Giáo dục từ lâu vẫn được coi là đòn bẩy đối với phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó, GDĐH giữ vị trí then chốt trong sự nghiệp đào tạo NNL chất lượng cao cho đất nước và luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.
Khái niệm giáo dục được nêu trong Từ điển Giáo dục học (2001) là hoạt động truyền thụ những tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức cho đối tượng người học. Đây là hoạt động thông qua nhiều phương pháp, phương tiện giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách cho người học là đối tượng của hoạt động giáo dục [56].
Cơ cấu hệ thống giáo dục của một quốc gia biểu thị các phân tầng của hệ thống giáo dục và các quy định về trình độ văn bằng liên quan, trong đó GDĐH được biết đến như là đỉnh cao của hệ thống cung cấp tri thức, với vai trò dẫn dắt các nghiên cứu và định hình nhiều xu thế mới trong xã hội. GDĐH truyền cho người học những kiến thức và hiểu biết sâu sắc nhằm giúp họ đạt tới những giới hạn mới của tri thức trong từng lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống - các lĩnh vực chuyên sâu.
Trong cuốn "Learning to effect" xuất bản năm 1992 giáo sư Ronald Barnett [115] đã đưa ra một số khái niệm thông dụng về GDĐH, bao gồm:
- GDĐH là một dây chuyền sản xuất mà đầu ra là nhân lực đạt chuẩn. Theo quan điểm này, GDĐH là một quá trình trong đó người học chính là
những sản phẩm được cung ứng cho thị trường lao động. Như vậy, GDĐH trở thành "đầu vào" tạo sản phẩm là NNL cao cho phát triển KT - XH.
- GDĐH là đào tạo để trở thành nhà nghiên cứu. Theo cách nhìn này, GDĐH là thời gian chuẩn bị để hình thành nên những nhà khoa học và nghiên cứu thực thụ, những người sẽ không ngừng khám phá những chân trời kiến thức mới. Chất lượng ở đây hướng về việc tạo ra các công bố khoa học và tinh thần làm việc nghiêm ngặt để thực hiện các nghiên cứu có chất lượng.
- GDĐH là quản lý việc tổ chức giảng dạy một cách hiệu quả. Đa số quan điểm cho rằng giảng dạy là hoạt động cốt lõi của một CSGDĐH, vì thế các trường ĐH cần chú trọng quản lý một cách hiệu quả NNL GV và các hoạt động giảng dạy bằng cách nâng cao chất lượng giảng dạy và tỷ lệ kết thúc khoá học của SV.
- GDĐH là mở rộng cơ hội trong cuộc sống cho người học, chính là một cơ hội để người học nâng cao phát triển nhận thức của bản thân.
Các khái niệm về GDĐH của Barnett (1992) giải thích rõ ràng về cách tiếp cận khác nhau nghiên cứu sâu về GDĐH.
Dựa trên đối tượng và phạm vi nghiên cứu luận án sẽ tập trung vào khái niệm đầu tiên đó là: GDĐH là một dây chuyền sản xuất mà đầu ra là nhân lực
đạt chuẩn. Theo quan điểm này, GDĐH là một quá trình trong đó người học chính là những sản phẩm được cung ứng cho thị trường lao động. Như vậy, GDĐH trở thành "đầu vào" tạo sản phẩm là NNL cao cho phát triển KT - XH.