TẾ QUỐC TẾ
3.4.1.1 Phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, đổi mới cơ chế chính sách tạo điều kiện và môi trường phát triển cho nền kinh tế tri thức
sách tạo điều kiện và môi trường phát triển cho nền kinh tế tri thức
Chúng ta đã thực hiện một số biện pháp phát triển và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ theo hướng tạo dựng một nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, để xây dựng và phát triển nền kinh tế tri thức có nghĩa là phải tạo ra và vận hành một hệ phạm trù với chất
lượng hoàn toàn mới, vận động theo những nguyên tắc, quy luật và cơ chế khác hẳn trước đây. Do vậy, việc lựa chọn định hướng phát triển kinh tế tri thức là mô hình mục tiêu đòi hỏi phải thay đổi căn bản tư duy, cách tiếp cận và chiến lược phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, yếu tố quan trọng nhất là tri thức, nền kinh tế dựa vào tri thức có phát triển được hay không phụ thuộc chủ yếu vào việc thu nhận, tạo ra, quảng bá và sử dụng tri thức có hiệu quả hay không. Chúng ta phải chuyển đổi từ quản lý kinh tế sang quản lý tri thức, nhằm mục tiêu khơi dậy các năng lực sáng tạo, tạo ra tri thức mới, nhân lên vốn tri thức và sử dụng có hiệu quả tri thức, biến nó thành giá trị. Chính từ đây đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa hệ thống quản lý, chuyển trọng tâm từ quản lý nguồn lực vật chất - cái hữu hình, sang quản lý lực lượng tinh thần - cái vô hình. Yếu tố đầu vào cơ bản của kinh tế tri thức là công nghệ và vốn tri thức hơn là năng lượng và nguyên liệu. Ở đó, thị trường dần dần không còn khái niệm biên giới, công nghệ thông tin và truyền thông cùng với hạ tầng giao thông tốt tạo điều kiện thuận lợi cho sự di chuyển nguồn nhân lực và việc làm khắp nơi trên thế giới. Với nền kinh tế công nghiệp trước đây, những nhà máy công nghiệp nặng cần đặt gần đường sông, đường sắt, nguồn nguyên liệu, thì trong nền kinh tế tri thức, các doanh nghiệp đặt tại những nơi có nguồn nhân lực được đào tạo tốt, có cơ hội học tập suốt đời, chất lượng cuộc sống được đảm bảo. Vì thế, nếu không chuyển đổi hệ thống quản lý phù hợp với xu thế mới này thì sẽ gây cản trở sự phát triển kinh tế tri thức. Với kinh tế tri thức, bên cạnh những triển vọng mới cho từng người cũng là thách thức cho hệ thống quản lý. Thích nghi với điều kiện đó, chính phủ phải trở nên linh hoạt và thích nghi hơn, phải xây dựng chính phủ điện tử, công dân điện tử để tự đổi mới, để tăng hiệu lực, năng suất và hiệu quả, có trách nhiệm hơn với dân, giải phóng được mọi sức mạnh sáng tạo của dân. Vai trò của nhà nước chuyển từ chỗ là người chỉ huy nền kinh tế sang người kiến trúc sư nền kinh tế mới, chỉ ra mục tiêu, định hướng phát triển, tạo môi trường kinh doanh, động viên mọi lực lượng tham gia; chăm sóc, vun xới các khả năng, tài năng phát triển, nhân nhanh các nhân tố mới.
Cần nhận thức rõ rằng để có cơ hội chiến thắng trong cạnh tranh và đáp ứng tốt các yêu cầu phát triển hiện đại, không thể chỉ dựa vào và chủ yếu dựa vào các lợi thế phát triển truyền thống như tài nguyên hay lao động rẻ (so với khu vực và thế giới). Việt Nam cần phải có một sự lựa chọn mới triệt để: kiên quyết dựa vào và chỉ có thể dựa vào lợi thế phát triển quan trọng số một của thời đại kinh tế tri thức là tiềm lực khoa học, công nghệ cao và nguồn nhân lực trí thức kỹ năng cao. Do vậy, chiến lược phát triển của chúng ta trong giai đoạn tới phải tập trung nỗ lực cho việc tạo dựng và phát triển loại lợi thế này. Sự lựa chọn này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải xác lập một cách nhìn mới về triển
vọng cơ cấu ngành trong tương lai. Sẽ không phải là các ngành công nghiệp nặng của thời bao cấp mà là các ngành của thời đại kinh tế tri thức, những ngành sản xuất ra thứ của cải có giá trị cao nhất là trí tuệ, đóng vai trò là những ngành công nghiệp then chốt và mũi nhọn. Theo logic đó, việc ưu tiên đầu tư cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ sẽ phải được coi là trọng tâm của toàn bộ chiến lược đầu tư - phát triển trong giai đoạn tới. Đổi mới cách tiếp cận chiến lược như trên là khâu đột phá quyết định trong tư duy và trong chiến lược phát triển.
Nhưng đó chỉ mới là một vế, dù là vế trọng tâm, có vai trò định hướng dài hạn của chiến lược phát triển. Xuất phát từ các điều kiện thực tế, không thể không nhận thấy rằng bên cạnh nỗ lực phát triển các ngành công nghệ cao, trong giai đoạn trước mắt, Việt Nam còn phải đương đầu với vấn đề giải quyết việc làm - thất nghiệp - thu nhập của người lao động. Thực trạng việc làm và thu nhập hiện nay của nước ta cho thấy nếu không tập trung giải quyết vấn đề sống còn này thì nền kinh tế tri thức sẽ trở thành một đích đến xa vời. Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, xu hướng di chuyển mạnh lao động vào các khu đô thị, thành phố, nguồn vốn đầu tư cho công nghệ cao còn hạn chế, mức thu nhập lao động chưa cao trong khi chi phí đào tạo nghề tăng lên tạo áp lực kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt. Trước tình thế đó, phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, cũng có nghĩa là những ngành đòi hỏi tương đối ít vốn, công nghệ - kỹ thuật không cao, phải là hướng ưu tiên về cơ cấu trong giai đoạn trước mắt; tạo tiền đề từng bước đi vào những lĩnh vực công nghệ - kỹ thuật cao, thay thế dần tình trạng gia công với trình độ thấp, xuất khẩu nguyên liệu thô. Như vậy, nếu nhìn bao quát khung chiến lược 10-15 năm của Việt Nam, rõ ràng trong tư duy đột phá, chiến lược cơ cấu “hai tốc độ” hầu như là phương án buộc phải chấp nhận. Nỗ lực tạo việc làm đi liền với việc xây dựng các năng lực phát triển mới theo hướng tri thức và công nghệ hiện đại là hai vế không thể xem nhẹ bên nào của chiến lược đó.