Trong khái niệm về quản lý nhà nước về giáo dục ĐH có 3 yếu tố cơ bản là: chủ thể, đối tượng và mục tiêu quản lý nhà nước về giáo dục ĐH.
Một là Chủ thể quản lý nhà nước về giáo dục ĐH là các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các nhà quản lý (cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp.) Chính phủ, Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ và cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân các địa phương).
Với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước mang tính công quyền, nhà nước có các chức năng quản lý cơ bản sau đây:
Thứ nhất: tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động ĐH của các cơ sở giáo dục ĐH trong phạm vi cả nước.
Thứ hai: định hướng phát triển của các cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế
Thứ ba: kiểm tra, giám sát mọi hoạt động giáo dục ĐH và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giáo dục ĐH
Hai là, Đối tượng quản lý nhà nước về giáo dục ĐH là hệ thống các cơ sở giáo dục ĐH, là mọi hoạt động giáo dục ĐH trong phạm vi cả nước, là mọi người tham gia hoạt động giáo dục ĐH. Cần nhấn mạnh những người tham
gia hoạt động giáo dục ĐH là đội ngũ cán bộ quản lý, GV, cán bộ nghiên cứu khoa học và SV. Đó là những trí thức có trình độ cao của tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội, luôn đề cao hiền tài, lòng tự trọng và tự tôn dân tộc, lấy đạo đức và tài năng làm thước đo giá trị, luôn có nhu cầu tự do trong học thuật và trong sáng tạo tri thức. Nhận thức đầy đủ đặc điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác quản lý giáo dục ĐH.
Ba là, Mục tiêu tổng quát của quản lý nhà nước về giáo dục ĐH là bảo đảm trật tự, kỷ cương trong các hoạt động giáo dục ĐH, thực hiện mục tiêu chung của giáo dục ĐH và mục tiêu riêng của mỗi trình độ đào tạo, hạn chế tác động tiêu cực của quy luật thị trường. Tuy nhiên vì giáo dục ĐH có những đặc trưng riêng nên việc quản lý nhà nước về giáo dục ĐH còn phải chú ý đến những đặc trưng sau đây:
- Quản lý giáo dục ĐH phải tạo cho được môi trường tự do học thuật, tự do sáng tạo trong các cơ sở giáo dục ĐH.
- Tạo cho được quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục ĐH trong việc thực hiện những hoạt động tác nghiệp, trước hết là những vấn đề về nhân sự và tài chính.
- Định hướng cho giáo dục ĐH phát triển phù hợp với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và phù hợp với xu thế chung của giáo dục ĐH thế giới.
- Trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, giáo dục ĐH trở thành nền "công nghiệp" không biên giới có nhập khẩu, xuất khẩu, có cạnh tranh và có tính đến hiệu quả đầu tư; vừa phải giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc như một thương hiệu quốc gia, vừa phải trân trọng tiếp thu thành tựu văn minh nhân loại. Đó chính là vấn đề mà quản lý nhà nước về giáo dục ĐH phải đặc biệt chú trọng.
- Giáo dục ĐH được xác định là một loại dịch vụ công chủ yếu mà nhà nước có trách nhiệm cung ứng cho xã hội, bên cạnh đó còn có sự tham gia của
nhiều thành phần khác ngoài nhà nước. Vì vậy, quản lý nhà nước về giáo dục ĐH còn nhằm mục đích ổn định trật tự trong lĩnh vực xã hội này.