trung” của trẻ
Con tôi hiện tại 3,5 tuổi, cô giáo dạy mầm non của con phản ánh rằng con làm việc gì cũng không tập trung, ví dụ, vừa tô màu vừa chơi, lúc nào cũng là người hoàn thành cuối cùng. Trong giờ học con cũng rất hiếu động. Tôi biết và cũng rất muốn con sửa thói xấu này, nhưng hiệu quả không rõ rệt. Vậy làm thế nào mới có thể rèn cho con khả năng tập trung trong công việc?
Khả năng tập trung hữu ý và vô thức
Con gái của bạn tôi 3 tuổi, cũng vừa đi học mẫu giáo, cô giáo cũng phàn nàn với chị ấy rằng trong lớp cháu ngồi không yên, không tập trung, chị ấy cũng lo lắng không biết con có mắc chứng tăng động không, bèn nhờ tôi cùng chị quan sát cháu.
Hôm đó, tôi mang đến một cái hộp đã được niêm phong, bên trong có đặt một món đồ chơi là chú chim cánh cụt hoàng đế, ngoài ra còn có một đồ chơi nhỏ khác mà tôi mua cho cháu. Khi nhìn
thấy bé, tôi liền chào trước: “Đoàn Đoàn à, hôm nay cô mang đến cho con một vị khách bí ẩn. Hiện tại bạn ấy đang ngủ trong chiếc hộp này, à đúng rồi, bạn ấy cũng mang đến cho con một món quà
nhỏ, lát nữa bạn ấy tỉnh giấc, chúng mình sẽ mời bạn ấy ra nhé?”. Sau đó, tôi liền thấy cô bé nhìn chăm chú chiếc hộp trong tay tôi bằng ánh mắt tò mò, tôi vừa theo dõi những thay đổi ở bé, vừa len lén lấy tay cào nhẹ đáy hộp, để nó phát ra tiếng động rồi nói: “Người bạn bí ẩn này vừa từ Nam Cực trở về, bạn ấy phải đi một quãng đường rất dài nên rất mệt và ngủ thiếp đi rồi...”. Rồi tôi kể cho cháu nghe về câu chuyện chú chim cánh cụt hoàng đế. Suốt nửa tiếng đồng hồ, bé lắng nghe rất chăm chú, không hề
nghịch ngợm, tay còn mân mê chiếc hộp đã bị niêm phong đó, kiên nhẫn chờ đợi vị khách kia tỉnh giấc... Tôi và mẹ cô bé liền nhìn nhau cười hiểu ý: Chẳng có gì phải lo lắng cả, đứa trẻ chăm chú nghe kể chuyện được như thế thì làm sao có thể có vấn đề về khả năng tập trung hay mắc chứng tăng động được? Quan trọng là nội dung mà trẻ học ở trên lớp có khiến trẻ cảm thấy hứng thú hay không mà thôi.
Khả năng tập trung của con người được chia thành tập trung hữu ý và tập trung vô thức. Sự tập trung hữu ý đòi hỏi trẻ phải ở một độ tuổi nhất định mới có thể duy trì trong một thời gian khá dài. Trẻở độ
tuổi nhỏ thì chủ yếu tập trung một cách vô thức, sự tập trung hữu ý thường rất ngắn ngủi, có thể chỉ kéo dài mười mấy phút thậm chí là ngắn hơn. Chính vì vậy, bạn cần cho phép trẻ có sự tập trung hữu ý không thể duy trì trong một thời gian dài, cho phép trẻ nghịch
ngợm luôn tay luôn chân. Đồng thời, với đặc điểm tâm lý của trẻ, bạn cần tận dụng tối đa sự tập trung vô thức của trẻ, để chúng chuyển hóa thành thế mạnh phát triển trí tuệ thời kỳ đầu của trẻ. Bạn cũng có thể lợi dụng trí tò mò của trẻ để thu hút sự tập trung vô thức này và tăng cường khả năng tập trung hữu ý cho trẻ.
Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ
Thông thường, có những nhân tố sau ảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ: (1) Phương diện sinh lý: Do đại não của trẻ phát triển chưa hoàn thiện nên khả năng làm chủ cảm xúc còn chưa tốt. Đây là điều bình thường, chỉ cần có phương pháp nuôi dạy phù hợp, khi lớn khôn hơn, hầu hết các trẻ đều rèn được khả năng tập trung. (2) Phương diện bệnh lý: Tổ chức não bị tổn thương nhẹ và một số bất thường khác trong hệ thần kinh cũng có thể gây ra chứng
tăng động ở trẻ, chủ yếu được biểu hiện ở việc không tập trung, quá hiếu động, bướng bỉnh, xốc nổi, tinh thần không ổn định, xuất hiện hành vi bất thường, gặp khó khăn trong học tập. Cấu trúc hoặc chức năng của sợi thần kinh bất thường có thể gây ra chứng rối loạn co giật ở trẻ, ngoài các dấu hiệu như chớp mắt liên tục, cau mày, tru miệng, hắng giọng, ngoáy cổ, nhún vai, xoải cánh tay, đá chân, cũng thường đi kèm theo triệu chứng không tập trung. Ngoài ra, những đứa trẻ có sự bất thường về thính giác hoặc thị giác cũng bị ngộ nhận là lơ đãng, không tập trung, không có ý thức học. Những tình huống này cần phải được trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa mới có thể cải thiện. (3) Phương diện ăn uống và môi trường: Bánh kẹo, các đồ uống chứa cafein hoặc chứa phẩm màu nhân tạo, thực phẩm chứa chất bảo quản... đều kích thích tinh thần của trẻ, ảnh hưởng đến sự tập trung. Ngoài ra, môi trường ô nhiễm gây tình trạng nhiễm độc chì cũng sẽ bịảnh hưởng. Điều này yêu cầu cha mẹ phải chú ý đến việc ăn uống và môi trường của trẻ. (4) Phương diện gia đình: Thái độ nuôi dạy và thói quen sinh hoạt trong gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của trẻ, đồng thời cũng là nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến trẻ, ví dụ: Cha mẹ
có phương pháp giáo dục không thống nhất khiến trẻ không biết phải theo ai, không có tính nhất quán; nuông chiều quá mức sẽ
dung túng cho trẻ, khiến trẻ chỉ thích làm theo ý mình, không chịu nhẫn nại, không có khái niệm kiềm chế bản thân, khắc phục khó khăn, làm việc cũng khó tĩnh tâm làm đến cùng; mua quá nhiều sách hoặc đồ chơi cho trẻ, các yếu tố kích thích bên ngoài quá nhiều, vừa chơi với ô tô đồ chơi, vừa tìm đồ chơi khác, thay đổi liên tục, đồ chơi chỉ có thể thu hút trẻ trong một thời gian ngắn, trẻ
không thể cảm nhận được niềm hứng thú phát huy trí tưởng tượng và óc sáng tạo trong quá trình chơi; gia đình có quá nhiều hoạt động, không thể tạo cho trẻ một môi trường yên tĩnh, cuộc sống lúc nào cũng diễn ra trong bầu không khí sôi động, ồn ào.
Nếu con trẻ không có các nguyên nhân trên thì thông thường khả
năng tập trung sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại.
Việc rèn khả năng tập trung cần bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ. Một em bé 1, 2 tuổi ngồi xổm dưới đất, tập trung hết sức để đưa một khối gỗ hình trụ vào hộp gỗ thả hình, ngoài ra còn có các hình khối khác, hết lần này đến lần khác, thái độ “làm việc” chăm chú đó là trạng thái mà người lớn chúng ta rất ít khi có. Sau khi hoàn thành “công việc”, vẻ thỏa mãn, thoải mái và phấn chấn đó của trẻ tựa như vừa hoàn thành được một công việc rất vĩ đại. Hãy tạo cho trẻ nhiều cơ hội như thế sẽ rèn được khả năng tập trung cho trẻ.
Khi phát hiện ra con yêu của mình đang chăm chú theo dõi chú cá, đàn kiến hoặc một món đồ chơi mà trẻ rất có hứng thú, chúng ta cố gắng không nên cắt đứt dòng suy nghĩ của trẻ bởi trí tò mò của trẻ thôi thúc trẻ rèn luyện và kéo dài thời gian tập trung. Nếu lúc này bạn can thiệp vào thì đồng nghĩa với việc trẻ sẽ phải chuyển hướng chú ý sang vấn đề khác, điều này sẽảnh hưởng đến khả năng tập trung của trẻ. Những đứa trẻ dễ chuyển hướng chú ý, không tập trung được lâu vào một việc như thế này, kể cả sau này lớn lên, học hành, làm việc cũng rất dễ phân tâm, sau này đi học nghe giảng trên lớp sẽ
không thể tập trung, kết quả học tập sẽ không đạt được như mong muốn.
Khi còn nhỏ, đôi lúc trẻ yêu cầu người lớn kể đi kể lại một câu chuyện, người lớn cảm thấy đã kể rất nhiều lần rồi, tại sao vẫn đòi nghe? Đây chính là đặc điểm của trẻ nhỏ, trẻ muốn được trải nghiệm nhiều lần những cái mà trẻ có hứng thú, cho đến khi nào trẻ không tò mò nữa thì thôi. Do đó, chúng ta không nên từ chối trẻ, chỉ cần trẻ thích nghe thì bạn hãy kể cho trẻ, đây cũng là một hình thức rèn khả năng tập trung cho trẻ.
Muốn để trẻ tập trung làm một việc gì đó lâu, người lớn không nên bắt ép trẻ, mà cần để trẻ biết tại sao phải làm như vậy, kích thích nguyện vọng làm công việc này ở trẻ. Một người mẹ và con của chị gieo một hạt đậu và đặt trên bậc cửa sổ. Người mẹ nói với cậu bé rằng: “Chẳng bao lâu nữa hạt đậu này sẽ nảy mầm và ra lá xanh, nếu con nhìn thấy hạt đậu nảy mầm thì nhớ nói cho mẹ biết”. Người mẹ này đã giao nhiệm vụ cho con trẻ như vậy, để hoàn thành
nhiệm vụ mẹ giao, ngày nào bé cũng đến bên cửa sổ và quan sát hạt đậu, sự quan sát này cũng là một cách rèn luyện.
Ngoài ra, khi rèn khả năng tập trung cho trẻ, bạn cần dựa vào đặc điểm của trẻ nhỏ để lựa chọn địa điểm, bầu không khí, nội dung phù hợp, để trẻ tiếp nhận sự giáo dục vui vẻ trong môi trường mà trẻ có hứng thú.
Tôi luôn cho rằng, giáo dục con trẻ là phương pháp giáo dục rèn cho trẻ những thói quen và hành vi tốt, sự giáo dục này không thể đi ngược với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ theo kiểu nhổ mạ thúc lớn, và cũng không thể thoải mái, tự nhiên, bỏ lỡ những cơ hội giáo dục tốt có thể nắm bắt trong quá trình trưởng thành của trẻ. Sự trưởng thành của trẻ là một quá trình rất dài, từng vòng từng vòng một, nhưng đồng thời cũng là một quá trình rất ngắn ngủi, cũng giống như việc gieo hạt, nắm bắt được thời cơ thì chắc chắn sẽ có một vụ mùa bội thu.