tư duy hướng kinh tế tri thức
Kinh tế tri thức là hệ quả của quá trình đổi mới tư duy về sự phát triển và chính bản thân nó, với tác động ngày càng sâu rộng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng đang làm thay đổi mạnh mẽ tư duy của loài người ngày nay.
Một là, phát triển phải lấy con người là trung tâm. Thông thường phát triển có nghĩa là sự lớn lên về mọi mặt, cả về số lượng lẫn về chất lượng. Nói về sự phát triển của một quốc gia hay của một xã hội là nói sự phát triển mọi mặt của quốc gia hay xã hội đó:
Hình 1.8 Thu nhập cao và sự dich chuyển nguồn nhân lực kỹ thuật cao giữa các quốc gia
phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, phát triển xã hội, phát triển con người, chất lượng cuộc sống, trình độ khoa học, công nghệ, trình độ văn minh...; trong đó phát triển con người là trung tâm. Phát triển con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội. Mục tiêu của phát triển là vì con người, vì việc cải thiện chất lượng sống của con người một cách bền vững, chứ không chỉ đơn thuần là tăng trưởng kinh tế hay gia tăng của cải vật chất.
Phát triển con người có nghĩa là tạo được một môi trường lành mạnh, trong đó con người có tương đối đầy đủ điều kiện và cơ hội để phát triển mọi khả năng của mình, có cuộc sống phong phú theo nhu cầu và sự thích thú của mình. Con người là tài sản quí giá nhất của quốc gia. Như vậy, phát triển có nghĩa là làm tăng các khả năng lựa chọn của con người về một cuộc sống có giá trị đối với mình. Và, nhìn tổng quát, "phát triển có nghĩa
rộng hơn nhiều so với tăng trưởng kinh tế; tăng trưởng kinh tế chỉ là một yếu tố - tuy là rất quan trọng - trong việc làm tăng khả năng lựa chọn của con người” [151]. Điều cơ
bản nhất để làm tăng khả năng lựa chọn của con người là xây dựng năng lực con người; năng lực quan trọng nhất là có thể sống lâu và khoẻ mạnh, có tri thức, biết tạo điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống và biết cách sống hoà hợp trong cộng đồng.
Hai là, sự phát triển càng ngày càng phải dựa nhiều hơn vào nguồn lực trí tuệ. Với
sự vận dụng tri thức khoa học ngày càng nhiều, công cụ lao động không ngừng cải tiến, đối tượng lao động đa dạng hoá, ngành nghề mới xuất hiện, phân công lao động xã hội ngày càng cao, lực lượng sản xuất ngày càng lớn mạnh, xã hội loài người ngày càng phát triển. Quá trình phát triển ấy vừa có tuần tự vừa có nhảy vọt; ngày nay đang trong bước chuyển vĩ đại từ chỗ dựa chủ yếu vào nguồn lực vật chất sang dựa chủ yếu vào nguồn lực trí tuệ. Vốn tri thức đã trở thành nguồn vốn quan trọng nhất của sản xuất. Vốn tri thức có được là do nguồn nhân lực được đào tạo tốt, có khả năng truy cập vào tri thức toàn cầu, khả năng tạo ra tri thức mới, biến tri thức thành giá trị. Cho nên, vốn người là nguồn vốn quan trọng nhất và vốn người xét về năng lực trí tuệ gần như đồng nghĩa với vốn tri thức. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp đáng tin cậy để tính toán định lượng vốn tri thức, vốn người. Thông thường, người ta lấy tổng GDP được tạo ra trừ đi phần GDP do các nguồn vốn vật chất tạo ra, còn lại là GDP do vốn tri thức tạo ra [6]. Vốn người được ước tính bằng số năm học trung bình nhân với số lao động:
Vốn người = Số lao động x Số năm học bình quân
Hiện nay, hầu hết các nhà kinh tế đã chấp nhận quan niệm vốn người là nguồn vốn cơ bản nhất của nền kinh tế. Có thể khẳng định rằng, đầu tư vào vốn người là yếu tố đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế. Điều đó lại càng đúng trong môi trường kinh
tế tri thức. Barrow Robert (Education Policy Analysis, Vol 32, 2000) đã chứng minh rằng, cứ tăng thêm một năm học bình quân cho một người dân, thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dài hạn tăng thêm 0,7%.
Gần đây, khi nói về phát triển, một số tác giả còn đưa ra khái niệm vốn xã hội. Bourdieu (1986) phân biệt ba loại vốn: kinh tế, văn hoá và xã hội. Ông không nói gì nhiều về vốn kinh tế, song phê phán rằng ý niệm này trong kinh tế học hiện nay là quá hạn hẹp, ở chỗ vốn ấy chỉ được xem như một cái gì đó có thể đổi ngay thành tiền, hoặc thể chế hoá thành quyền sở hữu. Vốn xã hội là một cách tiếp cận mới, một sự quan tâm nhiều hơn đến vai trò của văn hoá trong tiến trình phát triển và tăng trưởng kinh tế. Ở đây, văn hóa được hiểu rằng nó có liên hệ hết sức chặt chẽ với thể chế, tổ chức - một vấn đề cơ bản nhưng lại chưa được đề cập trong kinh tế học tân cổ điển. "Vốn xã hội" hàm ý những giá trị mà các nhà kinh tế tân cổ điển dù thừa nhận là quan trọng, song chưa có cách đưa vào phân tích định lượng. Như vậy, nếu "Vốn xã hội" là có thực, thì vai trò của nó trong tiến trình phát triển là hiển nhiên và cần thiết. Bởi lẽ, nếu là một loại vốn, như những loại vốn khác, thì sự tích lũy vốn xã hội là tối cần để phát triển. Làm sao để tích lũy nguồn vốn xã hội hoặc làm sao để không bị tiêu hao là một câu hỏi không thể lảng tránh.
Như vậy, tác động của kinh tế tri thức đến tư duy phát triển có thể hiểu trên hai khía cạnh sau:
Một là, khoảng cách về phát triển là do khoảng cách về tri thức, các nước đi sau
phải thật sự coi kinh tế tri thức là thời cơ để phát triển nhanh, để cố gắng bắt kịp các nước phát triển. Phát triển vốn tri thức là điều kiện cơ bản để phát triển kinh tế tri thức. Để phát triển nhanh và bền vững, tất yếu phải dựa vào nguồn lực chủ yếu là tri thức, vốn trí tuệ. Tài nguyên thiên nhiên, lao động vốn dĩ là những yếu tố cơ bản không thể thiếu, tri thức không thay thế được cho tài nguyên thiên nhiên, nhưng phải coi tri thức là nguồn lực quan trọng, quyết định nhất. Với trình độ tri thức cao, tài nguyên thiên nhiên sẽ được phát huy, cho ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao và giá trị gia tăng cao.
Hai là, các nước đang phát triển phải có tư duy tổng thể toàn cầu, nhận rõ những
biến chuyển mới của thời đại, phải chủ động và tích cực đổi mới chiến lược và chính sách phát triển để hướng thẳng vào kinh tế tri thức, hướng tới một xã hội thông tin; đó là một cuộc cách mạng không chỉ trong khoa học công nghệ, trong kinh tế mà cả trong tư duy, nhận thức; cách nghĩ, cách sản xuất kinh doanh, cách lãnh đạo và quản lý. Phải tham gia vào toàn cầu hoá, luôn so mình với các nước, biết mình đang ở đâu, làm gì để khai thác được kho tri thức toàn cầu, học tập kinh nghiệm các nước đi trước về các cách thức để phát triển, biết đấu tranh chống lại bất công, bất bình đẳng của toàn cầu hoá, tránh được
những rủi ro, hạn chế tối đa sự thua thiệt bởi các thiết chế toàn cầu hiện hành, nhất là về sở hữu trí tuệ, do các cường quốc áp đặt. Càng nghèo khó thì càng phải biết “thắt lưng buộc
bụng” để đầu tư nhiều cho khoa học, giáo dục, nâng cao dân trí, nhân nhanh vốn tri thức,
phát triển mạnh năng lực khoa học công nghệ. Chiến lược phát triển dựa trên tri thức phải là chiến lược cơ bản nhất của các quốc gia nói chung và nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam nói riêng.