công nghệ thông tin
Con trai tôi đang học lớp năm, cứ về nhà là con ngồi xem tivi mãi, chuyển hết kênh này đến kênh khác, ham vô cùng. Xin hỏi chị nên hạn chế thời gian con xem tivi như thế nào để con tập trung hơn cho việc học?
Không nên bịt kín mắt trẻ trong thời đại công nghệ thông tin
Tivi là một loại hình truyền thông quan trọng ảnh hưởng đến đời sống của trẻ là điều tất yếu. Đối với trẻ trong thời hiện đại, thông tin báo chí là “bầu không khí xã hội” mà chúng không thể tách rời, sự ảnh hưởng của các phương tiện này đối với lối sống, thái độ
sống và khuynh hướng giá trị của trẻ là vô cùng lớn. Chính vì thế, trước hết các bậc phụ huynh phải có sự nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này. Sự ảnh hưởng của tivi đối với trẻ không phải là tốt tuyệt đối, cũng không hẳn là xấu tuyệt đối. Trẻ thích tivi là điều
tất yếu, và nếu trẻ ham tivi quá mức thì cần có sự định hướng đúng đắn của các bậc cha mẹ.
Tôi thường nói: “Không nên bịt kín mắt trẻ và khép chặt cánh cửa để trẻ quan sát thế giới”. Từ trước đến nay, tôi luôn đề cao nguyên tắc giáo dục ba mở: Mở ra ngoài sách vở, mở ra tự nhiên, mở ra xã hội. Chính vì thế, tôi cho rằng xem tivi hay chơi game ở mức độ phù hợp cũng là một cách học của trẻ. Không nên cho rằng chỉ đọc sách, làm bài tập mới là học, trẻ sẽ nhìn thấy, nghe thấy những sự vật mình không được tiếp xúc trong cuộc sống thường nhật. Cuộc
sống của con người ở các vùng đất khác nhau, thế giới động vật kỳ diệu, vũ trụ bao la và xã hội... là thế giới rực rỡ và phong phú. Xem tivi có thể mở rộng vốn từ cho trẻ. Các phương tiện truyền thông đại chúng bao gồm tivi là “bữa ăn phụ dinh dưỡng” cần thiết trong quá trình trưởng thành của trẻ, mặc dù có lẫn tạp chất, nhưng cũng không thể vì thế mà bỏ ăn. Sự giáo dục đối với trẻ cần tiến hành một cách lập thể, đa chiều, cha mẹ nên cố gắng mở ra nhiều cánh cửa cho trẻ, bao gồm lợi dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, đưa một thế giới đa nguyên và lượng thông tin phong phú đến với trẻ.
Đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ
Các chương trình truyền hình lôi cuốn trẻ cũng sẽ làm giảm khả
năng suy nghĩ của trẻ. Trẻ rất dễ bắt chước các nhân vật có khả
năng phi thường trong tivi, tiếp thu ưu điểm và cả nhược điểm của họ, thậm chí bắt chước các hành vi bạo lực của họ, điều này ảnh hưởng rất xấu đến những đứa trẻ tính cách sốc nổi, khả năng làm chủ bản thân kém.
Nếu trẻ ham tivi quá mức như chỉ cần có thời gian là ngồi xem tivi không nhúc nhích, chương trình nào cũng xem, không có sự lựa chọn, còn liên tục ăn vặt... thì cha mẹ cần tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của trẻ. Vì xem tivi là sự tiếp nhận bị động, hình ảnh thay đổi liên tục, không cho trẻ quá nhiều thời gian để suy nghĩ và đặt câu hỏi, dần dần sẽ cản trở khả năng tư duy chủ động của trẻ. Hơn nữa, nếu xem tivi trong thời gian quá dài, khiến thời gian tham gia các hoạt động khác của trẻ bị giảm đi, ảnh hưởng đến việc trẻ học hỏi
những kinh nghiệm có ích thông qua các hoạt động này. Nếu ham xem tivi quá, niềm hứng thú với việc đọc sách của trẻ sẽ bị giảm đi, thậm chí không thích đọc sách nữa.
Nếu có thời gian, cha mẹ có thể cùng con xem một số chương trình tivi, kịp thời nắm bắt nội dung mà trẻ xem, vừa xem vừa thảo luận, đây cũng là một cách “giáo dục tùy cơ”.
Ngoài ra, nếu trẻ thích xem tivi, cha mẹ có thể biến tivi thành phần thưởng. Ví dụ, có thể nói với trẻ “Con ra ngoài chạy nhảy nửa tiếng, mẹ sẽ cho con xem tivi một tiếng”, “Mau làm xong bài tập, con sẽ được xem tivi 30 phút”.
Tạo cho trẻ nhiều cơ hội tham gia các hoạt động mở mang kiến thức như dã ngoại, khám phá thiên nhiên, tham gia một số hoạt động xã hội, ra hiệu sách mua sách, đọc sách, rèn thói quen ham đọc sách... Như thế cuộc sống của trẻ sẽ trở nên phong phú, trẻ sẽ
không say mê tivi nữa.
Cha mẹ phải làm gương cho trẻ. Nếu hàng ngày cha mẹ cũng dành rất nhiều thời gian cho việc xem tivi mà không có sự lựa chọn thì e rằng sẽ khó kiểm soát được thời gian xem tivi của trẻ. Cha mẹ
cần cùng con thống nhất thời gian xem tivi một cách hợp lý, dựa vào sở thích để lựa chọn, xem tivi một cách có chọn lọc, có tiết chế.
Mỗi bậc cha mẹ hiểu con, yêu con đều sẽ biết cách dùng phương pháp khoa học hơn để con được phát triển lành mạnh trong cuộc sống phong phú của mình.
Lưu ý: Rất nhiều bậc phụ huynh khi trẻ đang xem rất hào hứng liền tắt tivi đột ngột, cách làm này không những không thể
đánh lạc hướng trẻ, mà còn khiến trẻ cảm thấy ức chế, dù con miễn cưỡng đi đọc sách thì hiệu quả của việc đọc cũng không cao. Khi tâm trạng bịức chế, khả năng tiếp thu kiến thức của con người rất hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, ngay từ đầu phụ huynh có thể ký “bản cam kết” với con trẻ, trong bầu không khí thoải mái hạn chế thời gian xem tivi của trẻ, quy định thời gian và nội dung chương trình trẻ xem hàng ngày. Nếu trẻ vi phạm “bản cam kết”,
bạn không cần nổi cáu, tự trẻ sẽ cảm thấy áy náy, lúc này một sự
định hướng phù hợp cho trẻ sẽ phát huy hiệu quả.