mới
Thế kỷ XIX ở Đức có một thần đồng tên là Karl Witte, năm 8 tuổi cậu đã tinh thông 6 ngôn ngữ: Đức, Pháp, Ý, La tinh, Anh và Hy Lạp; đồng thời am hiểu lĩnh vực động vật học, vật lý học, hóa học, đặc biệt là giỏi toán học. Năm 10 tuổi, Karl Witte vào học đại học, 14 tuổi nhận được bằng tiến sĩ triết học, 16 tuổi được nhận bằng tiến sĩ luật học và được bổ nhiệm là giáo sư luật học trường Đại học Berlin. Năm 23 tuổi cho ra đời cuốn Sai lầm của Dante, cuốn sách giá trị để nghiên cứu về Dante. Sau đó, Karl Witte đã dành trọn cuộc đời còn lại để giảng dạy trong các trường đại học nổi tiếng của Đức, truyền bá tư tưởng và trí tuệ của ông. Chính nhà khoa học này khi còn nhỏ cũng đã từng không có hứng thú với việc học. Sự định hướng và khích lệ của người cha đối với Karl Witte là một sự gợi ý rất tốt cho chúng ta.
Một thời gian, cha Karl Witte phát hiện ra cậu không có hứng thú với việc học hành và thường ngồi thẫn thờ cầm sách. Cha cậu không trách mắng mà chỉ hỏi tại sao cậu lại không tập trung. Karl Witte nói: “Trước đây con rất có hứng thú với việc học, nhưng gần đây trong đầu luôn có một câu hỏi ám ảnh con, mình học nhiều thứ như
thế để làm gì? Học nghề mộc có thể làm đồ gỗ, học rèn có thể rèn nông cụ, nhưng con học nhiều ngôn ngữ và thơ ca như vậy thì để làm gì?”. Thấy con trai hỏi vậy, cha của Karl Witte rất mừng vì con trai ông đang suy nghĩ vấn đề ở góc độ sâu hơn, và đây chính là cơ hội để ông giáo dục tùy cơ đối với con. Trước tiên, ông đã khẳng định suy nghĩ của con trai rồi trả lời rất hóm hỉnh rằng: “Nếu không có toán học thì sau này làm sao con có thể tính toán xây nhà hết bao nhiêu vật liệu? Không có văn học sẽ không có những kiến thức thẩm mỹ, làm sao con có thể xây được một ngôi nhà đẹp? Con trai, con hãy nhớ rằng, thơ ca, văn học, hội họa, âm nhạc, triết học đều là
những sản phẩm trí tuệ của nhân loại, là những tinh hoa tuyệt vời nhất trên thế gian này. Con có thể không làm nhà ngoại giao, dịch giả, nhưng nếu con nắm được những kiến thức này để làm thợ
mộc, thì ngôi nhà mà con làm sẽ đẹp biết bao!”.
Nghe đến đây, ánh mắt sáng ngời của Karl Witte lộ rõ vẻ vui mừng, những thắc mắc trong lòng đã hoàn toàn được tháo gỡ. Cha Karl Witte đã gợi mở cho nhu cầu nội tại cho con trẻ, nguồn sức mạnh bắt nguồn từ nội tâm này sẽ hiệu quả và lâu dài hơn rất nhiều so với sự phê bình, giáo huấn, khích lệ, trừng phạt.
Chúng ta hãy đặt một giả thiết, giả dụ khi nhìn thấy con trai không tập trung, cha Karl Witte liền phê bình con ngay: “Tại sao đang yên đang lành lại không thích học nữa? Thật đúng là chẳng ra sao cả, suốt ngày đầu óc chỉ để đi đâu. Không có chí tiến thủ gì cả? Cho con học hành là để con đi làm thợ mộc, thợ rèn ư? Tập trung học hành đi, còn suy nghĩ vẩn vơ cha sẽ đánh gãy chân đó”. Lúc này đây hiệu quả sẽ thế nào? Không những mất đi cơ hội tốt để giáo dục con trẻ, mà còn làm tổn thương lòng tự trọng của con, ngay cả lòng đam mê hiểu biết của con trẻ cũng bị bóp chết.