Làm thế nào giúp con có khiếu ăn nói?

Một phần của tài liệu Ebook Mẹ luôn đồng hành cung con :Phần 2 (Trang 80 - 83)

Con tôi mới 8 tháng tuổi. Hai vợ chồng tôi đều không có khiếu ăn nói, tôi rất muốn sau này lớn lên con có tài diễn thuyết,

nhưng sợ con bị ảnh hưởng gene di truyền của cha mẹ. Nghe nói, người có khả năng ngôn ngữ đều phải rèn luyện từ nhỏ. Tôi muốn hỏi chị làm thế nào để bồi dưỡng khả năng này cho con từ khi con còn rất nhỏ?

Trẻ học ngôn ngữ một cách vô thức

Trước hết, tôi muốn nói rằng việc phát âm các ngôn ngữ được kế thừa từ đời này sang đời khác, có tính liên tục, nhưng bản thân ngôn ngữ không di truyền như gene.

Hành vi ngôn ngữ của trẻ chịu ảnh hưởng của thính giác. Nếu cha mẹ đứa trẻ là người Anh, tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh, nhưng trẻ sinh ở

Trung Quốc, mọi người xung quanh đều nói tiếng Trung thì ngôn ngữ mà đứa trẻ nói chắc chắn là tiếng Trung. Trong cơ thể trẻ có một cơ chế ngôn ngữ đặc biệt, cơ chế thần kỳ này giúp cơ thể trẻ có một “giáo viên” rất tốt, bản thân trẻ cũng là một học sinh chăm chỉ, chỉ cần thế giới người lớn không cản trở trẻ, trẻ sẽ học tốt ngôn ngữ.

Trước hết, hãy tìm hiểu đặc điểm học ngôn ngữ của trẻ em. Cơ

chế tâm lý học ngôn ngữ của trẻ em được bắt đầu trong trạng thái hoàn toàn vô thức của đại não, sau khi phát triển sẽ trở thành một phần của đại não. Từ khi chào đời đến năm 2 tuổi, mắt thường chúng ta không nhìn thấy nhưng lượng công việc bên trong cơ thể

của trẻ lại rất lớn. Bạn sẽ phát hiện ra rằng, ở một thời điểm nào đó trẻ sẽ xuất hiện khả năng phát ra các âm tiết, sau đó khả năng này sẽ kéo dài mấy tháng mà không có sự thay đổi; một thời gian nữa trôi qua, trẻ lại biết nói một hai từ đơn, sau đó dần dần lại không tiến bộ nữa. Đột nhiên một ngày nọ, trẻ sẽ nói với mẹ câu đơn giản rồi bắt đầu như một con vẹt, ai nói gì cũng bi bô bắt chước. Lên 5, 6 tuổi, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ đã rất rõ ràng.

Tạo ra môi trường, dựa theo niềm hứng thú của trẻ

Đối với các hành vi liên quan đến ngôn ngữ của trẻ em và biểu hiện của những hành vi này, Montessori đã có những miêu tả theo từng giai đoạn: Khoảng 4 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu bị thu hút bởi cái miệng phát ra tiếng. Trẻ rất chú ý đến các động tác của miệng người lớn khi nói chuyện với trẻ, trẻ đang quan sát rất tỉ mỉ và bắt chước. Một năm sau khi trẻ chào đời, cha mẹ cần chuyện trò mặt đối mặt nhiều với trẻ. Quan sát trẻ đang quan tâm đến vấn đề gì, cha mẹ sẽ nói với trẻ những cái liên quan đến hoàn cảnh mà trẻ

đang có mặt, không nên nói đến những cái không có liên quan, vì đó thực sự là “đàn gảy tai trâu”. Đối với những cái không nhìn thấy, không trải nghiệm được, trẻ sẽ không có cảm giác. Một số cha mẹ vì muốn rèn luyện khả năng ngôn ngữ cho trẻ mà sử dụng cách bật băng đĩa, phương pháp này không thích hợp lắm với trẻ ở giai đoạn này. Khi trẻ vừa nhận biết được sự vật, có thể dạy trẻ tên các sự vật và người mà trẻ nhìn thấy, cảm nhận được, dạy trẻ bằng âm điệu nhẹ

nhàng, rõ ràng như, “cha”, “mẹ”, “hoa”, “cỏ”, “bóng đèn”, “chú mèo”... Khi dạy những điều này, cần để trẻ nhìn thấy, sờ thấy sự vật và con người đó, trẻ mới tập trung học. Mặc dù, có lúc trẻ phát âm không rõ ràng, nhưng cha mẹ vẫn cần khích lệ trẻ, kích thích hứng thú cho trẻ, không nên đi ngược với niềm hứng thú của trẻ, bắt ép trẻ học ngôn ngữ. Trẻ từ 0 đến 1 tuổi chủ yếu vẫn dùng ngôn ngữ hình thể

để giao lưu với người khác, ở giai đoạn này, trẻ học ngôn ngữ một cách âm thầm, chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Việc người lớn cần làm là không nên gây cản trở cho quá trình tự nhiên này.

Sau 1 tuổi, trẻ đã hoàn thành được giai đoạn học tập tiềm thức, mặc dù vẫn chưa thoát khỏi trạng thái bi bô học nói, nhưng những điều trẻ nói đã thể hiện rõ mục đích. Điều này chứng tỏ trẻ học ngôn ngữ trong trạng thái vô thức, từng bước đạt tới trạng thái có ý thức. Trẻ ngày càng có hứng thú với việc học ngôn ngữ, người lớn nói gì, trẻ sẽ bắt chước theo, vô cùng ngộ nghĩnh. Montessori đã từng kiến nghị mở một trường học đặc biệt cho trẻ từ 1 đến 1,5 tuổi. Trong thời kỳ này, để trẻ được tiếp xúc nhiều với mẹ, với người lớn, với xã hội; để trẻ luôn được nghe thấy các cuộc nói chuyện có phát âm chuẩn, nội dung rõ ràng. Trẻ em rất có nguyện vọng được giao lưu với thế giới xung quanh, khi nói chuyện với trẻ, người lớn cũng

giúp trẻ tổ chức ngôn ngữ, không nên nói “ngôn ngữ trẻ em” như

“măm măm”, “bặp bặp”, mà cần tuân thủ các quy tắc ngữ pháp. Cha mẹ thao thao bất tuyệt chưa chắc đã có lợi cho việc học ngôn ngữ của trẻ, chỉ cần có sự chuyện trò chân thành, toàn tâm toàn ý, cho dù không nói nhiều, trẻ cũng vẫn cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ và tình yêu hết mực của cha mẹ. Còn những kỹ xảo thuyết trình thì giai đoạn này chưa cần phải học.

Tạo cho trẻ tối đa cơ hội sử dụng ngôn ngữ

Có người bạn đã từng hỏi tôi rằng, liệu có thể cho trẻ học cùng một lúc hai ngôn ngữ hay không? Mỗi đứa trẻ đều học ngôn ngữ, cú pháp, quy tắc ngữ pháp trong môi trường của riêng chúng, cho dù đơn giản hay phức tạp. Nếu trong thời kỳ then chốt này trẻ tiếp xúc với hai ngôn ngữ, ví dụ cha mẹ mỗi người nói một thứ tiếng, thì khả năng sáng tạo của trẻ sẽ cho phép trẻ đồng thời học hai thứ

tiếng. Đây là sự học hỏi rất tự nhiên, học hỏi có môi trường. Khoảng 2 tuổi, khi thời kỳ bùng nổ ngôn ngữ của trẻ bắt đầu, cần phải để trẻ sử dụng ngôn ngữ, sau đó trẻ mới có thể dùng các câu đúng cấu trúc ngữ pháp để diễn đạt suy nghĩ của mình. Lúc này, cha mẹ cần tạo cho trẻ tối đa cơ hội sử dụng ngôn ngữ. Ví dụ, sau khi kể

xong chuyện cho trẻ, mẹ có thể bảo trẻ kể lại câu chuyện vừa nghe cho cha mẹ nghe và khích lệ trẻ. Được nghe kể chuyện, vốn từ của trẻ sẽ

phong phú hơn, việc kể lại câu chuyện giúp trẻ củng cố khả năng ngôn ngữ của mình.

Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ cần có sựủng hộ của môi trường, chủ yếu là từ những người sống cùng với trẻ. Rất nhiều trẻ mặc dù cơ quan ngôn ngữ phát triển bình thường, nhưng đến năm 3 tuổi vẫn dùng một số từ ngữ của trẻ ở độ tuổi bé hơn, thực chất đây là một sự kìm hãm của môi trường đối với cơ chế ngôn ngữ của trẻ. Khi tâm lý trẻ bị tổn thương và gặp trở ngại, khiến trẻ không thể diễn đạt được mạch lạc điều mình muốn nói. Rất nhiều người lớn nói chuyện khó khăn, phần lớn là do nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân tâm lý này hầu hết bắt nguồn từ thuở ấu thơ.

Trong quá trình nuôi dạy con, rất nhiều bậc phụ huynh đã chú ý đến tầm quan trọng của ngôn ngữ, tuy nhiên lại không hiểu nhiều về quá trình và đặc điểm học ngôn ngữ của trẻ. Hy vọng ngày càng có nhiều bậc phụ huynh tạo cho trẻ môi trường và phương pháp khoa học, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, để nguồn năng lượng học ngôn ngữ tiềm ẩn của trẻ được phát huy cao độ.

Một phần của tài liệu Ebook Mẹ luôn đồng hành cung con :Phần 2 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(178 trang)