khả năng tự lập của trẻ
Con gái tôi 10 tuổi, rất thông minh, nhưng khả năng tự lập rất kém. Không nói đến chuyện ăn uống, sinh hoạt trong nhà, ngay cả cặp sách cũng phải nhờ đến mẹ thu dọn giúp. Xin hỏi tôi phải làm gì?
Giúp đỡ không đúng cách ảnh hưởng đến khả năng tự lập của trẻ
Đọc câu hỏi của bạn, tôi nghĩ chắc chắn bạn là một người mẹ
rất nhanh nhẹn, hay làm, cô con gái thông minh mới nghĩ “A, mẹ
mình việc gì cũng làm được, việc gì cũng có thể làm giúp mình, mình lười chút cũng không sao”. Bạn phải biết rằng, con trẻ vốn rất tinh ranh!
Trong cuộc sống có rất nhiều việc trẻ có thể tự làm, chỉ có điều do bên cạnh có người để dựa dẫm, hoặc sự giúp đỡ hoặc rèn giũa không đúng cách của người lớn đã làm ảnh hưởng đến khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ.
Chắc bạn đã được nghe kể về câu chuyện của hồ ly mẹ rồi đúng không? Hồ ly mẹ vốn rất yêu con, một ngày kia đột nhiên
không cho hồ ly con vào nhà nữa, nó vừa cắn vừa đuổi hồ ly con như phát điên, đuổi hết đàn con ra khỏi nhà là để hồ ly con học cách sống tự lập.
Còn có một câu chuyện xảy ra với con của người bạn tôi, cô con gái của chị đã 12 tuổi, một hôm chị thực sự không còn thời gian về nhà nấu cơm cho con, liền bảo con ở nhà có những gì, nấu nướng thế nào, kết quả cô bé rất không vui, luôn miệng thoái thác: “Con không biết nấu, con không ăn nữa”. Người bạn tôi liền nói: “Thế thì con cứ việc nhịn đói”. Sau đó, chị tính toán thời gian để con đã “đói mềm” rồi mới về nhà. Kết quả ngoài món sườn chua ngọt mà mẹ đã nấu từ trước, cô con gái chị còn tự chế biến thêm được món trứng sốt cà chua, một cốc sinh tố, một bát cơm (mua ở cửa hàng về) và đang ngồi vừa ăn ngon lành, vừa nghe nhạc.
Bạn xem, khả năng tự lập của trẻ có được nhờ “bắt ép”. “Tự lập” là từ dùng để chỉ thông qua sự nỗ lực của bản thân, không cần sự giúp đỡ của người khác mà có thể làm tốt công việc. Mục tiêu nuôi dạy con cuối cùng của chúng ta chính là như vậy.
Chính vì thế, tôi cho rằng trước hết bạn nên suy nghĩ: Từ khi con còn nhỏ, có phải bạn đã làm thay một cách vô tình hay hữu ý rất nhiều việc con có thể tự làm hay không? Từ ăn cơm, ngủ, chơi đùa... có phải mọi hoạt động của con được tiến hành theo sự sắp đặt của người lớn? Nếu con lớn lên trong môi trường như vậy thì việc cô bé đã 10 tuổi mà vẫn không muốn tự làm những việc mình có thể làm được là điều rất dễ hiểu.
Hãy rèn cho trẻ thói quen tự giải quyết vấn đề
Kể từ khi biết điều khiển các bộ phận trên cơ thể như tay biết cầm đồ, chân biết bước, trẻ đã bắt đầu thích “làm việc”. Khái niệm “làm việc” ở đây là nhu cầu trưởng thành bên trong của trẻ, không cần người lớn yêu cầu, trẻ vẫn sẽ làm một cách tự giác. Những đứa trẻ trên 2 tuổi thường bắt chước người lớn. Bạn lau nhà, trẻ cũng đòi cầm cây lau nhà; bạn rửa bát, trẻ cầm đũa; bạn nhặt rau, trẻ ngồi cạnh nhặt hộ... Trong thế giới động vật, chúng ta rất ít khi nhìn thấy khi một con thú nhỏ gặp khó khăn trong quá trình
làm một việc gì đó, mẹ con thú nhỏ sẽ giúp nó giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, khi trẻ gặp vấn đề gì, chúng ta lại thường thấy rằng, trẻ chưa cần đến sự giúp đỡ, cha mẹ đã chạy đến giúp rồi. Thực ra, nếu không có sự giúp đỡ chủ động của người lớn, trẻ sẽ đều cố gắng tự giải quyết, chỉ khi thực sự không còn cách nào, trẻ mới nhờ
đến người lớn. Lúc này, trẻ có một nhu cầu nội tại, sự “giúp đỡ” của cha mẹ sẽ trở thành trợ lực giúp trẻ giải quyết vấn đề. Nếu cha mẹ nói “Mình cùng giải quyết nhé”, trẻ sẽ chăm chú theo dõi và học cách giải quyết vấn đề của người lớn, ngoài ra còn có thể sử dụng phương pháp của người lớn một cách sáng tạo, đây cũng là cơ hội tốt để rèn cho trẻ thói quen tự giải quyết vấn đề. Cha mẹ không thể vì “bồi dưỡng” khả năng tự giải quyết vấn đề của trẻ mà nói với trẻ
rằng “Con tự tìm cách đi”, trẻ sẽ khóc và nói rằng mình không làm được. Do còn quá nhỏ nên trẻ không ý thức được rằng vấn đề này do ai giải quyết, trong tiềm thức của trẻ, mình và mẹ là một. Quá trình để trẻ tự làm một mình hoặc mẹ giúp trẻ làm chính là quá trình trẻ tách dần khỏi mẹ và để trẻ ngày càng tự lập hơn.
Chính vì thế, cần có ý thức rèn cho trẻ thói quen tự giải quyết vấn đề. Việc này cần bắt đầu từ khi trẻ còn rất nhỏ, đang có mong muốn được “làm việc”. Khi trẻ chập chững biết đi và vấp ngã, nếu không có gì nguy hiểm thì không nên đỡ trẻ, để trẻ tự đứng dậy; khi trẻ có thể cầm đồ ăn bằng tay, không nên vì sợ bẩn quần áo mà cầm thay cho trẻ; khi trẻ biết tự đi dép nhưng đi dép trái, không nên vội uốn nắn ngay... Sau khi trẻ đã lớn hơn, bạn càng phải buông tay ra để trẻ tự nghiên cứu, tìm tòi biện pháp giải quyết vấn đề, quá trình này sẽ giúp ích cho trẻ suốt đời. Những đứa trẻ
một thời gian dài không tự giải quyết vấn đề, sau này lớn lên dễ
mất đi khả năng và sự tự tin khi phải đối mặt với những vấn đề khó, trẻ sẽ giải quyết vấn đề bằng cách trút giận, nổi cáu, phá phách chứ không phải dùng trí tuệ để giải quyết, kết quả là thường làm hỏng việc. Còn những đứa trẻ một thời gian dài có khả năng tự
giải quyết vấn đề, sau này lớn lên gặp vấn đề khó, trẻ sẽ biết mình có giải quyết được vấn đề này hay không, sự tự tin của trẻ
giúp trẻ có thể bình tĩnh đối mặt với vấn đề mà không nổi cáu hay phá phách. Việc rèn giũa thói quen này là một quá trình thực tiễn,
làm mẫu thông qua hành động sẽ có hiệu quả hơn là chỉ giáo huấn suông.
Để trẻ cảm nhận niềm vui từ sự nỗ lực của bản thân
Bất kỳ mối quan hệ nào khi đã hình thành đều có thể nảy sinh quán tính. Từ nhỏ con đã quen với việc mẹ là người chăm sóc, vậy mẹ
có thể thử thay đổi vai trò của mình một cách âm thầm mà không để
trẻ biết, ví dụ, thường xuyên để trẻ giúp mẹ làm một số việc, nếu trẻ không chịu, bạn chỉ nói nhẹ nhàng rằng: “Thế tại sao việc gì con cũng nhờ mẹ giúp?”. Khi đó, tự trẻ sẽ phải suy nghĩ, đến khi nhờ mẹ
giúp trẻ sẽ không cảm thấy việc đó là điều hiển nhiên nữa.
Bạn còn có thể cố tình làm sai, để trẻ tự chỉnh lại. Ví dụ, khi thu dọn sách vở cho con, bạn cố tình để quên vở bài tập, để trẻ đến lớp và “mất mặt” một lần, như thế trẻ sẽ không còn ỷ lại vào sự giúp đỡ của mẹ. Cho dù về đến nhà trẻ vui hay không, bạn cũng đều phải thành khẩn “nhận lỗi”. Mẹ mắc lỗi mấy lần như thế, một ngày nào đó trẻ sẽ bực bội nói: “Thôi, con không nhờ mẹ nữa, để con tự làm vậy”. Vậy là, mục đích đã đạt được rồi. Gia đình là vườn năng lượng, nguồn năng lượng của mẹ giảm đi, nguồn năng lượng tự lập của trẻ sẽ được tăng cường.
Cần để trẻ cảm nhận được niềm vui từ sự nỗ lực của bản thân. Cố gắng để trẻ tự hoàn thành công việc của mình, cha mẹ không can thiệp quá nhiều tức là đã cho trẻ một không gian độc lập, như
thế sẽ kích thích được tính sáng tạo của trẻ. Không nên đáp ứng mọi đòi hỏi của trẻ mà cần giữ vững nguyên tắc. Nếu mọi đòi hỏi đều được đáp ứng một cách đơn giản, trẻ sẽ không cảm nhận được niềm vui của sự nỗ lực do mình bỏ ra, dần dần trẻ sẽ coi sự giúp đỡ và sự
cống hiến của cha mẹ là điều đương nhiên, tính ỷ lại vì thế mà nảy sinh. Cần phải để trẻ cảm nhận được niềm vui do bỏ sức lao động mà trẻ mới có được cái mình muốn.
Dĩ nhiên, cũng không nên để xảy ra tình trạng thái quá bất cập, vì muốn rèn tính tự lập cho trẻ mà bắt trẻ làm rất nhiều việc đáng lẽ
phải để người lớn làm, cũng không nên giao quá nhiều việc cho trẻ, vì song song với việc rèn luyện cho trẻ ý thức tự lập và khả năng tự lập,
trẻ còn cần có thời gian để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai của mình, đây là quyền lợi của trẻ.