Con trai tôi trước đây vốn rất ham học, nhưng đến năm lớp 8, con không còn tỏ ra hứng thú với việc học và thường xuyên nói với vẻ rất chán chường rằng: “Học những cái này làm gì, cũng chỉ là để đối phó với thi cử mà thôi”, thành tích học tập của con sa sút. Vợ chồng tôi rất sốt ruột, nặng nhẹ đều đã nói hết rồi nhưng vẫn không ăn thua. Vậy tôi phải làm gì để cải thiện tình trạng này?
Tạo môi trường để con tìm thấy niềm vui trong học tập
Thực ra, mỗi đứa trẻ trong quá trình học hành đều sẽ xuất hiện tình trạng “chán chường” nói trên, các bậc phụ huynh không nên sốt ruột vì như thế cũng không giải quyết được gì. Điều quan trọng là phải tìm ra được nguyên nhân khiến trẻ mất hứng thú với việc học, sau đó giúp trẻ điều chỉnh lại tâm trạng, kích thích lòng ham học của trẻ.
Trung học cơ sở là một giai đoạn khá quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ, có rất nhiều yếu tố khiến trẻ mất đi hứng thú với việc học. Chương trình học ngày càng khó lên, sẽ khiến trẻ
chùn bước trước việc học; đồng thời lúc này trẻ bước vào tuổi dậy thì, sinh lý và tâm lý cũng đều có những thay đổi rõ nét, trẻ sẽ thường xuyên có sự thay đổi tâm trạng thất thường. Ngoài ra, ở giai đoạn
này, các mối quan hệ giao tiếp xã hội của trẻ cũng được bắt đầu, niềm hứng thú và sở thích của trẻ cũng ngày càng phong phú hơn. Điều quan trọng là cha mẹ không nên sốt ruột mà cần làm người bạn thân thiết của con, cùng con đối mặt với thời kỳ đặc biệt này.
Tò mò và ham học hỏi vốn là bản tính của mỗi đứa trẻ, như vậy học tập đáng lẽ cũng sẽ là một sở thích được trẻ đón nhận. Vậy tại sao có đứa trẻ lại xuất hiện tình trạng chán học? Cha mẹ không nên bắt ép con trẻ bằng những biện pháp cứng rắn hay nhẹ nhàng, mà trước hết cần tìm hiểu nguyên nhân bằng tấm lòng thấu hiểu trẻ, sau đó cùng trẻ giải quyết vấn đề. Đây là nguyên tắc quan trọng khi giải quyết các vấn đề của trẻ, đối với vấn đề cụ thể
cần có sự phân tích cụ thể.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, nếu trước đó con trẻ “ham học” thì đó chỉ là sự ngoan ngoãn do bị bắt ép chứ không phải vì trẻ cảm nhận được niềm vui trong học tập, không phải bắt nguồn từ
nguồn động lực nội tại của trẻ. Như thế, động lực học tập của trẻ
rất dễ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài và suy yếu. Tiểu học là thời kỳ quan trọng để trẻ coi học tập là sở thích và niềm vui, nếu
ở tiểu học, cha mẹ và giáo viên chỉ chú ý đến thành tích học tập của trẻ thì đến giai đoạn trung học cơ sở, trẻ rất khó phát triển được một phương thức học tập thích nghi với môi trường mình đang theo học, tình trạng chán học vì thế mà cũng nảy sinh. Muốn để trẻ học tập một cách vui vẻ ở giai đoạn trung học, điều quan trọng là trước năm 15 tuổi cần để trẻ có niềm say mê và sở thích phong phú, đồng thời làm được một số “công việc” trên cơ sở những sở thích này. Nếu ở giai đoạn tiểu học trẻ không có được niềm vui từ quá trình học tập thì đến năm 14, 15 tuổi, khi sức ép của việc học hành tăng lên, trẻ sẽ rất dễ rơi vào tình trạng chán học.
Hiện nay, trẻ phải chịu sức ép học hành rất lớn, nhà trường và giáo viên đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học và thành tích thi cử. Thực ra, không có đứa trẻ nào là không muốn thành tích cao. Cha mẹ cần có sự gợi mở hợp lý, giảm bớt áp lực cho trẻ, cố gắng không nên chỉ chú ý vào điểm số và thứ hạng của trẻ, mà phải quan tâm đến quá trình học tập, suy nghĩ của trẻ và vấn đề làm thế nào để có được một phương pháp học tập hiệu quả.
Hệ thống kiến thức và những kỹ năng sinh tồn của chúng ta chủ yếu có được trong thời kỳ học đại học, còn tiểu học và trung học là thời kỳ bồi dưỡng lòng yêu thích việc học tập và phương pháp học tập có hiệu quả. Chính vì vậy, ở bậc tiểu học và trung học, không nên để trẻ mệt mỏi quá độ, cần dựa vào bản tính ham chơi của trẻ để
định hướng, gợi mở, chơi mà học, học mà chơi, để trẻ cảm nhận được niềm vui và sự thành công trong học tập.
Học tập không phải là công việc của trẻ, cũng không phải là gánh nặng của trẻ, chúng ta hãy thay đổi nhận thức về khái niệm “học tập”, tạo cho trẻ một môi trường học tập khiến trẻ cảm thấy vui vẻ. Làm được điều này đồng nghĩa với việc bạn đã lắp cho trẻ một “động cơ” ham học.