Kinh tế thị trường là động lực mạnh mẽ đẩy nhanh sự hình thành và phát triển kinh tế tri thức toàn cầu

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tri thức ở việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 28)

phát triển kinh tế tri thức toàn cầu

Khi nào sản xuất có nhu cầu đối với khoa học thì khoa học mới phát triển mạnh, luận điểm này được sự đồng thuận của hầu hết tất cả những nhà kinh tế, nhà khoa học, toàn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp vì nâng cao năng lực cạnh tranh, vì lợi nhuận tối đa, đều phải gia tăng sản xuất, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, do đó phải không ngừng đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, đổi mới tổ chức quản lý, họ phải tìm đến khoa học. Do cạnh tranh, các doanh nghiệp không những tìm cách thỏa mãn tối đa nhu cầu và lợi ích của người tiêu dùng, mà còn có khả năng dự báo thị trường, kích thích nhu cầu tiêu dùng mới bằng những sản phẩm mới với nhiều phương pháp tiếp thị. Liên xô trước đây đã có tiềm lực khoa học mạnh, đã đi trước trong nhiều công nghệ hiện đại, công nghệ cao, nhưng vì không tạo lập thị trường (nói đúng hơn là do khước từ kinh tế thị trường) nên rất chậm mở rộng và đổi mới sản xuất; chẳng hạn công nghệ nghe nhìn (tivi, video) có sớm hơn các nước phương Tây, nhưng phát triển rất chậm chạp vì cho rằng ít nhu cầu; tàu vũ trụ của Liên Xô đã có thiết kế trước nhưng chậm triển khai, sau đó tàu vũ trụ của Mỹ được đưa vào hoạt động, không khác mấy so với thiết kế có trước của Liên Xô, v.v...

Như vậy, có thể rút ra một nhận xét có tính triết lý về sự phát triển: Có một nền khoa học mạnh chưa hẳn đã có trình độ công nghệ cao, vấn đề là phải có động lực từ phía thị trường. Các doanh nghiệp trong các nền kinh tế thị trường đều phải đầu tư lớn cho R&D nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, và trước áp lực ngày càng lớn của cạnh tranh, càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp truyền thống trở thành những doanh nghiệp khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Ngày nay, trong môi trường cạnh tranh quyết liệt của nền kinh tế thị trường toàn cầu hoá, các doanh nghiệp mới thường ra đời từ một sáng chế, một công nghệ mới. Trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ráo riết hiện nay không còn chỗ đứng cho các doanh nghiệp làm ăn theo đường mòn, không chịu đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Thành tựu mới về khoa học và công nghệ khai sinh và nuôi dưỡng các doanh nghiệp, và ngược lại, chính các doanh nghiệp lại là tác nhân thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ. Công nghệ thông tin cũng như các công nghệ cao khác phát triển nhanh như ngày nay là nhờ cơ chế cạnh tranh lành mạnh diễn ra liên tục trong nền kinh tế thị trường, và nhờ có sự năng động, sáng tạo của các doanh nghiệp.

Nếu không có các công ty kinh doanh các công nghệ mới như Microsoft, IBM, HP, Cisco, Oracle, v.v... thì khó mà có những thành tựu kỳ diệu về công nghệ thông tin như ngày nay. Do thị trường đòi hỏi, các doanh nghiệp phải gia tăng đầu tư vào nghiên cứu phát triển để có công nghệ mới, sản phẩm mới. Cạnh tranh về kinh tế thực chất là cạnh tranh về khoa học và công nghệ. Các quốc gia muốn nâng cao vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh, đều phải ra sức đầu tư để nâng cao năng lực khoa học công nghệ của mình.

Hình 1.4 So sánh tốc độ gia tăng nhanh chóng của đầu tư R&D của một số nước

Nguồn : Tổ chức Khoa học Quốc gia Mỹ - NSF, http://www.nsf.gov/statistics/digest10/ Trong hai thập kỷ qua, chi phí cho nghiên cứu phát triển tăng lên rất nhanh chóng, đặc biệt là đầu tư từ các doanh nghiệp, kể cả đầu tư mạo hiểm. Đó là đầu tư quan trọng nhất cho phát triển vốn tri thức. Hình 1.4 ở trên cho ta thấy tốc độ gia tăng nhanh chóng của đầu tư R&D. Chi phí cho đầu tư phát triển tăng nhanh không ngừng trong đó năm 2007 chi phí cho R&D toàn thế giới ước đạt 1.100 tỷ USD trong đó riêng nước Mỹ đã 373 tỷ USD, châu Á chi 338 tỷ USD, châu Âu chi 263 tỷ USD. Trong khi đó số chi cho R&D của toàn cầu năm 1996 chỉ là 525 tỷ USD. Nói riêng về chi phí R&D của nước Mỹ, năm 1982 nước Mỹ đầu tư cho R&D chỉ ở mức 57 tỷ USD, năm 1997 đã lên tới hơn 200 tỷ USD, năm 2002 là 276,2 tỷ USD, Năm 2007 là 373 tỷ USD, Năm 2008 là 398 tỷ USD (trong đó trên 82% là từ các doanh nghiệp)[70],[71].

Một phần của tài liệu phát triển kinh tế tri thức ở việt nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)