các mối quan hệ xã hội
Con trai tôi đang học lớp ba, là một cậu bé tốt bụng, thành tích học tập cũng không tồi, nhưng không hiểu tại sao không hòa đồng với tập thể lắm. Con đều bị trượt trong các cuộc bỏ phiếu bình bầu như học sinh ba tốt, cán bộ lớp. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần của con, mà tôi cũng sốt ruột lây. Tôi muốn hỏi chị cần phải làm gì trong trường hợp này?
Gia đình là sân tập đầu tiên để trẻ học hỏi các mối quan hệ xã giao
Tôi rất hiểu tâm trạng của bạn, tôi biết bạn sốt ruột vì mối quan hệ giữa con trai và bạn bè cùng lớp cháu. Tuy nhiên, mọi sự việc xuất hiện ở trẻ khiến bậc làm cha mẹ chúng ta lo lắng đều không phải hình thành trong một sớm một chiều, cũng không phải là
nguyên nhân của cá nhân trẻ. Kể từ khi chào đời, trẻ đã mang theo những nội dung mà trẻ được học hỏi, trải nghiệm do môi trường đem lại để hình thành nên tính cách của mình. Tôi không biết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bạn như thế nào, nhưng cần nhớ, gia đình là sân tập đầu tiên để trẻ học hỏi các mối quan hệ xã giao. Khi tìm hiểu các vấn đề xuất hiện ở trẻ trong phương diện này, các bậc phụ huynh còn phải tỉnh táo xem xét cách đối nhân xử
thế của mình có ảnh hưởng gì đến trẻ hay không.
Nói như vậy không có nghĩa là cách làm của cha mẹ có vấn đề, chỉ có điều sự xem xét này sẽ giúp chúng ta phân tích được một cách chính xác hơn vấn đề của trẻ, từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Tôi tin rằng, một đứa trẻ có thành tích học tập tốt và tốt bụng chỉ cần có sự hướng dẫn đúng đắn, chắc chắn sẽ nhanh chóng chiếm được sự tin yêu của bạn bè. Sự tốt bụng và lòng nhân ái của con người cần có hình thức biểu đạt phù hợp mới có thể được người khác cảm nhận thấy. Một người được người khác yêu quý và ủng hộ, chắc chắn phải là một người biết dùng hành động và sự nỗ lực của riêng mình để có được sự tôn trọng của mọi người.
Gợi ý con nhìn nhận lại bản thân
Con trẻ không được bạn bè ủng hộ, chắc chắn trong lòng sẽ cảm thấy buồn bực, chán nản. Cha mẹ cần đón nhận và bày tỏ sự thấu hiểu, thông cảm với những suy nghĩ này của con. Sau khi con đã bình tĩnh trở lại, cha mẹ cần nói với con rằng không nên vì bạn bè không bỏ phiếu cho mình mà oán người nọ, trách người kia. Thái độ của mọi người đối với mình là một tấm gương phản chiếu, chỉ khi thông qua sự thay đổi bản thân, mới có thể thay đổi được cái nhìn của người khác đối với mình. Bạn hãy coi mình như một người bạn tri kỷ
của con, giúp con phân tích nguyên nhân khiến con không được lựa chọn, giúp con nhìn thẳng vào các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ xã giao của mình. Tiếp theo sẽ gợi mở, định hướng để con “có duyên” trong quá trình đối nhân xử thế hơn.
Còn nhớ hồi nhỏ, con trai tôi chơi với các bạn và xảy ra mâu thuẫn, tôi liền nhẫn nại nghe con kể lại từ đầu câu chuyện với tâm trạng ấm ức, tôi không bình phẩm, không vội “dăn dạy” hay gợi mở. Sau khi đã hiểu rõ nguyên nhân sự việc, tôi liền bảo con nghĩ về nguyên nhân khiến mâu thuẫn nảy sinh, tại sao những đề nghị đó của mình không được các bạn chấp nhận? Làm thế nào mới có thể
để các bạn chấp nhận yêu cầu của mình? Từ đó, con học được cách tự kiểm điểm lại mình khi gặp khó khăn, như thế con mới tiếp thu được những ý kiến của cha mẹ, sự “giáo dục tùy cơ” mới có thể tiến hành.
Hồi nhỏ con trai tôi cũng nói: “Con làm thế là vì các bạn ấy, tại sao các bạn ấy lại không chịu nghe? Đáng ghét quá”, “Con mất công như vậy, tại sao các bạn ấy không hiểu?”. Khi đó, tôi rất bình tĩnh nghe con xả giận, vì chỉ khi ở bên cha mẹ, con mới được thoải mái bày tỏ nỗi lòng như vậy. Cha mẹ hãy bình tĩnh quan sát con mình. Nếu cha mẹ cũng “bực bội” như con thì rất khó có thể tiến hành “giáo dục tùy cơ” một cách bình tĩnh, khách quan với con. Sau khi con đã trút hết giận và bình tĩnh trở lại, hãy nói ra suy nghĩ của mình về sự
việc này. Ví dụ, để con thử nghĩ lại con đã dùng cách gì để thể hiện sự
tốt bụng, nhã ý của mình? Nên làm thế nào để người khác vui vẻ
đón nhận? Sự tốt bụng của con người được thể hiện thông qua một số việc tốt, nhưng đó không phải là sự a dua, nịnh bợ người khác, làm thế nào để có thể giữ lòng tự trọng cho mình đồng thời lại bảo vệ lòng tự trọng cho người khác? Cha mẹ còn có thể lấy ra một số ví dụ mà mình đã trải qua trong quá trình đối nhân xử thế hàng ngày, tuy nhiên chỉ nên khái quát mà thôi, không nên thuyết giáo dài dòng, kết quả sẽ khiến con mất đi quá trình tự kiểm điểm lại mình thông qua sự việc này. Chỉ khi biết nhìn nhận lại bản thân, con người mới có thể trưởng thành một cách thực sự.
Những tố chất căn bản giúp con hòa đồng với tập thể
Sự phát triển tính cách và sự hòa nhập với xã hội của một đứa trẻ
không thể tách khỏi mối quan hệ giữa con người với con người. Muốn đánh giá một cách tương đối toàn diện khả năng xã hội, giá trị hành vi của một đứa trẻ, cũng không thể tách khỏi sự tác động qua lại với người khác, chính vì thế mới nói mối quan hệ với mọi người là yếu tố đánh giá sự thành công của một con người.
Làm thế nào để một người được một tập thể yêu quý và đón nhận?
Trước hết đó phải là một người biết yêu bản thân. Một người không thể chung sống hài hòa với chính mình thì rất khó có thể
chung sống hài hòa với người khác. Những người luôn có hành vi gò bó, ít nói ít cười, cho dù tốt bụng đến đâu thì người khác cũng rất khó cảm nhận. Tính cách lạc quan, yêu đời, hóm hỉnh là kỹ năng xã
giao rất có giá trị, những kỹ năng này không thể học được qua sách vở mà đó là hơi ấm được tỏa ra từ trái tim con người.
Đồng thời người đó cần phải biết cách yêu người khác, biết chia sẻ niềm vui với mọi người, biết đứng trên địa vị của người khác để suy nghĩ mọi vấn đề, có được vị trí trong tập thể.
Biết yêu tập thể, bao gồm nguồn tài sản chung và thành tích của tập thể, như thế anh ta sẽ trở thành một người được đón nhận trong tập thể.
Trên đây là những tố chất cơ bản để một người có thể hòa đồng với tập thể và được tập thể đón nhận, tôn trọng. Những tố chất này không thể chỉ trong thời gian ngắn là trẻ sẽ có được, mà cần có sự
tích lũy dần dần trong quá trình trưởng thành của trẻ, được tích lũy nhờ các mối quan hệ trong thực tiễn, là kết quả của một quá trình rất dài. Chính vì thế, muốn con trở thành một người như vậy, chúng ta cần quan tâm đến quá trình trưởng thành của con.
Dĩ nhiên, hiện tại cũng cần rất nhiều thời gian mới có thể rèn luyện cho con đầu óc tổ chức, lãnh đạo. Có thể giúp con có được kỹ
năng này nhờ sự tăng cường đầu tư trong thời gian ngắn, tuy nhiên nếu con trẻ không có được những tố chất cơ bản để thiết lập mối quan hệ với mọi người thì cũng rất khó duy trì được hiệu quả lâu dài. Những tố chất cơ bản của con người được rèn giũa, tích lũy sau khi trải qua rất nhiều sự việc, sự trải nghiệm.
Tôi cho rằng, một đứa trẻ tốt bụng, có cách thể hiện sự tốt bụng của mình một cách thích hợp, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình, không kiêu căng nhưng đồng thời lại biết thực hiện ý tưởng của mình một cách nghệ thuật sẽ luôn được tập thể ủng hộ và đón nhận.
Hãy để trẻ tự làm! Chỉ cần chúng ta gieo những hạt giống bình đẳng, thấu hiểu, chân thành, giữ chữ tín, phóng khoáng, hóm hỉnh vào trái tim con trẻ, một ngày nào đó những hạt giống này sẽ nảy mầm và phát triển thành cánh rừng che chở cho cuộc đời trẻ. Ở đó, bạn sẽ nghe thấy những âm thanh vui vẻ và ấm áp của những tình bạn chân thành.