đánh giá con trẻ
Con trai tôi đang học lớp 8, cháu rất chăm chỉ nhưng thành tích học tập lúc nào cũng đứng ở giữa lớp trở xuống, học thêm, mời gia sư cũng không giải quyết được vấn đề gì. Cô giáo của con có nói
riêng với tôi rằng con không thông minh, được như hiện nay đã lã rất tốt rồi. Cha cháu cũng nói: “Thôi em đừng trăn trở nữa, con tiến bộ được từng nào hay từng đó, có phải con nó không cố gắng đâu!”. Nhưng tôi vẫn rất sốt ruột, đối với những đứa trẻ không thông minh thì mình nên làm gì để nâng cao thành tích học tập cho con?
Cần có cái nhìn toàn diện về đứa con của bạn, điểm số không phải là tiêu chuẩn đánh giá duy nhất
Các nhà tâm lý học Mỹ chỉ ra rằng: Nếu chỉ dựa vào kết quả
học tập để lựa chọn ra những đứa trẻ thông minh, giỏi giang thì e rằng có tới 70% số trẻ có khả năng sáng tạo độc đáo bị loại.
Con số này liệu có khiến cho người mẹ đang mang nặng tâm lý sốt ruột này nhẹ lòng hơn một chút không? Thú thực, tôi không cho rằng việc nâng cao điểm số của con quan trọng đến mức nào,
điều quan trọng là đứa trẻ phải sống trong sự kỳ vọng của cha mẹ có tâm trạng như thế nào? Rốt cuộc cậu bé bị cô giáo cho là không thông minh, để cha mẹ phải sốt ruột vì thành tích học tập của cậu là một người như thế nào?
Tôi không hiểu về năng lực của cậu bé này, càng không dám kết luận làm thế nào mới có thể nâng cao thành tích cho cậu – một học sinh “không thông minh”. Tôi cho rằng, trước hết cha mẹ cháu cần thoát ra khỏi sự quan tâm sát sao đến kết quả học tập của con và có sự nhìn nhận lại một cách toàn diện đối với đứa con của mình. Nhà giáo dục người Liên Xô, Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky (1918 - 1970), cho rằng: Không hiểu con mình, không hiểu sự phát triển trí tuệ của con, tư duy, niềm say mê, sở thích, tài năng, năng khiếu, khuynh hướng của con thì không thể bàn đến chuyện giáo dục. Hiện nay, một số trường học yêu cầu cha mẹ đưa con đi kiểm tra chỉ số IQ, có trường còn dùng khăn đỏ, khăn xanh để phân biệt học sinh giỏi và học sinh kém, thậm chí có trường còn dùng vở bài tập với các màu sắc khác nhau đỏ, vàng, xanh để “kì thị”... Sự phân loại học sinh của nhà trường đã khiến tâm lý của các con rất nặng nề, đáng lẽ giáo dục gia đình phải bù đắp những khiếm khuyết cho
giáo dục nhà trường. Nhưng trên thực tế, sự quan tâm đến thành tích của rất nhiều bậc phụ huynh không hề thua kém nhà trường, thậm chí còn nặng nề hơn cả giáo viên, trong khi lại không coi trọng việc rèn luyện các kỹ năng khác cho con trẻ. Nếu các bậc cha mẹ
chúng ta cũng bị thành tích, điểm số “dắt mũi”, coi nhẹ phát triển kỹ năng trên nhiều phương diện cho trẻ, coi nhẹ sự phát triển lành mạnh về tình cảm và tâm lý của trẻ thì sự thông minh của đứa trẻ đó có thể sẽ bị tàn lụi.
Hãy cho trẻ nhiều sân chơi phát triển khả năng của mình
Lý thuyết đa thông minh của Howard Gardner chứng minh rằng, không có người nào là mười phân vẹn mười, cũng không có người nào là hoàn toàn bất tài. Thành tích, điểm số không phải là tiêu chuẩn duy nhất đánh giá học sinh. Bài kiểm tra năng khiếu trong một cuộc thi nào đó cũng không thể tùy ý đưa ra lời kết luận hồ đồ về tương lai của học sinh. Cha mẹ và thầy cô cần tạo cho trẻ sân chơi để trẻ phát triển, thể hiện tài năng của mình, để trẻ trải nghiệm được niềm vui của sự thành công.
Họa sĩ vẽ tranh biếm họa, người Đài Loan, Thái Chí Trung, có câu nói rằng “Mỗi người đều có thể dùng cần câu cơm của mình để
kiếm miếng ăn”, quan trọng là cần sớm tìm ra chiếc cần câu cơm này. Lớp 8, Thái Chí Trung đã gửi tác phẩm mình vẽ cho một nhà xuất bản ở Đài Bắc, hè năm lớp 8 nhận được giấy thông báo tuyển dụng của họ, ông bèn mang theo 200 Đài tệ và một chiếc va li lớn một mình đến Đài Bắc. Ông chủ nhà xuất bản nhìn thấy Thái Chí Trung đứng lọt thỏm sau chiếc va li cồng kềnh mà vô cùng sửng sốt, không ngờ người vẽ những tác phẩm khiến ông có ấn tượng vẫn chỉ là một đứa trẻ. Trong năm năm làm việc ở nhà xuất bản, Thái Chí Trung đã tự học hết hết các môn trong chương trình học của khoa mỹ thuật trường đại học. Sau đó, Thái Chí Trung đến xin việc tại nhà xuất bản Quang Khởi – một nhà xuất bản nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất các chương trình truyền hình. Đối phương yêu cầu “tốt nghiệp đại học ngành có liên quan”, Thái Chí Trung bất chấp yêu cầu, vẫn đến thi, kết quả đã đánh bại 29 sinh viên tốt nghiệp đại học và được nhà xuất bản Quang Khởi tuyển dụng. Ông nói: “Tôi không có bằng cấp nhưng năng lực lại rất mạnh”.
Mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài, chỉ có điều cha mẹ không biết mà thôi. Hãy để trẻ tìm ra phương pháp học tốt cho mình, tìm ra công việc mà mình thích làm nhất rồi kiên trì đi theo sẽ rất hiệu quả.
Đầu bếp hàng đầu nước Anh Jamie Oliver – người được mệnh danh là “Beckham của ngành ẩm thực thế giới” – hồi nhỏ lớn lên ở
ngôi làng nhỏ Clavering thuộc hạt Essex của Anh, cha mẹ anh kinh doanh một quán bar kiêm nhà hàng khá nổi tiếng ở đó. Từ khi 8 tuổi Jamie Oliver đã đứng trong bếp gọt vỏ khoai tây hoặc tách vỏ đậu giúp các đầu bếp. Năm 11 tuổi, anh đã tự chọn được nguyên liệu để
nấu món canh rất ngon. Năm 16 tuổi, Jamie Oliver đã tin rằng niềm say mê của mình đối với nghệ thuật nấu ăn không phải là sự
cao hứng nhất thời của tuổi trẻ, và thế là anh đã bỏ học và theo học tại Học viện ẩm thực Westminster, hoàn thành khóa học đào tạo chuyên ngành ở đó rồi tiếp tục sang Pháp học sâu hơn. Năm Jamie Oliver 19 tuổi, đài truyền hình BBC đã cho ra mắt chương trình The Naked chief với sự tham gia chính của Jamie Oliver. Chương trình này không phải tổ chức ở một nhà bếp được xây dựng trong trường quay mà chân thực hơn. Nhờ có phong cách rất khoáng đạt, nét mặt tự nhiên, thoải mái và sức cuốn hút rất thời thượng của mình,
Jamie Oliver đã trở thành “Beckham trong giới ẩm thực” nổi tiếng toàn cầu. Ngoài ra, các cuốn sách dạy nấu ăn của Jamie Oliver cũng trở thành sách bán chạy trên thế giới, được dịch sang 21 thứ
tiếng; chương trình truyền hình do công ty của anh sản xuất được trình chiếu ở hơn 40 quốc gia. Anh còn sở hữu 18 doanh nghiệp tư
nhân ở Anh.
“Xuất sắc” hay “thành công” của một người chính là sử dụng thế mạnh của mình để làm những việc mà người bình thường không làm được.
Có thể bạn sẽ nói, ví dụ khiến người ta rất tâm phục khẩu phục, nhưng chúng ta rất khó làm được điều đó, ai dám mạo hiểm? Thà cứ thi đại học, học ngành gì thì học, tốt nghiệp không xin được việc thì vẫn yên tâm hơn là không học đại học. Đúng vậy, thi đại học đã làm thay đổi số phận của bao thế hệ. Nhưng bao nhiêu năm qua, “học thuyết bằng cấp là số một” cũng đã bộc lộ rất nhiều bất
cập, một kỳ thi đã kìm hãm niềm say mê và sở thích của rất nhiều con người, từ đó cũng kìm hãm tính sáng tạo của xã hội và sự trưởng thành của những nhân tài đầy cá tính?
Hãy tin rằng mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài, chỉ cần có con mắt tinh tế và tình yêu của cha mẹ và thầy cô để phát hiện ra điều đó. Khi thượng đế khép cánh cửa này của con em chúng ta, chắc chắn ngài sẽ mở ra cánh cửa khác ở một khu vực nào đó. Tại đó, có những tia nắng ấm áp mà cuộc đời trẻ cần, cũng có những kỹ năng và thế mạnh trẻ cần phải có để có thể sinh tồn trong tương lai.
Phụ lục
Dương Văn trong mắt tôi
Trong phòng làm việc của gia đình chị, giá sách chứa đầy sách, dưới đất sách chồng thành tầng.
Dương Văn rút từ trong đống sách ra một cuốn tạp chí khích lệ ý chí dành cho nữ giới, chỉ vào dòng chữ “khích lệ ý chí” và nói: “Đây là loại sách mà mình thích đọc từ nhỏ” rồi mỉm cười.
Chị mím môi cười, thủ thỉ chuyện trò vô cùng gần gũi.
Tôi đã làm phóng viên 20 năm, quen rất nhiều người, được chứng kiến rất nhiều chuyện, nhưng người phụ nữ tên Dương Văn với lối chuyện trò rủ rỉ này đã khiến tôi phải nhìn nhận lại chặng đường đời mà mình đã đi qua và giá trị cuộc đời của người phụ nữ, gồm cả vốn trí tuệ và nghệ thuật làm mẹ. Nếu không được tiếp xúc gần gũi, không ai có thể cảm nhận được trong trái tim người phụ
nữ nhỏ bé, dịu dàng này có luồng sức mạnh và trí tuệ lớn như thế nào!
(1)
Ngày 22 tháng 12 năm 2006, chị đứng trên sân khấu của Đại lễ
đường Nhân Dân để đón nhận danh hiệu đặc biệt dành cho một người mẹ - “Mười người mẹ kiệt xuất nhất Trung Quốc”. Giữa tấm huy chương vàng, chiếc cúp pha lê trong suốt và những bó hoa tươi thắm, người phụ nữ đến từ quê hương Khổng – Mạnh, vùng đất trọng lễ nghi này nở một nụ cười đầy hạnh phúc và khiêm nhường.
Giây phút ấy, tôi ngồi dưới sân khấu và suy nghĩ mông lung. Đây chính là cô gái năm xưa lăn lộn trên cầu thăng bằng và xà lệch, hai bàn tay bị tróc hết da mà vẫn kiên trì tập luyện ư?
Đây là cô thợ may 17 tuổi, vì muốn học bổ túc chương trình mà giữa đêm mưa trời tối đen như mực, một mình băng qua nghĩa địa, tự véo cổ tay mình và nhủ thầm “Mình nhất định phải thi đỗ đại học” đó ư?
Đây chính là giảng viên đại học hết lòng vì công việc, vì muốn dạy tốt một lớp mà để mình mệt đến nỗi bị đau tim ư?
Đây chính là người mẹ vì muốn con được tận mắt chứng kiến một thế giới chân thực, bất kể ngày hè nóng bức hay đêm đông giá rét, đưa con đi “du lịch” khắp nơi ư?
Đây chính là cô lưu học sinh năm xưa, vì muốn con trai mình và hàng triệu trẻ em Trung Quốc mau chóng được học tốt tiếng Anh mà lang thang thang trên các đường phố ở Anh, ăn tạm miếng bánh mì nguội ngắt, uống chai nước lạnh, lùng khắp các chợ sách cũ, miệt mài học tập ở trường Đại học Nottingham của Anh ư?
Đây chính là người sáng lập ra trường đại học dân lập, dù đang sốt cao vẫn bước cao bước thấp giữa công trường ngổn ngang khi xây dựng khu trường mới, được 20.000 sinh viên gọi là “người mẹ
viện trưởng” ư? …
Chính là chị!
Là người phụ nữ với cái tên Dương Văn đã theo đuổi giấc mơ của chính mình giữa muôn vàn biến đổi.
Là người phụ nữ với cái tên Dương Văn sáng tạo ra hạnh phúc và huy hoàng trong cuộc đời bình dị của một người phụ nữ.
Là người phụ nữ với cái tên Dương Văn hơn 8.000 ngày đêm đồng hành cùng con trai.
Tôi đã từng thắc mắc: Một người phụ nữ nhỏ bé, dịu dàng như
vậy đã dựa vào nguồn sức mạnh nào để thay đổi số phận của mình hết lần này đến lần khác?
Không phải vì ông trời ưu ái cho chị, cũng không phải vì chị có tài năng đặc biệt, mà là ý chí kiên nhẫn và nghị lực dẻo dai của chị, sự
chân thành và bao dung của chị đã giúp chị gặt hái được thành công. Ngay cả khi làm mẹ, chị cũng nghiêm túc và rắn rỏi hơn người khác, chị nói “làm mẹ cũng là một nghề”.
Tôi nghĩ, tấm huy chương vàng và chiếc cúp pha lê là phần thưởng lớn nhất dành cho “nghề làm mẹ” của chị trong 22 năm qua, cũng là phần thưởng lớn nhất cho 22 năm phấn đấu của chị.
Cuộc sống, sự nghiệp, gia đình chị mĩ mãn đến mức khó tin, nhưng đích thực là chị đã sở hữu được tất cả những điều đó.
Cậu con trai Hạ Dương lạc quan, thông minh, sau khi tốt nghiệp Trinity College, Đại học Cambridge đã từ bỏ cơ hội vào làm việc ở
ngân hàng đầu tư nổi tiếng với mức lương hậu hĩnh và vào học tiến sĩ tại phòng thí nghiệm sinh học hàng đầu thế giới. Năm 2009, qua cuộc bầu cử dân chủ của toàn thể sinh viên Đại học Cambridge, Hạ
Dương được lựa chọn là đại diện nghiên cứu sinh duy nhất của Ủy ban chủ nhiệm học thuật trường Đại học Cambridge (General Board of the Faculties); khi trường Đại học Cambridge kỷ niệm 800 năm ngày thành lập trường, nhà trường đã lựa chọn 800 người, mỗi người viết một bức thư kín gửi cho thế hệ sau, 800 bức thư này được nữ
hoàng Anh đích thân niêm phong trong thư viện của Đại học
Cambridge, 100 năm sau mới được mở ra. Lá thư của Hạ Dương là một trong số đó.
Những điều này rất đáng để một người mẹ tự hào và vui mừng! Cuối năm 2006, Dương Văn vinh dự nhận được danh hiệu “Mười người mẹ kiệt xuất nhất của Trung Quốc”, chồng chị cũng nhận được danh hiệu lao động “Phát triển quê hương” của tỉnh Sơn Đông. Anh chị như hai bánh xe của một cỗ xe cùng tiến về phía trước. Trong hơn 30 năm quen nhau và làm bạn với nhau, luôn có một sức mạnh khiến họ như những vận động viên chạy tiếp sức bền bỉ, gây dựng sự nghiệp ngày một lớn mạnh, trái tim cũng ngày càng gần nhau hơn.
Chị đã chuyện trò rất lâu với tôi, tất cả đều khiến tôi sửng sốt. Làm mẹ, làm vợ, gây dựng sự nghiệp… Ở con người chị, tôi nhìn thấy vốn trí tuệ và sự sáng tạo của một người phụ nữ hiện đại,
đồng thời cũng nhìn thấy sự hiền hậu và tốt bụng của một người phụ nữ truyền thống.
Tôi nửa đùa nửa thật nói với chị rằng: “Chẳng ai ngờ chị lại là 'cha đẻ' của phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em Trung Quốc!”. Lần này chị không khiếm tốn mà cười và khẽ nhíu mày nói: “Đúng vậy! Sau này trong lịch sử dạy tiếng Anh cho trẻ em Trung Quốc, các con sẽ gọi mình là bà Dương Văn!”.
Tôi biết chị không hổ danh về điều đó.
Năm xưa, chị sang Anh học tập và nghiên cứu phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em, trở thành hội viên Trung Quốc đầu tiên của Hiệp hội giáo viên quốc tế giảng dạy tiếng Anh cho thiếu nhi; bộ
sách Tiếng Anh cho trẻ em do chị chủ biên đã được giảng dạy liên tục hơn 10 năm ở mấy trăm trường mầm non trên toàn quốc;
“Phương pháp dạy tiếng Anh trực quan cho trẻ em” của chị được đưa vào danh sách mười cách dạy ngoại ngữ của Trung Quốc đương đại;
cuốn Phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho trẻ em do chị viết đã lấp chỗ trống cho lĩnh vực dạy tiếng Anh cho trẻ em của Trung Quốc; và môn học Phương pháp dạy tiếng Anh cho trẻ em do chị
giảng dạy được bình chọn là môn học tiêu biểu cấp quốc gia của Bộ
giáo dục Trung Quốc. Đây cũng là môn học tiêu biểu cấp quốc gia đầu tiên của trường đại học dân lập trên toàn quốc. Hai năm trở lại đây, chị còn giành được danh hiệu nhà giáo ưu tú cấp quốc gia duy nhất của các trường đại học dân lập trên toàn quốc và chuyên gia phụ trách lực lượng giảng viên đại học tiêu biểu cấp quốc gia... tôi biết, ở các trường đại học nổi tiếng, số giảng viên cùng lúc nhận được những danh hiệu này cũng không nhiều.
Chuyên ngành Giáo dục trước tuổi đi học của Học viện Anh Tài