Ngân hàng thế giới sử dụng phương pháp ma trận đánh giá KAM (Knowledge Assessment Matrix) trong chương trình “tri thức vì sự phát triển”. Ma trận này bao gồm 59 chỉ tiêu đánh giá cơ cấu và tính chất kinh tế - xã hội của một quốc gia về trình độ kinh tế tri thức. Tất cả các chỉ tiêu được quy về thang điểm 10. Mục tiêu của KAM là xác định các vấn đề và cơ hội của một quốc gia phải đối mặt trong bối cảnh kinh tế tri thức, cũng như những trọng tâm chính sách và đầu tư trong tương lai. Hiện nay WB đã tính KAM cho 75 nước, liên tục cập nhật những số liệu mới nhất và công bố trên Internet. Theo WB, bộ
59 chỉ tiêu này nhằm đo lường bốn mảng thiết yếu trong sự phát triển của kinh tế tri thức như sau (xem Phụ lục 1):
Thứ nhất, môi trường kinh tế và thể chế cung cấp nhiều sự khuyến khích đối với
việc sử dụng có hiệu quả những tri thức hiện có và tri thức mới, thúc đẩy sự nẩy nở tinh thần kinh doanh;
Thứ hai, lực lượng lao động có giáo dục và có kỹ năng để sản xuất, chia sẻ và sử
dụng tốt tri thức;
Thứ ba, kết cấu hạ tầng thông tin năng động tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên
lạc, truyền bá và xử lý hữu hiệu thông tin;
Thứ tư, hệ thống đổi mới có hiệu quả gồm các hãng, trung tâm nghiên cứu, trường
đại học, các nhà tư vấn và các tổ chức khác để khai thác tri thức toàn cầu, cập nhật và đồng hóa chúng nhằm phục vụ cho những nhu cầu địa phương.
Ngoài ra KAM còn có thêm một số chỉ tiêu theo dõi thành tích chung của nền kinh tế. Những chỉ số này cho thấy một nền kinh tế đã thực sự sử dụng tốt tri thức như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Hệ thống các chỉ tiêu của KAM gồm 7 chỉ tiêu đo lường về thành tựu kinh tế, 8 chỉ tiêu đo lường về chế độ kinh tế, 7 chỉ tiêu đo lường chế độ thể chế, 14 chỉ tiêu đo lường nguồn lực con người, 12 chỉ tiêu đo lường hệ thống đổi mới và 11 chỉ tiêu đo lường kết cấu hạ tầng thông tin.