tay đó con nhé”, thì có ích biết bao cho trẻ!

Trong tiềm thức, người lớn luôn muốn ngăn cản trẻ tiến hành những hoạt động nhìn có vẻ chậm chạp, lóng ngóng, nhưng bản thân trẻ lại rất thích những thứ vụn vặt hoặc không mang nhiều ý

nghĩa.Quá trình dường như rất lề mề này lại hàm chứa toàn bộ

công sức và lòng nhiệt tình của trẻ.

Rất nhiều gia đình xuất hiện cảnh tượng sau: Trẻ đang chậm rãi mặc quần áo, rửa tay hoặc làm những việc mà trẻ thích, người lớn muốn trẻ làm nhanh lên một chút, nhưng trẻ không chịu “nghe lời”, người lớn liền bực bội làm ào một cái là xong cho trẻ. Kết quả là trẻ

vừa la khóc vừa giận dỗi. Nguyên nhân là nhịp điệu của người lớn đã cản trở trẻ hoàn thành “công việc” của mình, nổi cáu là biểu hiện của sự phản kháng vì bản năng “làm việc” theo nhịp điệu của trẻ không được người lớn thấu hiểu.

Nếu trẻ ngoan ngoãn để “nhịp sống nhanh” của cha mẹ len lỏi vào cuộc sống của trẻ, có thể trẻ sẽ kìm chế lòng nhiệt tình của mình đối với công việc, dần dần trở nên “uể oải”. Khi cảm thấy động tác của trẻ chậm chạp, cha mẹ luôn tìm cách can thiệp, dùng hành vi giúp đỡ của mình để làm thay trẻ. Thực tế sự “giúp đỡ” này chính là cướp đi cơ hội trưởng thành dựa vào sự tự nỗ lực của trẻ. Trong tiềm thức trẻ sẽ không chịu nghe lời và tiếp tục “chậm” đi, chờ đợi sự “giúp đỡ” nhanh gọn của cha mẹ. Do đó, người lớn chúng ta cần có sự thay đổi quan niệm về sự nhanh chậm trong thế giới của con trẻ.

Giúp con sử dụng quỹ thời gian một cách hiệu quả

Mỗi bậc phụ huynh đều mong muốn con mình biết quý trọng thời gian, học hành giỏi giang, xuất sắc hơn người, nhưng do đặc điểm của độ tuổi, khả năng tự làm chủ bản thân của trẻ chưa tốt, nên

nếu xác định con có tật lề mề thật sự thì sau khi tìm hiểu nguyên nhân, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Thứ nhất, khi trẻ làm việc, bạn hãy bàn bạc với trẻ và đề ra một mục tiêu thời gian phù hợp, để trẻ tự quyết định làm công việc này đòi hỏi bao nhiêu thời gian mới có thể hoàn thành, sau đó giúp trẻ

tính lùi thời gian, đôn đốc trẻ hoàn thành công việc trong thời gian đã định. Nhiều lần như thế, trẻ sẽ hình thành nên khái niệm về thời gian khi làm việc, dần dần không cần sự nhắc nhở của người khác nữa.

Thứ hai, rèn khả năng tập trung cho trẻ. Rất nhiều trẻ suốt ngày ngồi trước bàn học nhưng vẫn không thể hoàn thành bài tập đúng giờ, hầu hết là do làm việc không tập trung. Khả năng tập trung của một người không phải sinh ra đã có, mà cần được bồi dưỡng dần dần. Bạn bè thân thiết của tôi đều biết, mặc dù sau khi đi học, thành tích học tập của con trai tôi rất tốt, nhưng gần như tôi không phải bỏ ra quá nhiều thời gian để đôn đốc con học hành. Một điều rất quan trọng là tôi đã có ý thức rèn khả năng tập trung cho cháu từ trước đó. Khả năng tập trung của một đứa trẻ cần được bồi dưỡng từ nhỏ, ví dụ, trẻ đang chăm chú xếp hình, nghịch cát thì cha mẹ không nên “quấy rối” trẻ bằng hình thức giúp đỡ. Để trẻ tự mình hoàn thành “công việc” sẽ rất có lợi cho việc rèn khả

năng tập trung cho trẻ. Từ nhỏ đã hình thành nên thói quen này, sau này trẻ mới có thể chăm chú nghe giảng trên lớp, tan học chuyên tâm hoàn thành bài tập về nhà. Thói quen và tố chất tâm lý tập trung này có vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng thời gian một cách hiệu quả, và đây cũng là nền tảng để trẻ thành công trong tương lai.

Thứ ba, những đứa trẻ lề mề quá mức hoặc hiệu suất sử dụng thời gian không cao, có thể để trẻ dựa vào sở thích, đặc điểm cá nhân, xây dựng một thời gian biểu. Tự sắp xếp ổn thỏa quỹ thời gian cho mình là một trong những tiêu chí đánh dấu sự chín chắn của một con người, sau khi trẻ đã có khả năng tự lập nhất định, cha mẹ hãy cho trẻ quyền được sắp xếp thời gian biểu cho mình một cách phù hợp. Một đứa trẻ đang say sưa xem bộ phim hoạt hình yêu thích, phụ

huynh bực bội tắt tivi và ra lệnh: “Đi làm bài tập mau!”, trẻ miễn cưỡng ngồi vào bàn học nhưng tâm trạng rất không vui, hiệu suất

sử dụng thời gian cũng không thể cao được. Nhưng nếu có một thời gian biểu, khi trẻ không làm chủ được bản thân mà ngồi xem tivi, cha mẹ nhắc nhở, trẻ cũng sẽ không chống đối, hiệu quả làm bài tập cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, phụ huynh không nên lập thời gian biểu thay con mà cần dựa trên tiền đề tôn trọng nguyện vọng của trẻ thì mới có thể đạt hiệu quả cao.

Mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm riêng, mỗi bậc phụ huynh đều phải là người hiểu con mình nhất. Tôi tin rằng bạn sẽ dựa vào đặc điểm của con yêu, song song với việc đảm bảo cho sự phát triển lành mạnh về tâm lý của con, bạn sẽ giúp con giành được nhiều “thời gian hiệu quả” trong cuộc chạy đua với thời gian.

Một phần của tài liệu Ebook Mẹ luôn đồng hành cung con :Phần 2 (Trang 48 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)